(ĐSPL) - Câu chuyện bé Hà Bảo Quân (8 tuổi) trú tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn phải lên lớp 2 đang được dư luận và phụ huynh quan tâm. Liệu đây là thực trạng chung hay chỉ là trường hợp cá biệt? Chúng tôi đã trở lại địa phương để làm rõ hơn vấn đề này.
Phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã có buổi làm việc với BGH trường Tiểu học Xuân Giang và Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) về vấn đề trẻ không biết chữ vẫn phải lên lớp.
Cô giáo Trần Thị Thuý Trà, Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Giang khẳng định: “Việc gia đình nói ép em Quân lên lớp 2 là không có căn cứ. Hiện tại, nhà trường vẫn lưu đơn xin lên lớp do anh Hà Văn Trung (bố em Quân) gửi vào đầu năm học 2014 - 2015. Còn việc Quân chưa phân biệt được mặt chữ là có thật. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, nhà trường rất lưu tâm, do gia đình có nộp giấy giám định sức khoẻ của em.
Nội dung giấy khám sức khoẻ kết luận: Sức khoẻ em Quân ở loại 5 và có biểu hiện của trẻ thiểu năng trí tuệ. Do đó, nhà trường có xếp em vào nhóm trẻ được giáo dục hoà nhập”(!?).
Theo lý giải của lãnh đạo trường Tiểu học Xuân Giang, do Hà Bảo Quân tiếp thu bài quá chậm và trí nhớ của em không tốt, nên BGH nhà trường có phân công cho các giáo viên tại trường thay đổi kèm cặp em ngoài giờ lên lớp.
Em Hà Bảo Quân được kèm riêng tại phòng làm việc của cô giáo hiệu phó. |
Ông Phạm Hùng Đức, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Nghi Xuân cho biết: “Chỉ đạo chung của phòng là đảm bảo không để trẻ ngồi nhầm lớp. Nếu cần thì phải tổ chức bồi dưỡng trong hè cho trẻ”.
Cô Đinh Thị Lan Hương, chuyên viên phụ trách tiểu học của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện này trao đổi thêm: “Cuối năm học 2013 – 2014, phòng có tiếp nhận thông tin cháu Hà Bảo Quân học sinh lớp 1A1 trường Tiểu học Xuân Giang có kết quả học tập chưa đảm bảo do sức khoẻ của cháu có vấn đề, nhà trường sẽ tiếp tục theo dõi, bỗi dưỡng trong hè và sẽ kiểm tra, đánh giá chất lượng để xem xét việc lên lớp cho cháu”.
Cô Hương cho rằng: Về nguyên tắc, có thể xếp em Quân vào diện khuyết tật(!?). Trên thực tế, cháu này chỉ bị thiểu năng trí tuệ nhưng chưa làm hồ sơ khuyết tật ở nhà trường tại thời điểm đó. Bởi, khuyết tật trí tuệ thì không thể ngay lập tức mà đánh giá được ngay. Hiện nay, trong quy định của hồ sơ học sinh khuyết tật, việc để thành lập hội đồng đánh giá học sinh khuyết tật thực sự không đơn giản. Trừ những trường hợp khuyết tật như chân, tay bị liệt, bại não… thì có thể đưa ra kết luận rõ ràng. Riêng với những cháu mới chỉ có biểu hiện thiểu năng trí tuệ chưa rõ ràng nên để từ từ theo dõi. Bởi, một khi đã chính thức làm hồ sơ khuyết tật, nó sẽ theo các cháu cả đời.
Giấy giám định sức khoẻ này là cơ sở để em Quân học hòa nhập cộng đồng (?!) |
Tuy nhiên, nhà trường đã xếp em Quân vào nhóm trẻ được giáo dục hoà nhập, có nghĩa là cách đánh giá thành tích học tập với trường hợp này có những điểm khác biệt so với các bạn cùng lớp. Điều 19 của Quyết định số 23/2006/QĐ – BGDĐT của Bộ Giáo dục – Đào tạo chỉ quy định quyền lợi của người khuyết tật học hoà nhập. Trên thực tế, Hà Bảo Quân không nằm trong diện giáo dục hòa nhập cộng đồng. Đây là cách làm "linh động" của nhà trường.
Cô Hương cho biết thêm: “Hiện tại, để đảm bảo được phổ cập giáo dục tiểu học, chúng tôi hạn chế việc trẻ ở lại lớp. Nhưng hạn chế không có nghĩa đẩy những trẻ yếu lên mà là hạn chế bằng cách mình phải làm cách nào đấy để các cháu hoàn thành chương trình chuẩn để lên lớp”.