Đầu tháng 8/2021, Phương Mỹ Chi khiến khán giả lo lắng khi thông báo cả gia đình 4 người đều bị nhiễm Covid-19. Sau quá trình tự chữa trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, nữ ca sĩ và người thân đã khỏi bệnh và phục hồi ngoạn mục. Trong suốt thời gian chiến đấu với bệnh tật, giọng ca Quê em mùa nước lũ đã nhận được vô số lời động viên từ bạn bè, người hâm mộ. Tuy nhiên, cũng có một số anti-fan bình luận kém duyên, thậm chí còn “trù ẻo” nữ ca sĩ đã qua đời vì Covid-19, khiến Phương Mỹ Chi rất bức xúc.
Mới đây, Phương Mỹ Chi không khỏi phẫn nộ khi trên YouTube xuất hiện clip có tiêu đề: "Sáng 2/10, vĩnh biệt cô bé dân ca - ca sĩ Phương Mỹ Chi". Thậm chí, người đăng clip này còn ngang nhiên lồng ghép hình ảnh đám tang vô cùng phản cảm để gây sự chú ý.
Trước hành động vô nhân tính, câu view bất chấp của kẻ xấu, Phương Mỹ Chi phải thốt lên đầy bất lực: "Sao ác quá ta, không hiểu luôn. Ghi mấy tin này thì được gì ta?".
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên Phương Mỹ Chi rơi vào tình huống “khóc dở mếu dở” này. Cách đây không lâu, nữ ca sĩ đã phải lên tiếng "dằn mặt" vì bị anti-fan đồn đã qua đời sau khi nhiễm Covid-19. Theo đó, cô đã đăng đàn với thái độ khó chịu vì nhận tin nhắn: "Em tưởng chị bị Covid-19 chết rồi chứ trời" từ một dân mạng kém duyên. Bất thình lình bị trù ẻo, Phương Mỹ Chi không im lặng cho qua mà đáp lại: "Bệnh này nguy hiểm lắm, em đừng trù người khác. Chị may mắn bình an rồi" và kèm theo đó là những lời nhắc nhở cực sâu cay.
Không riêng gì Phương Mỹ Chi, nhiều nghệ sĩ khác như NSƯT Hoài Linh, nhạc sĩ Trần Tiến, danh hài Thúy Nga, NSND Hồng Vân,… cũng từng mệt mỏi khi đang yên đang bỗng dưng bị “khai tử” trên mạng xã hội. Còn nhớ, hồi tháng 1/2021, nhạc sĩ Trần Tiến vô cùng ngỡ ngàng vì nhận tin mình qua đời khi đang ngồi cùng vợ trong ngôi nhà ở Vũng Tàu. Tác giả Mặt trời bé con thừa nhận, tin đồn này khiến gia đình ông gặp nhiều rắc rối vì “Tôi đang khỏe lắm. Sao lại rủa cho tôi chết?”.
Hành vi bất nhẫn này khiến khán giả vô cùng phẫn nộ và tức giận. “Quý vị đừng vì đồng tiền kiếm được trên YouTube, Facbook mà đem mạng sống của người khác ra phát ngôn bừa bãi, câu like trắng trợn, phản cảm như thế"; "Đúng là vô lương tâm, thiếu đạo đức, câu like kiểu gì vậy",... là những bình luận thể hiện sự bức xúc của khán giả.
Thời gian qua, đã có nhiều website, trang mạng xã hội, trang tin không chính thống đã tự ý sử dụng nhiều hình ảnh nghệ sĩ đi kèm với những nội dung sai lệch nhằm tăng tương tác, trục lợi. Nhiều người đặt vấn đề: Liệu nên có một chế tài rõ ràng, xử lý triệt để trước những trang đưa tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, làm giảm uy tín và gây bức xúc không chỉ cho người trong cuộc mà còn đối với dư luận xã hội.
Trao đổi với PV ĐS&PL về vấn đề nhức nhối này, Luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho rằng, việc nghệ sĩ bị "chết oan"... là thực tế đáng buồn, cho thấy sự xuống cấp trầm trọng về cách hành xử, văn hóa, đạo đức của một bộ phận người dùng mạng xã hội. Để câu view, trục lợi cá nhân, một số kẻ đã bất chấp, cố tình thực hiện các video sai sự thật, xúc phạm đến người khác. Và, những nghệ sĩ nổi tiếng là đối tượng bị hướng đến nhiều nhất của những tin đồn ác ý này. Tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của các nghệ sĩ và hoang mang dư luận.
“Rõ ràng, biết người ta đang sống khỏe mạnh, nhưng vẫn cố tình tung tin họ đã chết. Chỉ vì tư lợi mà một số kẻ sẵn sàng chà đạp lên mạng sống, danh dự, nhân phẩm, gây tổn thương người khác. Hành vi này là vô đạo đức, rất đáng lên án và cần sớm được loại trừ trên mạng xã hội”, anh nói.
Theo Luật sư Thái, luật pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định xử phạt đối với hành vi tung tin sai sự thật. Nhưng, xưa nay xử lý mãi mà nhiều người vẫn không hề sợ, thậm chí ngang nhiên cố tình vi phạm. Bởi, nhiều thông tin sai phạm đưa lên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ ở mức xử phạt hành chính.
“Dường như các chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe để buộc người ta phải sợ, không dám làm những việc sai trái đó. Đó là “lỗ hổng” khiến một số kẻ xấu mặc nhiên nghĩ rằng, tung tin thất thiệt như vậy sẽ chỉ bị xử phạt hành chính, nhưng lợi ích thu được còn cao mức phạt, nên họ sẵn sàng “vượt rào” để vi phạm”.
Nếu hành vi này không được xử lý triệt để, thì thông tin độc hại vẫn thản nhiên xuất hiện, biến không gian mạng thành “thùng rác”. Điều này là cực kỳ nguy hiểm, gây hỗn loạn, làm xáo trộn đời sống, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý của người sử dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ”, Luật sư La Văn Thái cho hay.
Để chấm dứt hoặc hạn chế tối đa những luồng thông tin độc hại trên mạng xã hội, vị luật sư này cho rằng: “Cơ quan chức năng cần ban hành những khung pháp lý, chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Cần xem xét lại hành vi vi phạm để xử lý ở mức độ nặng hơn, thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không để tình trạng xấu này xảy ra một cách vô tội vạ như hiện nay.
Bên cạnh đó, những người sử dụng mạng xã hội phải tỉnh táo, thông minh hiểu biết, tránh tình trạng “a dua a còng” trước những thông tin thất thiệt. Nếu ai cũng nhận thức rõ đó là chiêu trò xấu câu view, trục lợi, không chia sẻ, phản đối thì chắc chắn sẽ thanh lọc được những thông tin độc ra khỏi không gian mạng, không có “đất” cho những kẻ có mục đích xấu”.
Hà Linh
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (160)