Những ngày cuối tháng 8, ông Công Ngọc Dũng (62 tuổi) ở nhà số 6, ngõ 319 phố An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội dậy từ sớm lau dọn bàn ghế, nhà cửa. Ngôi nhà số 6 này đã gắn với sự kiện Bác Hồ nghỉ lại trước khi về nội thành Hà Nội chuẩn bị cho ngày cuộc mít tinh tại quảng trước Ba Đình ngày 2/9/1945. Đã gần 80 năm trôi qua, những kỉ vật trong ngôi nhà vẫn còn vẹn nguyên, là nơi để mỗi người dân Việt trở về thăm lại và cảm nhận không khí sục sôi trước ngày Độc lập.
Ngồi trò chuyện cùng PV Đời sống & Pháp luật, ông Dũng bắt đầu bồi hồi những câu chuyện đã từ rất xưa, nhưng là những mà ông suốt đời không bao giờ quên.
"Tôi sinh sau không được chứng kiến thời kỳ Bác Hồ tới đây và chỉ nghe kể lại qua ký ức sâu thẳm của bà nội và bố mình. Những dấu ấn về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến và ở được bà và bố kể bằng cả tấm lòng, sự tự hào và cũng từ đó những câu chuyện thấm đẫm vào ký ức của tôi”, ông Dũng chia sẻ.
Vào năm 1931, ngôi nhà truyền thống của gia đình ông Dũng được xây dựng trên mảnh đất Phú Gia lịch sử và được lấy tên “Thanh phong minh nguyệt” tức gió mát trăng thanh. Từ năm 1941 khi phong trào Mặt trận Việt Minh phát triển, bà Nguyễn Thị An – 1 người phụ nữ đảm đang tháo vát, thông minh đã nhanh chóng tham gia. Bà cùng con trai là Công Ngọc Kha (bố ông Công) đã tham gia tích cực vào phong trào, làm liên lạc, đưa mật thư cũng như bí mật giúp đỡ các cán bộ cách mạng. Chính vì vậy, ông Công Ngọc Kha là 1 trong 5 Đảng viên đầu tiên của Phú Thượng thời đó.
Và cũng bắt đầu từ đó, ngôi nhà của bà An cùng con trai đang ở đã nhanh chóng trở thành địa chỉ hoạt động cách mạng bí mật, an toàn và cũng là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhiều cán bộ cách mạng. Ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội nổi dậy Tổng khởi nghĩa dành lại chính quyền, không khí sôi nổi, quyết tâm lan tỏa cả thành phố.
Vào chiều thu 23/8/1945, theo thông báo của chính quyền địa phương, sẽ đoàn cán bộ từ chiến khu Việt Bắc sau khi rời bến đò sẽ đến ở tại nhà của bà Nguyễn Thị An.
“Trước đó từ năm 1942, nhà tôi vẫn có các đoàn cán bộ cách mạng đến, nhưng khi được nghe có đoàn cán bộ từ chiến khu Việt Bắc về là mọi người tò mò, háo hức lắm. Trong đoàn cán bộ ngày đó đặc biệt có một ông cụ đã có tuổi, mặc bộ quần áo chàm, chòm râu dài, người mắt sáng, vầng trán cao nhưng ông rất gầy và yếu hình như mới qua một trận ốm", ông Dũng hồi ức lại.
Sau đó, bà An và gia đình đã kính trọng mời cụ và cả đoàn cán bộ nghỉ ngơi tại phòng khách của gia đình. Đêm hôm đó, ông Kha tỉnh dậy vẫn thấy cụ già đang cần mẫn làm việc trên chiếc trường kỉ. "Đến sáng sớm ngày hôm sau, người nhà tôi thấy ông ra bờ ao tập thể dục xong lại bắt tay vào công việc. Vị cán bộ từ chiến khu trở về ấy bận suốt ngày, không mấy lúc nghỉ tay", ông Dũng kể lại.
Sáng 25/8/1945, đoàn cán bộ nói lời tạm biệt gia đình để tiếp tục đi làm nhiệm vụ. Có đông đủ các thành viên trong gia đình, cụ ông trầm ấm nói: "Tôi về đây với gia đình, được gia đình hết lòng giúp đỡ. Bây giờ tôi phải đi công tác. Tôi cảm ơn sự giúp đỡ của gia đình. Tôi chúc gia đình mạnh khoẻ và có dịp nào đó tôi sẽ về thăm lại”.
"Tới sáng ngày 2/9/1945, gia đình tôi có được vinh dự rất lớn là được về Hà Nội tham dự cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Ba Đình. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Bác Hồ kính yêu chính thức ra mắt quốc dân đồng bào với bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử. Lúc đó gia đình tôi mới vỡ lẽ cụ ông gầy gò với đôi mắt sáng đó chính là Bác Hồ vĩ đại của đất nước chúng ta", ông Dũng xúc động.
Thời gian trôi qua mau, bất ngờ ngày 24/11/1946, gia đình bà An nhận được tin báo có Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đến thăm. Cả nhà nghe tin vui mừng khôn xiết, hồi hộp từng giây đón Người trở về thăm. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa đến sân căn nhà cũ mọi người đều đã ra đón. Càng bất ngờ hơn, khi Bác Hồ nhìn mọi người 1 lúc rồi nhẹ nhàng hỏi bố chồng của bà An là cụ ông Công Văn Trường: “Còn ông cụ nữa, cụ đâu rồi, tôi rất mong muốn được gặp cụ để trò chuyện”.
Ông Dũng nhớ lại lời bà kể, trong buổi nói chuyện, Bác Hồ hỏi "Bây giờ giặc Pháp chuẩn bị đánh ta một lần nữa, các cụ có sợ không? Cụ Trường trả lời "Thưa cụ, giặc Pháp có nhiều xe tăng, máy bay, không biết ta có đánh được nó không?" Cụ Trường vừa dứt lời, Bác Hồ nói ngay và quả quyết: "Pháp mạnh thật nhưng chúng ta có lòng dân. Nhân dân ta đoàn kết một lòng nhất định chúng ta sẽ đánh thắng". Cụ Trường: "Vâng, nhân dân ta nghe theo ý cụ, sẽ chiến thắng được giặc Pháp".
Từ đó đến nay, ngôi nhà của gia đình ông Dũng được coi như "bảo tàng ký ức" lưu giữ những kỷ niệm in dấu chân Người. Trải qua gần 80 năm, ngôi nhà vẫn được bảo tồn vẹn nguyên trong khuôn viên rộng 187,6m2 với 14 di vật, hiện vật cùng nhiều tài liệu, hình ảnh liên quan sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lại tại đây.
Đó là bộ tràng kỷ nơi Bác Hồ từng ngồi làm việc; chiếc sập gỗ Bác đã nằm nghỉ ngơi; chiếc máy chữ, vali mây được Người mang về từ Chiến khu Việt Bắc; và cả bể nước, chiếc gương, chậu rửa mặt bằng đồng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng… Hai buồng nhỏ ở hai đầu nhà là nơi trưng bày nhiều bức ảnh của các cán bộ cách mạng đã ở ngôi nhà này để hoạt động cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp; cùng ảnh của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới thăm gia đình.
Ngôi nhà được công nhận là "Nhà lưu niệm Bác Hồ" và chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996. Gần 80 năm đã trôi qua, ngôi nhà mái ngói nhuốm màu thời gian này bao năm qua vẫn luôn ngát hương hoa thơm và là ký ức đẹp cho mỗi người dân Việt tìm về nơi đây.