Nhằm đảm bảo kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc, bộ Y tế đã triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng đối với nhà thuốc tại 04 tỉnh Phú Thọ, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Nam Định, tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 4/1/2018.
Bộ Y tế đã triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng đối với nhà thuốc tại 4 tỉnh thành |
Theo đó, để triển khai Nghị Quyết Trung ương số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển ngành dược đó là “Tập trung quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ, các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, đảm bảo kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc”. Và thực hiện các quy định của Luật Dược 2016 và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/05/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, Bộ Y tế đã pháp quy hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phân phối thuốc, cụ thể:
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2018/TT-BYT ngày 22/01/2018 quy định về Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc và Thông tư 03/2018/TT-BYT ngày 09/02/2018 quy định về thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc (các Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 26/3/2018), trong đó đưa ra quy định về việc:
- Tất các các cơ sở bán buôn thuốc phải có máy tính kết nối internet và thực hiện quản lý hoạt động phân phối thuốc bằng phần mềm vi tính. Có cơ chế chuyển thông tin về việc phân phối thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà sản xuất với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý khi được yêu cầu. Đây cũng sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thuốc.
- Các cơ sở bán lẻ cũng bắt buộc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT với lộ trình cụ thể như sau:
+ Đối với Nhà thuốc: Đến 1/1/2019 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển Giao thông tin cho cơ quản lý liên quan khi được yêu cầu.
+ Đối với Quầy thuốc: Đến 1/1/2020 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển Giao thông tin cho cơ quản lý liên quan khi được yêu cầu.
+ Đối với Tủ thuốc trạm y tế xã: Đến 1/1/2021 phải có thiết bị và thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra.
Việc triển khai thí điểm ứng công nghệ thông tin đối với nhà thuốc nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn.
Để triển khai các quy định tại Thông tư 02/2018/TT-BYT ngày 22/1/2018 quy định về Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc và Thông tư 03/2018/TT-BYT ngày 9/2/2018 quy định về thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc, các nhà thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra là quy định bắt buộc.
Các nhà thuốc trong quá trình hoạt động, ngoài việc định kỳ phải kiểm tra thẩm định việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc 03 năm 01 lần, còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất, hoặc kiểm tra theo kế hoạch của các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Sở Y tế, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý thị trường… Vì vậy các nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý.
Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đang được sửa đổi, Bộ Y tế sẽ rà soát bổ sung những hành vi vi phạm về việc không chấp hành triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng với mức phạt đủ sức răn đe, ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, có hình thức xử phạt bổ sung tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dược, tước chứng chỉ hành nghề dược.
Hiện nay, trên toàn quốc có 41.394 cơ sở bán lẻ, trong đó 12.734 nhà thuốc tư nhân; 1200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh; 12.425 quầy thuốc, 7300 đại lý. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng đối với các cơ sở bán lẻ được thực hiện theo lộ trình, đối với nhà thuốc từ 1/1/2019, đối với quầy thuốc từ 01/01/2020, đối với tủ thuốc trạm y tế xã từ 1/1/2021.
Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng đối với các nhà thuốc có thể gặp khó khăn một số khó khăn như:
- Một là, phải có điều kiện cần để các cơ sở có thể tham gia kết nối mạng, như: các cơ sở tham gia hệ thống phải trang bị máy tính và các máy tính này phải được kết nối mạng; nhân sự của cơ sở cần được đào tạo, tập huấn;
- Hai là, việc đưa kỷ cương triển khai theo các yêu cầu trên tạo thêm chi phí phát sinh nên các đơn vị thiếu thiện chí;
- Ba là, việc triển khai kết nối trong lĩnh vực dược cần có sự đồng bộ với các lĩnh vực khác: như thuế khoán, thanh kiểm tra.
Để có thể triển khai thành công việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với các nhà thuốc, rất cần có sự hỗ trợ, hợp tác, phối hợp chặt chẽ của tất cả các bên liên quan, sự chỉ đạo sát sao của các cấp Lãnh đạo, đặc biệt là Lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Sự hỗ trợ tối đa trong quá trình triển khai thực hiện đề án của Viettel. Do bước đầu triển khai dự án cần tạo điều kiện để cho các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc yên tâm, tạo tâm lý hợp tác và phối hợp thực hiện. Việc thực hiện sẽ có lộ trình và tiến dần đến việc công khai, minh bạch toàn bộ quá trình kinh doanh của đơn vị. Do vậy, các cơ quan, ban, ngành liên quan của các tỉnh, thành phố tạo điều kiện để các đơn vị triển khai, không bị xáo trộn trong hoạt động kinh doanh của các cơ sở.
Với quyết tâm của Chính phủ, của bộ Y tế và ủng hộ của UBND các tỉnh, thành phố; tập đoàn Viettel và sự đồng thuận của các nhà thuốc, mục tiêu hoàn thành Dự án kết nối mạng tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc trong năm 2018 có tính khả thi cao.
Thu Hà