(ĐSPL) - Chia sẻ với báo chí, Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, bài thuốc trộn lông gà và máu gà lên người trị bệnh hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện những bài thuốc liên quan đến việc trị bệnh đậu lào bằng lông gà. Theo như người viết bài chia sẻ, chồng chị này từng bị đậu lào, lâu không khỏi nên anh chị dùng cách bệnh “dân gian” bằng cách trộn lông gà, tiết gà, nước chần gà để thoa lên người. Với cách này, bệnh đậu lào sẽ khỏi ngay lập tức.
Cách chữa trị và hình ảnh minh họa gây xôn xao lên mạng xã hội. |
Sau khi đăng tải, bài viết ngay lập tức được đông đảo cư dân mạng quan tâm chia sẻ, tuy nhiên hầu hết đều tỏ ra nghi ngờ cách chữa trị do "nó quá lạ" và không có tính khoa học.
Thế nào là bệnh đậu lào?
Bệnh đậu lào do một loại vi-rút gây ra nên hoàn toàn có thể lây lan thành dịch bệnh. "…Người ta thường bị mắc bệnh lúc giao mùa, tuy nhiên, không phải vì yếu tố thời tiết hay gió độc gây ra mà là do vi-rút có trong môi trường sống gây bệnh", Lương y Vũ Quốc Trung (thành viên hội Đông y Việt Nam) chia sẻ với báo Trí thức trẻ.
Ông Trung cũng khẳng định, bệnh này rất dễ chữa, Đông hay Tây y đều có thể tìm ra bệnh và chữa khỏi rất nhanh. "Không có chuyện không phát hiện ra được bệnh và cách chữa cũng không khó khăn gì".
Theo thông tin trên báo Pháp luật TPHCM, bệnh đậu lào cũng có phần nào giống như thủy đậu về mặt bên ngoài. Nhưng bản chất bên trong và cách điều trị hai bệnh là hoàn toàn khác nhau.
Biểu hiện ban đầu của bệnh là mọc những nốt nhỏ trên người, khi đó, người bị đậu lào sẽ có cảm giác ghê rét hoặc lúc nóng lúc lạnh, sợ nước, mặt mũi nóng, luôn khát nước, môi se, mạch phù hồng. Ngoài ra còn có triệu chứng ốm dặt dẹo lâu khỏi, chân tay lạnh, lúc sốt uống thuốc hạ sốt sẽ hạ được nhưng không cầm cự được lâu…
Theo đó, nguyên nhân chính dẫn đến bệnh này là do huyết thụ độc khí, huyết nhiệt sinh ra, tâm uất là bệnh tại huyết.
Phương pháp phản khoa học
Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Đỗ Tân Khoa, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học Cổ truyền TP HCM cho biết, các cách chữa trị trên chưa từng có trong sách vở điều trị bệnh của Đông y.
Lương y Vũ Quốc Trung (thành viên hội Đông y Việt Nam). Ảnh: Trí thức trẻ. |
"Đông y chia thành 2 trường phái. Trường phái chính thống căn cứ vào tài liệu giáo khoa chính thống của trường lớp để chẩn đoán và điều trị. Trường phái kinh nghiệm dân gian cũng có một số cách điều trị riêng. Tuy nhiên, chữa cảm cúm và ho kéo dài bằng cách đắp lông gà trộn tiết gà và nước chần gà là hoàn toàn không đúng. Đặc biệt, việc rút lông ra từ cơ thể để trị bệnh là chuyện hoang đường không bao giờ có", bác sĩ Khoa nhận định.
Ông Khoa cho biết, sách vở Đông y không hề gọi cảm thương hàn là đậu lào. “Thương hàn là một bệnh riêng còn bệnh đậu lào tôi chưa nghe thấy bao giờ", bác sĩ Khoa nói.
Chia sẻ với báo Trí thức trẻ, Lương y Vũ Quốc Trung cũng cho biết, bài thuốc trộn lông gà và máu gà lên người trị bệnh hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
“Tôi thấy nó không khoa học vì bản thân lông gà đã không đảm bảo vệ sinh và có thể là mầm mống gây ra nhiều căn bệnh khác. Chuyện bị đậu lào có thể bị bít lỗ chân lông do sốt thì có nhưng không có chuyện lông tơ mọc ngược vào trong, sợi lông dài cả 10 cm như những người chia sẻ trên mạng nói” - BS Trường nhận định.
Lương y Trung cũng cho hay, tuy trong Đông y không có tài liệu nào ghi chép, chứng minh về cách trị bệnh này, nhưng đây có thể là kinh nghiệm dân gian ở một số địa phương truyền tai nhau. Trong dân gian, người ta cũng thường dùng những nguyên liệu như củ ráy, lá trầu không để đánh bay các nốt sởi. “Tuy nhiên với bệnh đậu lào thì tôi chưa nghe ai dùng cách đó để điều trị bao giờ", Lương y Trung nói.
Đưa ra lời khuyên cho người bệnh mắc đậu lào, bệnh thương hàn, bác sĩ Lê Hùng khuyến cáo người dân không nên làm theo cách chữa trị này. "Tôi chưa thấy tài liệu này ghi nhận cách chữa trị này vì vậy người dân không nên nghe theo kẻo mang họa vào thân", ông Hùng nói với báo VnExpress.
Cũng theo bác sĩ Hùng, nếu thực sự mắc bệnh thương hàn thì bệnh này là do vi khuẩn gây nên, không thể trị bằng cách đắp lông gà hay đánh gió. Người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được điều trị vì nếu chậm trễ có thể tử vong.
PHƯƠNG HÀ(Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]exXfAlkfRr[/mecloud]