“Mỹ nhận thức rõ rằng bán đảo Triều Tiên đang trong tình trạng căng thẳng và các tài sản chiến lược của họ được triển khai ở khu vực sẽ là mục tiêu hủy diệt đầu tiên”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố hôm 20/10.
Theo KCNA, hành động khiêu khích, đối đầu bằng chiến tranh hạt nhân chống lại Triều Tiên đang tiến tới "giai đoạn nguy hiểm", Bình Nhưỡng cam kết sẽ thực hiện "lựa chọn đáp trả tương xứng".
"Mỹ nên hiểu rõ hơn ngay từ đầu rằng, việc đánh giá sai lầm càng lặp lại thường xuyên, thời khắc tuyệt vọng của lục địa Mỹ sẽ càng đến gần", KCNA nêu rõ chính sách hạt nhân của Triều Tiên.
Cảnh báo trên được Triều Tiên đưa ra nhằm đáp trả việc Mỹ điều máy bay ném bom B-52, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân - tài sản chiến lược quan trọng nước này đến căn cứ không quân ở Hàn Quốc hôm 17/10. Máy bay này dự kiến sẽ cùng các máy bay chiến đấu khác tham gia cuộc tập trận chung ba bên của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vào ngày 22/10 tới.
Máy bay B-52 từng nhiều lần tham gia tập trận tại bán đảo Triều Tiên, nhưng đây là lần đầu tiên "pháo đài bay" này hạ cánh xuống một căn cứ không quân của Hàn Quốc. Việc triển khai máy bay ném bom B-52 tới bán đảo Triều Tiên được cho là nhằm thể hiện cam kết của Mỹ trong việc tăng cường hiện diện ở khu vực này, trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục thử vũ khí.
Trước đó, vào tháng 4, Washington cam kết sẽ tăng cường “sự hiện diện thường xuyên” các tài sản chiến lược trên bán đảo Triều Tiên đồng thời xem đó như một phần trong nỗ lực ngăn chặn các mối đe dọa quân sự của Bình Nhưỡng.
Cuối tháng 9, Quốc hội Triều Tiên đã thống nhất sửa đổi hiến pháp và bổ sung thêm chính sách về phát triển hạt nhân trong bối cảnh Chủ tịch Kim Jong-un cam kết đẩy nhanh sản xuất vũ khí nguyên tử để răn đe trước điều mà ông cáo buộc là "sự khiêu khích" từ Mỹ.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên diễn ra hôm 27/9, Chủ tịch Kim Jong-un cho biết, chính sách xây dựng lực lượng hạt nhân của Bình Nhưỡng "đã được coi là vĩnh viễn như luật cơ bản của nhà nước, không ai được phép coi nhẹ bất cứ điều gì".
Theo ông Kim, điều khoản hiến pháp mới được bổ sung sẽ cho phép Bình Nhưỡng “ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ hòa bình khu vực cũng như toàn cầu bằng cách nhanh chóng phát triển vũ khí hạt nhân lên cấp độ cao hơn”.
Phương Uyên(T/h)