(ĐSPL) - Nhắm vào tâm lý e ngại, không dám đến các trung tâm y tế xét nghiệm của người nghi nhiễm HIV, nhiều con buôn đang bày bán, quảng cáo các loại que thử HIV nhanh, với giá rẻ.
Để thu hút khách hàng, người bán quảng cáo loại que thử này được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn của dịch vụ tự xét nghiệm HIV tại nhà, cho kết quả nhanh, chính xác, an toàn…
Nhanh, riêng tư, an toàn?
Sau khi dịch vụ tự xét nghiệm HIV tại nhà (dịch vụ được cơ quan Cứu trợ khẩn cấp Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam-PV) khởi động tại nước ta vào ngày 26/8 vừa qua, nhiều người đang hoài nghi mình nhiễm căn bệnh thế kỷ thở phào nhẹ nhõm. Bởi, từ nay, cộng đồng các nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV (bao gồm những người tiêm chích ma túy, phụ nữ mại dâm, quan hệ tình dục đồng giới)... có thể tự sắm cho mình bộ dụng cụ thử HIV tại nhà. Bằng cách này, họ sẽ loại bỏ được sự e ngại, đảm bảo tính riêng tư, không phải lo lắng như đi kiểm tra ở bệnh viện, trung tâm y tế.
Tuy nhiên, bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh của dịch vụ nói trên mới trong giai đoạn thí điểm và được phát miễn phí với số lượng nhất định. Trong khi đó, trên thị trường, mặt hàng trên đang được nhiều người rao bán với những lời quảng cáo có cánh. Theo đó, các loại que thử, dụng cụ xét nghiệm HIV nhanh được nhiều người công khai rao bán trên các trang mạng. Thậm chí, tại một số nhà thuốc tây nhỏ, lẻ cũng sẵn sàng cung cấp, nếu khách hàng có nhu cầu. Tìm hiểu thực tế, PV nhận thấy, đa số các loại que thử, dụng cụ xét nghiệm HIV nhanh đang được bày bán đều không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, người bán luôn khẳng định đây là sản phẩm mới, được nhập khẩu từ các thị trường nổi tiếng, uy tín như Mỹ, Đức...
Đang trong thời gian xin nhập khẩu nhưng bộ xét nghiệm HIV tại nhà đã được rao bán. Ảnh minh họa. |
Trên thị trường, con buôn đang quảng cáo, bày bán các loại que thử HIV nhanh như Rapid test, Alere Determine HIV 1/2, Test thử SD HIV, HIV Test Cassette... Giá cả của những sản phẩm nói trên cũng “nhảy múa”, chênh lệch một cách khó hiểu. Cụ thể, trong khi bộ Alere Determine HIV 1/2 được rao bán với giá trên 2 triệu đồng thì HIV Test Cassette chỉ 375.000 đồng/bộ. Thậm chí, nhiều loại que thử căn bệnh thế kỷ còn được rao bán với giá từ vài chục nghìn đồng đến hơn 100.000 đồng/sản phẩm.
Mặc dù giá cả không nhất quán, “nhảy múa” liên tục nhưng người bán luôn khẳng định, các sản phẩm này đều đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe của bộ Y tế.
Liên hệ qua điện thoại với nhân viên của trang “ChuyenquethuHIVnhanh”, PV được tư vấn: “Hiện tại, shop mình có bán nhiều loại que thử HIV tại nhà cho kết quả nhanh chóng. Khi sử dụng, các bạn sẽ có kết quả trong vòng 20 phút. Que thử tại nhà cũng giúp các bạn xóa bỏ mặc cảm, tâm lý e ngại khi đến các trung tâm y tế, đảm bảo tính riêng tư, nhanh chóng và hết sức an toàn. Bên mình có bán mẫu Oraquick HIV Test in Home, của Mỹ sản xuất, cho kết quả trong vòng 20-40 phút, độ chính xác đến 99\%. Giá của sản phẩm này là 2 triệu. Ngoài ra mình còn bán Rapid Test giá 80.000 đồng, HIV Test Cassette giá 376.000 đồng,...”.
Tiền mất tật mang
Tại nhiều trang bán hàng trực tuyến khác, PV cũng được chào mời, quảng cáo về nhiều sản phẩm xét nghiệm HIV tại nhà. Người bán cho biết, các sản phẩm này đều gọn nhẹ, dễ dàng sử dụng. Đặc biệt, các sản phẩm này có thể sử dụng nước bọt, máu để tiến hành xét nghiệm. Để tạo niềm tin cho khách hàng, người bán quả quyết các sản phẩm trên đều được sản xuất theo tiêu chuẩn của bộ OraQuick (dụng cụ xét nghiệm HIV nhanh của dự án xét nghiệm HIV tại nhà-PV).
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, đa số các loại que thử nói trên đều không được giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ một cách rõ ràng. Thậm chí, sản phẩm que thử chỉ được bán lẻ, không đầy đủ các bộ phận, tài liệu hướng dẫn, bao bì đã bị xé, tem, nhãn không còn... Đáng lưu ý, OraQuick được dự án xét nghiệm HIV tại nhà cung cấp, cấp phát miễn phí vẫn chỉ đang ở mức thí điểm. Do đó, bộ xét nghiệm này không hề được bày bán ở ngoài thị trường như trong quảng cáo của một số trang mạng chuyên kinh doanh que thử HIV.
Thông tin vấn đề trên, bác sỹ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc sở Y tế TP.HCM cho biết: “Xét nghiệm HIV tại nhà là phương pháp tiện lợi, tự mình làm được, giúp những người có nguy cơ nhiễm HIV cao sớm được kiểm soát, giúp ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, dự án này đang trong giai đoạn khởi động. Bộ dụng cụ xét nghiệm được phát miễn phí. Sau giai đoạn đầu sẽ có hướng để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ tự xét nghiệm này”.
Theo đó, việc các loại dụng cụ thử nhanh HIV được bày bán một cách công khai, không rõ nguồn gốc như trên, khiến không ít chuyên gia, bác sỹ lo ngại. Trao đổi với PV, ông Trần Văn Anh Phương, Quản lý công trình tư vấn xét nghiệm HIV TP.HCM, trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM nhấn mạnh: “Các loại que thử y tế nói chung, que thử HIV nói riêng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng. Khi nhập khẩu, các sản phẩm này cũng được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chất lượng một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt, chứ không đơn thuần như các mặt hàng mang tính đại trà khác”.
Ông Phương cho biết, việc nhập khẩu các thiết bị nói trên cũng phải đảm bảo yếu tố về chất lượng cũng như nhãn mác. Đặc biệt, các sản phẩm phải được đăng ký trước khi lưu thông trên thị trường. Trong khi đó, các sản phẩm thử HIV đang được bày bán trên chợ ảo, “chợ đen” lại có nguồn gốc trôi nổi, nhập nhèm trong nhãn mác nên không đáng tin. Do đó, khi sử dụng các loại sản phẩm này, kết quả xét nghiệm sẽ không chính xác.
Đáng nói hơn, việc mua, sử dụng các loại que thử HIV không rõ nguồn gốc, không được kiểm định có thể đẩy người sử dụng vào tình cảnh tiền mất tật mang. Ông Phương nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng ta đang thí điểm sử dụng bộ que thử OraQuick trong dự án tự xét nghiệm HIV tại nhà. Tuy nhiên, hiện vẫn đang trong giai đoạn xin phép bộ Y tế nhập OraQuick về sử dụng. Bộ đã đồng ý, nhưng các thủ tục hải quan vẫn chưa xong nên ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa có bộ xét nghiệm nói trên”.
“Trên thực tế, ngoài OraQuick, thị trường cũng có nhiều bộ thử nhưng không được phép bán rộng rãi. Các sản phẩm này chỉ được cung cấp cho các cơ sở y tế, chỉ các cơ sở y tế mới được sử dụng. Đối với các sản phẩm trôi nổi bên ngoài, không qua kiểm nghiệm, được nhập lậu vào nước ta thì không đảm bảo chất ượng. Do đó, khi người bệnh tự ý tìm mua các loại sản phẩm trôi nổi, không được kiểm duyệt, không được bộ Y tế cho phép lưu hành, nếu gặp sự cố cũng không được pháp luật bảo vệ, không thể khiếu kiện. Người dùng rất có thể sẽ rơi vào hoàn cảnh tiền mất tật mang, nếu mua phải các loại sản phẩm nói trên”, ông Phương cho biết thêm.
Xét nghiệm không chính xác rất nguy hiểm PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, đại học Y dược TP.HCM nhấn mạnh: “Bệnh nhân không nên tự chẩn đoán HIV/AIDS bằng các loại que thử bán tràn lan, không rõ nguồn gốc, không được bộ Y tế kiểm định trên thị trường. Dịch vụ tự xét nghiệm HIV hứa hẹn sẽ giúp tăng đáng kể tỉ lệ xét nghiệm HIV trong cộng đồng những người có nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, khi thực hiện, người muốn xét nghiệm phải tìm đúng bộ xét nghiệm được bộ Y tế kiểm định, cấp phép. Nếu mua phải hàng rởm, không rõ nguồn gốc, việc cho kết quả không chính xác là rất cao. Nếu kết quả xét nghiệm không chính xác thì rất nguy hiểm cho việc điều trị bệnh về sau”. |
HÀ NGUYỄN
[mecloud]XVyaoeCmzh[/mecloud]