Truyền thông Triều Tiên đưa tin, Trung Quốc chỉ tuân theo nghị định thư bằng cách gửi lời mời tới ông Kim Jong-un sau khi Bình Nhưỡng đề xuất chuyến thăm chính thức.
Chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tuần này đã được phía Triều Tiên khởi xướng, các phương tiện truyền thông ở Bình Nhưỡng xác nhận. Tuyên bố này của Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KNCA) mâu thuẫn với những tin tức trước đó rằng Bắc Kinh đã chủ động mời ông Kim với mục đích tăng cường sức ảnh hưởng trên bán đảo.
Phía Triều Tiên tự đề xuất chuyến thăm Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Trong buổi tiệc tại Đại lễ đường Nhân dân, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết ông "rất xúc động bởi sự chân thành và sự suy xét sâu sắc của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như các quan chức hàng đầu của Đảng, nhà nước Trung Quốc. Chuyến thăm viếng đã diễn ra hết sức thành công cho dù thời gian chuẩn bị không nhiều", theo báo cáo của KCNA.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đã hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên và sau thông báo rằng ông Kim Jong-un sẽ có cuộc hội đàm trực tiếp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 4 tới và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5.
Các cuộc họp dự kiến này đã đặt ra nhiều nghi vấn rằng liệu có phải sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với láng giềng đang giảm dần hay không? Vào năm 2017, Bình Nhưỡng từng công khai chỉ trích Bắc Kinh vì áp đặt lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, cả 2 bên đều lạc quan về mối quan hệ song phương của họ sau chuyến thăm của ông Kim. Thậm chí, 2 nhà lãnh đạo đã đồng ý sẽ gặp nhau thường xuyên hơn.
Chủ tịch Kim Jong-un đã được chào đón nồng nhiệt ở Trung Quốc, với các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản.
Hôm qua (30/3), phái viên đặc biệt của ông Tập Cận Bình là Yang Jiechi đã truyền đạt thông điệp của Bắc Kinh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp tại Seoul. Ông Yang nói rằng tất cả các bên cần nắm bắt cơ hội để tiến hành các cuộc đàm phán thành công. "Trung Quốc quyết định sẽ hợp tác tích cực với các bên liên quan để giải trừ hạt nhân, hướng tới hoà bình ở bán đảo Triều Tiên".
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo SCMP)