(ĐSPL) - Rất có thể, sắp tới Triều Tiên lại trở thành trung tâm chú ý của các phương tiện truyền thông thế giới.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm 30/3 ra tuyên bố nói rõ khả năng tiến hành một vụ thử hạt nhân trong thời gian tới và xác suất “lời nói biến hiện thực” là khá cao.
|
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có nhiều lý do để tiến hành một vụ thử hạt nhân mới. |
Theo đài Tiếng nói nước Nga, quyết định tiến hành một vụ thử hạt nhân có thể do những nguyên nhân kỹ thuật thuần túy. Triều Tiên đang cố gắng cải thiện đầu đạn hạt nhân và cần giải quyết hai nhiệm vụ chính.
Nhiệm vụ đầu tiên là tạo ra đầu đạn hạt nhân có thể gắn vào lửa tầm trung và tầm xa. Có vẻ, hiện thời Triều Tiên chưa sở hữu loại đầu đạn như vậy. Trong quá trình các cuộc thử nghiệm trước đó, vẫn là những thiết bị hạt nhân không đáng tin cậy, cồng kềnh và khó vận chuyển.
Nhiệm vụ thứ hai là tạo ra đầu đạn hạt nhân dùng uranium chứ không phải plutonium. Dường như Bình Nhưỡng cũng đã bóng gió về điều này trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao, khi nói rằng có thể tiến hành thử nghiệm hạt nhân loại mới.
Có sự khác biệt giữa plutonium và uranium. Plutonium không có trong tự nhiên, mà được chiết xuất từ các thanh nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân. Lò phản ứng không là thể giấu được. Hơn nữa, người ta có thể biết khá chính xác về lượng plutonium mà lò phản ứng chế xuất. Điều này có nghĩa là dễ dàng đánh giá qui mô của chương trình plutonium và việc theo dõi chương trình này cũng dễ dàng hơn so với theo dõi chương trình uranium.
Uranium được chiết xuất bằng cách làm giàu quặng uran. Che giấu phòng thí nghiệm làm giàu uranium là không quá phức tạp. Trong khi đó, sẽ khó ước tính qui mô của chương trình uranium nếu nhìn từ bên ngoài. Có nghĩa là sẽ rắc rối hơn khi đưa một chương trình như vậy vào hệ thống kiểm soát không phổ biến vũ khí hạt nhân
Ngoài ra, động cơ thúc đẩy Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân còn có nguyên nhân chính trị. Thời gian gần đây, Triều Tiên đang cố gắng cải thiện quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng muốn lợi dụng sự cải thiện có thể này để giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn có qui mô và mức độ khiến ban lãnh đạo Triều Tiên cảm thấy bất an trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên hiện thời, Mỹ vẫn chưa muốn cải thiện quan hệ và vẫn phớt lờ những cử chỉ ngoại giao của Bình Nhưỡng. Trong bối cảnh này, Triều Tiên hoàn toàn có thể dùng một vụ thử hạt nhân mới để nhắc nhở về sự tồn tại của nước này. Bình Nhưỡng cần cho Washington thấy rằng Mỹ không thể phớt lờ Triều Tiên mãi mãi. Nếu Washington cứ tiếp tục giả vờ coi như chẳng có Bình Nhưỡng hiện diện trên đời, thì các kỹ sư và chuyên viên khoa học của Triều Tiên sẽ nỗ lực hoàn thiện vũ khí hạt nhân. Ở Bình Nhưỡng, người ta hy vọng rằng vụ nổ hạt nhân mới sẽ buộc Mỹ nhân nhượng với CHDCND Triều Tiên.
Mặt khác, những rủi ro gắn liền với vụ thử hạt nhân mới không phải là lớn. Vụ nổ hạt nhân nữa của Triều Tiên sẽ dẫn đến biện pháp trừng phạt mới có tính hình thức từ phía Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, kinh nghiệm những năm gần đây cho thấy rằng biện pháp trừng phạt này là không hiệu quả và không có bất kỳ tác động nào ảnh hưởng đến kinh tế Triều Tiên. Hơn thế nữa, mặc dù Bắc Kinh không hài lòng về những hành động của Bình Nhưỡng, bây giờ ít có cơ hội để Trung Quốc cứng rắn hơn trong quan hệ với Triều Tiên. Có lẽ, phản ứng của Trung Quốc chỉ giới hạn bằng những lời lẽ phê phán.
Tóm lại, một mặt Triều Tiên có lý do về kỹ thuật và chính trị để tiến hành vụ thử hạt nhân mới. Mặt khác những thử nghiệm này không gắn liền với rủi ro chính trị cụ thể. Vì vậy, vụ thử nghiệm hạt nhân thứ tư của Triều Tiên là khả năng hoàn toàn có thể và hầu như không tránh khỏi.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trieu-tien-thu-hat-nhan-hau-nhu-khong-tranh-khoi-a28153.html