“Trinh tiết là tài sản riêng của phụ nữ không phải của đàn ông. Xã hội văn minh, mọi thứ đều cởi mở, tôn trọng cá nhân được đề cao, phẩm hạnh của người phụ nữ không còn bị đánh giá bằng chữ trinh…”
Đó là quan điểm của cô Cao Thị Hòa – Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Đại Nam xung quanh câu chuyện trinh tiết gây tranh cãi trên mạng xã hội những ngày qua.
Cô Cao Thị Hòa – Phó Hiệu trưởng, ĐH Đại Nam chia sẻ: “Trinh tiết là tài sản riêng của phụ nữ không phải của đàn ông” |
Thưa cô, cô quan niệm như thế nào về trinh tiết? Theo cô, trinh tiết có phải là thước đo để đánh giá phẩm hạnh của người phụ nữ?
Người xưa có câu: “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng”. Theo quan niệm phong kiến, nam – nữ thụ thụ bất thân, người con gái phải giữ gìn sự trinh trắng đến tận đêm tân hôn và phải chịu sự trừng phạt, khinh khi của người đời nếu chẳng may “thất tiết”. Đến thế hệ của chúng tôi, nề nếp ấy vẫn còn duy trì bởi theo quan niệm cũ, trinh tiết là thước đo để đánh giá phẩm hạnh của người phụ nữ.
Xã hội ngày nay văn minh hơn rất nhiều. Mọi thứ đều cởi mở hơn, tôn trọng cá nhân được đề cao, phẩm hạnh của người phụ nữ không còn bị đánh giá bằng chữ trinh. Tuy nhiên, vấn đề trinh tiết vẫn là chủ đề HOT cho thấy nó đã, đang và vẫn còn ảnh hưởng. Tôi lấy ví dụ, người phụ nữ khi yêu không đủ tỉnh táo và kiến thức để giữ gìn việc “cho đi” rất dễ dẫn đến các hệ lụy đau lòng. Rõ ràng, nếu các bạn trẻ được trang bị kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản tốt sẽ biết cách bảo vệ bản thân, tránh được bệnh tật, tránh có thai ngoài ý muốn… và tình trạng nạo hút thai, vô sinh sẽ không nhức nhối như hiện nay.
Tôi không cổ xúy nhưng không thể phủ nhận, nếu có đủ kiến thức, việc quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng là một trong những yếu tố góp phần làm nên hạnh phúc hôn nhân sau này bởi hòa hợp tình dục giúp đời sống vợ chồng hạnh phúc hơn.
Trinh tiết là tài sản riêng của phụ nữ không phải của đàn ông. Tuy nhiên, đàn ông Việt vẫn đang quá nặng nề về vấn đề trinh tiết; khi yêu thì muốn “chiếm đoạt” bằng được, khi chọn vợ thì lại muốn mình là người đầu tiên. Vậy, đâu là nguyên nhân của điều này, thưa cô?
Khi tôi dạy về kỹ năng mềm cho sinh viên, trong một câu hỏi liên quan đến chữ trinh, 50 bạn sinh viên nam được hỏi có tới 40 bạn trả lời là không quan trọng vấn đề trinh tiết ở bạn gái. Điều này cho thấy, giới trẻ đã và đang có cái nhìn “cởi mở”, tích cực hơn về “cái ngàn vàng” của người con gái. Trường hợp như bạn hỏi, tôi nghĩ đó là số ít và các anh chàng đó đa phần mang họ “Sở”, yêu với mục đích để “chiếm đoạt” chứ không phải lấy chữ trinh làm tiêu chuẩn.
Trường ĐH Đại Nam rất chú trọng đến việc giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho sinh viên. |
Có một thực tế không thể chối bỏ được tình dục là nhu cầu và giới trẻ có quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng phổ biến. Theo cô, thay vì cấm đoán thì gia đình nên có biện pháp giáo dục như thế nào để hạn chế tối đa những hệ lụy xấu?
Thực ra, cha mẹ nào cũng yêu thương và mong điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Tuy nhiên tình dục là nhu cầu sinh lý bình thường của con người, có muốn cấm cũng khó. Vậy thay vì cấm đoán, cha mẹ nên chia sẻ cởi mở với con cái xem quan niệm của chúng thế nào và hướng dẫn con những kiến thức cơ bản về giới tính, sức khỏe sinh sản để bảo vệ bản thân, tránh những hệ lụy xấu.
Cô đánh giá như thế nào về tình hình giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho sinh viên trong các trường đại học hiện nay?
Các trường khác thì tôi không rõ lắm nhưng ở Đại học Đại Nam, việc giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản được Nhà trường rất chú trọng. Chúng tôi đã đưa vấn đề này vào chương trình giảng dạy kỹ năng mềm cho sinh viên năm nhất và năm 2; cótổ chức các hội nghị, hội thảo, mời các chuyên gia tâm lý, bác sĩ sản khoa nổi tiếng về chia sẻ cùng sinh viên; đầu mỗi năm học, Ban Giám hiệu Nhà trường đều phổ biến vấn đề này đến các cán bộ, giảng viên đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm để chuyển tải thông tin đến sinh viên. Và điều khiến tôi vô cùng yên tâm là thầy cô của Đại học Đại Nam rất gần gũi với sinh viên, sẵn sàng tìm hiểu, lắng nghe và chia sẻ cùng các em, trong đó có cả những vấn đề tế nhị liên quan đến giới tính và sức khỏe sinh sản.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ thú vị của cô!
Thu Hòe (thực hiện)