"Ý nghĩa quan trọng nhất của việc luật hóa chính sách vũ khí hạt nhân là vạch ra một ranh giới không thể vãn hồi, vì vậy không có sự mặc cả về vũ khí hạt nhân của chúng ta", ông Kim Jong Un phát biểu trước Quốc hội.
Luật mới ban hành cũng cấm mọi hành vi chia sẻ vũ khí hoặc công nghệ hạt nhân với các nước khác.
Một thành viên tại Quốc hội Triều Tiên cho biết, luật này sẽ là một bảo đảm pháp lý mạnh mẽ để củng cố vị thế của Triều Tiên như một quốc gia có vũ khí hạt nhân, đồng thời đảm bảo "tính minh bạch, nhất quán và tiêu chuẩn" trong chính sách hạt nhân của nước này.
Động thái này diễn ra giữa lúc có nhiều lo ngại về việc Bình Nhưỡng có thể thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị thảo luận với ông Kim Jong Un bất cứ lúc nào, bất kỳ nơi nào. Còn Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố nước này sẽ cung cấp gói viện trợ kinh tế lớn nếu Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí của mình.
Tuy nhiên Triều Tiên cáo buộc Mỹ và các đồng minh duy trì "các chính sách thù địch" với nước này, như các biện pháp trừng phạt và các cuộc tập trận quân sự.
"Chừng nào vũ khí hạt nhân vẫn còn trên Trái đất, chủ nghĩa đế quốc còn và các hoạt động của Mỹ và những người theo họ chống lại đất nước chúng ta chưa chấm dứt, chúng ta sẽ không ngừng tăng cường lực lượng hạt nhân", ông Kim Jong Un nhấn mạnh.
Trong quá khứ, Triều Tiên đã tiến hành 6 lần thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017, trong đó 2 vụ thử nghiệm cuối cùng được nước này tuyên bố là bom nhiệt hạch (bom H, loại vũ khí có sức công phá lớn hơn nhiều so với bom nguyên tử thông thường) và vụ ngày 3/9/2018 có sức công phá mạnh nhất, trước khi tuyên bố đơn phương ngừng các vụ thử hạt nhân. Bình Nhưỡng nhiều lần khẳng định vũ khí hạt nhân chỉ sử dụng cho mục đích phòng thủ.
Mộc Miên (Theo Japantimes)