(ĐSPL) – Một số bài thuốc dân gian dưới đây có thể giúp bạn trị ho hiệu quả mà không cần dùng thuốc.
Chữa ho bằng quả quất
Theo kinh nghiệm dân gian, quất có khả năng chữa ho cho người lớn cũng như trẻ em vô cùng hiệu quả. Đó là bởi quất có tác dụng kiện tỳ, thông phổi, trừ đờm, trị ho cảm, giải uất, giải rượu, có thể chế biến thành nước giải khát. Loại quả này chứa nhiều vitamin A, C, B1, B11, và canxi, phốt pho, kali, kẽm. Tinh dầu trong quất sẽ kích thích hệ hô hấp, giúp long đờm và tống đờm ra ngoài.
Chẳng hạn như, khi bị ho gió, ho khan, bạn có thể dùng quả quất chín 10g, hoa hồng bạch 10g, hạt chanh 10g, hạt chanh 10g, rửa sạch, cho vào bát cùng với một ít mật ong hay đường phèn, đem hấp cơm 20 phút, lấy ra nghiền nát, chắt lấy nước để uống.
Chữa ho bằng mật ong và gừng
Dùng nửa cốc nước nóng, sau đó, thêm 1 thìa gừng, 3 thìa nước chanh, 1 thìa mật ong, khuấy đều lên và nhấp từng ngụm nhỏ, sử dụng 3 lần/1 ngày sẽ giảm ho nhanh chóng.
Mật ong và quất có thể chữa ho. Ảnh minh họa. |
Chữa ho bằng mật ong và chanh đào
Theo kinh nghiệm từ xưa, chanh đào có tác dụng rất hữu hiệu trong việc trị ho cho người lớn và trẻ em từ 5 tuổi trở lên.
Để trị ho, bạn ngâm 1kg chanh đào, 1 lít mật ong với 500g đường phèn, sau 2 hoặc 6 tháng thì có thể sử dụng được.
Lưu ý: Bài thuốc trị ho này không nên áp dụng cho trẻ dưới 3 tuổi bởi có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp của bé.
Chữa ho bằng bạc hà
Trong tinh dầu bạc hà có chất menthol, có khả năng làm dịu ho, loãng niêm dịch và thường được dùng điều trị cảm sốt, nhức đầu, sổ mũi, viêm họng, ho, kích thích tiêu hóa.
Chữa ho bằng cây rau diếp cá
Theo kinh nghiệm dân gian, rau diếp cá là rau có vị cay, tanh (có mùi tanh như cá), tính mát, hơi độc. Rau này có tác dụng chữa chốc đầu, ghẻ lở, đau răng, sốt rét và còn được coi là thần dược trong việc chữa trị ho gió, ho khan ho có đờm.
Cách tham khảo bài thuốc chữa ho cho trẻ bằng rau diếp cá: Rau diếp cá rửa sạch, cho vào cối giã thật nhuyễn, sau đó, đun sôi và giảm nhỏ lửa. Tiếp tục đun trong khoảng 20 - 30 phút, thỉnh thoảng đảo cho rau nhừ đều. Bắc ra, để nguội, lọc lấy nước cho bé uống. Có thể cho thêm chút đường vào để bé dễ uống. Mỗi ngày uống từ 2 - 3 lần, uống sau bữa ăn khoảng một giờ đồng hồ.
Chữa ho bằng rau khúc
Khi bị ho, viêm họng, sưng amiđan, bạn có thể lấy rau khúc tươi rửa sạch rồi nhai cùng vài hạt muối, nuốt từ từ cả bã và nước. Một cách khác đó là, bạn có thể lấy một nắm rau khúc tươi sắc với 300 ml nước cho đến khi còn 100 ml, chia làm 3 lần/ 1 ngày.
Ảnh minh họa. |
Chữa ho bằng vỏ bưởi
Theo y học cổ truyền, vỏ bưởi có vị đắng, cay, thơm, tính bình, có tác dụng trừ phong, hóa đờm, tiêu báng tích, tiêu phù thũng.
Trong trường hợp ho có nhiều đờm, bạn có thể hấp vỏ bưởi, cho thêm đường và uống dần dần.
Chữa ho bằng cây xương sông
Xương sông hay tên Đông y gọi là hoạt lộc thảo có thể được sử dụng để làm gia vị và làm thuốc chữa bệnh ho cho người lớn và trẻ em rất hiệu quả.
Cách làm như sau: Chỉ ngắt những lá búp non của cây xương sông. Lá non của xương sông không chỉ có tác dụng chữa ho mà còn chữa khản tiếng do viêm thanh quản. Lá xương sông có thể kết hợp cùng lá hẹ: rửa sạch, thái nhỏ, trộn đều với đường. Hấp cách thủy, rồi để nguội là có thể uống 3 lần/1 ngày, mỗi lần uống khoảng 1 chén 100ml.
Tuy nhiên, bài thuốc chữa ho này không nên áp dụng cho trẻ nhỏ bởi trẻ thường sợ đắng, khi uống vào thường hay bị nôn và chớ.