Triều Tiên thẳng thừng từ chối đề nghị thương lượng của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson về việc đối thoại với Washington mà không cần điều kiện tiên quyết.
Tờ Rodong Shinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, ngày 19/12 đăng tải bài xã luận cho biết không điều gì có thể làm thay đổi quyết tâm của Bình Nhưỡng đối với việc phát triển vũ khí hạt nhân, kể cả khi Mỹ có để ngỏ khả năng đàm phán vô điều kiện hay không.
“Mỹ chỉ đang cố gắng “đùn đẩy” trách nhiệm về việc gây nên căng thẳng trên khu vực bán đảo Triều Tiên sang chúng ta. Động thái này dường như là ý định của Mỹ nhằm tạo ra một cái cớ để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp tục ban hành lệnh trừng phạt mới lên Triều Tiên, bao gồm việc phong tỏa hàng hải, nếu Triều Tiên không chấp nhận đối thoại nhằm từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân”, bài viết nhận định.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (phải). Ảnh: NY Post |
Phía Bình Nhưỡng khẳng định sẽ không đưa vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình lên bàn đàm phán nếu Washington không từ bỏ chính sách thù địch với chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un.
“Sẽ không có gì thay đổi trong lập trường của Triều Tiên. Chúng tôi sẽ không đi lệch một inch nào trên con đường phát triển lực lượng hạt nhân”, tờ Rodong Sinmun nhấn mạnh.
Trước đó, trong bài phát biểu ngày 12/12, Ngoại trưởng Rex Tillerson đưa ra đề nghị mang tính đảo ngược chính sách ngoại giao của Mỹ, rằng Washington “đã sẵn sàng đàm phán bất kỳ lúc nào mà Bình Nhưỡng muốn đàm phán, đã sẵn sàng để có cuộc họp đầu tiên mà không có điều kiện tiên quyết.”
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lập tức nhận được sự hoan nghênh từ Nga và Trung Quốc.
Điện Kremlin ngày 13/12 nhấn mạnh Nga hoan nghênh tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, coi đây là cách tiếp tận mang tính xây dựng của Mỹ.
Tuy nhiên, sau đó một ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa tuyên bố chính sách của nước này đối với Triều Tiên "không hề thay đổi".
Nhà Trắng cũng bác bỏ đề xuất trên khi khẳng định Washington sẽ không đàm phán với Bình Nhưỡng trừ phi nước này thay đổi cách hành xử.
Vi An (T/h)