+Aa-
    Zalo

    Trẻ nhiễm HIV bị bạo hành: Quản lý lúc đó ở đâu?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mấy ngày qua, dư luận phẫn nộ vì tại nơi tiếp nhận nuôi dưỡng trẻ em nhiễm HIV/AIDS - trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân có nhiều trẻ bị bảo mẫu đánh.

    (ĐSPL) - Mấy ngày qua, dư luận hết sức phẫn nộ trước một sự thật phũ phàng ngay tại nơi tiếp nhận nuôi dưỡng trẻ em nhiễm HIV/AIDS- trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (quận Thủ Đức, TP.HCM) có nhiều trẻ bị bảo mẫu đánh... ngay trong bữa ăn.
    Nhiều ý kiến cho rằng, hình ảnh bị phát hiện chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” và nguyên nhân cốt lõi là do chúng ta không truy đến cùng trách nhiệm khi xảy ra các vụ bạo hành. Xung quanh vấn đề này, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng.

    Video: Bảo mẫu hành hạ trẻ HIV ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân.

    Thiếu tình người, thiếu sự đào tạo huấn luyện
    Hình ảnh các em bé bị nhiễm HIV bị bảo mẫu đánh ngay trong bữa ăn tại trung tâm Bảo trợ khiến dư luận không khỏi bức xúc. Ông nhìn nhận sự việc này như thế nào?
    Để chuyện này xảy ra, điều đầu tiên tôi nhận thấy là họ thiếu tình người, thiếu sự đào tạo nghiệp vụ khiến việc này xảy ra. Dù người ta có giải thích rằng, các em bị ảnh hưởng
    HIV/AIDS, hoặc bị khuyết tật, các em rất hay quấy khóc, ăn kém, hay nôn, ốm đau nên tạo áp lực tinh thần không nhỏ cho những người chăm sóc nhưng không phải vì thế mà các cô được phép bạo hành các cháu.

    Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng.

    Theo quan điểm của tôi, việc tuân thủ pháp luật của những người bảo mẫu, những người quản lý làm việc tại trung tâm này về quyền của trẻ em là rất kém. Các em có quyền được bảo vệ về tinh thần, thân thể nhưng ở đây lại có tình trạng bạo hành. Dù trung tâm này của Nhà nước hay tư nhân thì việc để xảy ra việc trẻ em bị bạo hành là vi phạm quyền trẻ em.
    Rõ ràng, ở đây không chỉ là sự hạn chế về nhận thức quyền trẻ em mà còn là sự vi phạm pháp luật, ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?
    Trẻ ở trung tâm này bao gồm các em bị nhiễm và bị ảnh hưởng nhiễm HIV (có thể do bố mẹ đã chết vì nhiễm HIV). Các cháu được chăm sóc ở đây thuộc đối tượng đầu tiên của Quyết định 570 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS năm 2014- 2020.
    Trong đó, Thủ tướng đưa ra rất nhiều mục tiêu của kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt là các em được đảm bảo chăm sóc y tế chất lượng cao, đầy đủ, được học tập, vui chơi giải trí...Việc triển khai quyết định này đã được hai năm mà vẫn còn để xảy ra tình trạng trên là vi phạm quy định của pháp luật.
    Tiếp theo là bản thân các bảo mẫu đó, nếu như ở các trung tâm tư nhân tự phát không được tập huấn, không có kiến thức chuyên sâu, người ta tuyển người không có nghề đã đành. Còn trung tâm này, thuộc sự quản lý, giám sát của ngành LĐ-TB&XH, các nhân viên ở đây ăn lương của Nhà nước.
    Chúng ta cần phải xem xét lại việc lựa chọn, tuyển người của các trung tâm này có đạt chuẩn hay không mà lại để xảy ra việc bạo hành như vậy? Đặc biệt, việc giám sát việc nuôi trẻ, dạy trẻ chăm sóc trẻ tại trung tâm này có theo đúng quy định?
    Trên cương vị là một bác sỹ, xin ông cho biết ảnh hưởng của những bảo mẫu này đã đối xử với các em bé như thế nào?
    Cái quan trọng và nguy hiểm nhất mà tôi nhận thấy trong vụ việc này, đó chính là những tổn thương về tinh thần của các em nhỏ. Bởi những vết sẹo trên da thịt có thể lành lại nhưng những hành động này có thể ám ảnh và gây tổn thương về tinh thần cho các em suốt cuộc đời. Thậm chí, hành vi này có thể khiến các em bị rối loạn về tinh thần. Tôi được biết rất nhiều em bé sau này lớn lên vi phạm pháp luật, đánh đập, bạo lực chính vì bị hành hạ lúc còn nhỏ. Đó là những hậu quả nghiêm trọng nhưng không thể đong đếm được.
    Người quản lý ở đâu khi xảy ra bạo hành?
    Là người công tác lâu năm trong ngành bảo vệ trẻ em, theo ông liệu những clip bạo hành trong thời gian gần đây báo chí thông tin đã phản ánh hết thực tế chưa?
    Thực tế, số lượng các trường hợp bạo hành chúng ta được biết qua báo chí, các phương tiện thông tin chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” mà thôi. Thực ra, không chỉ ở trung tâm này mà ở các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật vẫn có hiện tượng đó. Các em khuyết tật không chỉ có trường hợp khuyết tật bộ phận cơ thể mà còn có thể khuyết tật thần kinh.
    Những trường hợp đó, các cháu sẽ có những hành động không bình thường và gây nên các stress. Chính vì thế, với các trung tâm bảo trợ xã hội, khi lồng ghép nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người tàn tật, người khuyết tật trí não... là không hợp lý. Các em không chỉ cần phòng ốc đẹp, đồ chơi đẹp mà còn cần tình thương, sự chăm sóc tận tình.
    Sự chăm sóc nếu có tình thương, tình người thì sẽ không xảy ra stress, còn nếu kỳ thị, phân biệt đối xử thì stress lại tăng lên. Sự giáo dục tình yêu con trẻ với các em bé bị ảnh hưởng bởi HIV là cả một vấn đề.
    Trong trường hợp vừa qua tại trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (quận Thủ Đức, TP.HCM), theo ông cần xử lý như thế nào với những bảo mẫu và quy trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?
    Theo quan điểm cá nhân tôi, cần xử lý thật nghiêm minh những bảo mẫu không thực hiện đúng các quy định để mang tính răn đe cho người khác, không được xử lý hời hợt. Chúng ta cũng cần phải xem xét bản chất của các cô bảo mẫu này là người như thế nào? Bản thân các cô nuôi dạy trẻ có được đào tạo, tập huấn chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em bị ảnh hưởng nhiễm HIV mà lại xảy ra tình trạng ngược đãi trẻ như vậy.
    Theo tôi, qua sự việc này, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu, trước hết là trách nhiệm Giám đốc trung tâm, tiếp đến là sở LĐ-TB&XH TP.HCM giám sát thế nào để xảy ra chuyện như thế?
    Xin cảm ơn ông!

    H.NGUYỄN - N.LÀI - Đ.THƠM

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tre-nhiem-hiv-bi-bao-hanh-quan-ly-luc-do-o-dau-a90501.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan