Vụ bắn thử mới nhất của Triều Tiên nhằm "một lần nữa xác nhận đặc tính chiến lược và kỹ thuật của một hệ thống phóng tên lửa đa nòng siêu lớn".
Bệ phóng tên lửa ở Triều Tiên trong ảnh chụp không rõ ngày được Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng vào ngày 28/3. Ảnh: KCNA |
NHK đưa tin ngày 30/3, truyền thông nhà nước Triều Tiên thông báo nước nãy vừa mới thử nghiệm thành công tên lửa đa nòng “siêu lớn”, song không đề cập đến việc Chủ tịch Kim Jong-un có giám sát vụ thử nghiệm hay không.
Trước đó, tham mưu trưởng quân độ Hàn Quốc cho biết họ đã phát hiện các tên lửa bay từ thành phố ven biển phía Đông Triều Tiên tới vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản vào sáng 29/3. Chúng được cho là bay khoảng 230 km ở độ cao tối đa 30 km.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết các tên lửa dường như là đạn đạo tầm ngắn, không rơi vào lãnh thổ hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Song Tokyo cho rằng việc Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo liên tục gần đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế.
Đây là lần thứ tư Bình Nhưỡng phóng các tên lửa trong tháng 3.
Đợt thử nghiệm gần nhất diễn ra ngày 21/3. Dựa trên một số hình ảnh truyền thông Triều Tiên công bố, các chuyên gia nhận định vũ khí được phóng là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-24.
Đánh giá về động thái mới nhất của Triều Tiên, giới chuyên gia tại Hàn Quốc cho rằng các vụ phóng tên lửa gần đây dường như chủ yếu nhằm tăng cường sức mạnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan của dịch Covid-19 và những khó khăn kinh tế do chế độ trừng phạt quốc tế kéo dài.
Nhà phân tích Kim Dong-yub tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Seoul) nhận định: "Ông Kim Jong-un muốn cho thấy mình vẫn lãnh đạo đất nước một cách bình thường giữa dịch bệnh. Các vụ thử vũ khí mới nhất chỉ nhằm mục đích đoàn kết nội bộ, không gây ra mối đe dọa cho bên ngoài".
Chuyên gia Scot Snyder, Giám đốc viện chính sách Mỹ-Hàn Quốc của Hội đồng đối ngoại, cho rằng điều quan trọng là Mỹ tiếp tục gửi đi các dấu hiệu sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên và đường dây liên lạc cấp lãnh đạo giữa hai bên vẫn được duy trì. Qua đó, cho thấy cánh cửa đối thoại Mỹ- Triều vẫn để mở, theo nhiều cách khác nhau.
Mộc Miên (Theo NHK)