Việc người mẫu vị thành niên được trả lương thấp là chuyện đương nhiên trong làng mốt thế giới. Trong khi đó, họ vẫn phải đối mặt với đủ loại cám dỗ lẫn áp lực công việc.
Sự xuất hiện của chân dài 14 tuổi, Roos Abels, trong show diễn Prada tại Tuần lễ thời trang New York mới đây lại gây ra cuộc tranh cãi về vấn đề bảo vệ quyền trẻ em trong làng mốt. Ảnh: Thefashion. |
Nổi tiếng là nhà thiết kế có con mắt tinh đời trong việc phát hiện những ngôi sao mới trên catwalk, Miuccia Prada từng giúp nhiều người mẫu vị thành niên trở thành hiện tượng trong làng mốt. Tuy vậy, những lựa chọn của bà không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ của người trong giới.
Năm 2011, Miuccia đưa nữ diễn viên Hailee Steinfeld vào chiến dịch quảng cáo của hãng Miu Miu khi cô mới 14 tuổi. Ngay lập tức, Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo Mỹ đã cấm phát tán các sản phẩm liên quan. Mới đây, Miuccia đưa người mẫu Hà Lan 14 tuổi, Roos Abels, vào show diễn của mình tại Milan Fashion Week Xuân Hè 2015 khiến cuộc tranh cãi về vấn đề bảo vệ quyền lợi trẻ em trong ngành công nghiệp thời trang "nóng" trở lại.
Bước vào làng mẫu từ năm 14 tuổi, Sarah Ziff đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghề. Cô từng ký hợp đồng giá trị với các hãng mốt lớn như Tommy Hilfiger, Stella McCartney, Keneth Cole và biểu diễn tại các show của Prada, Calvin Klein, Marc Jacobs hay Balenciaga. Theo Sarah, ngành công nghiệp thời trang ngày nay bị phụ thuộc vào lực lượng lao động đông đảo là trẻ em và không được kiểm soát đúng mức.
Thống kê của Model Alliance cho thấy, 54\% người mẫu hiện tại bắt đầu khởi nghiệp trước 16 tuổi. Trong khi, các công ty quản lý tuyển dụng gương mặt mới từ lúc người mẫu mới 13 tuổi, thậm chí con số này đang giảm xuống chỉ còn 12 tuổi. Chưa phát triển hoàn toàn về tâm sinh lý nhưng các cô cậu bé đã phải làm việc xa nhà từ sớm, không có người bảo hộ và không có bất kỳ quyền đòi hỏi nào nếu muốn giữ được công việc.
Bên cạnh lý do "đem lại sự tươi mới cho sàn diễn", sở dĩ người mẫu là trẻ em được các nhà mốt ưa chuộng còn vì mức cát-xê thấp hơn hẳn so với lứa chân dài trưởng thành. Năm 2013, một người mẫu 17 tuổi có tên Hailey Hasbrook từng tiết lộ cô phải làm việc suốt 17 tiếng tại tuần thời trang New York với những đôi giày cao gót và nhịn ăn hàng giờ. Tuy vậy, những gì cô nhận lại chỉ là các món đồ từ hãng như túi, giày, áo khoác và váy. "Họ không trả một xu tiền công nào", cô chia sẻ trên tạp chí. Đối với giới mẫu nói chung, số hiện vật mà người mẫu trẻ có được đều không xứng đáng với công sức các em bỏ ra.
Vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người mẫu vẫn chưa được làng mốt thế giới quan tâm đúng mực. Ảnh: Fashionlawcenter. |
Từng làm việc tại Next, một trong những công ty quản lý người mẫu hàng đầu New York, Sarah Ziff kể cô có lần bị hãng này "ăn chặn" cát-xê, đòi mãi không được. Chỉ đến khi nhờ sự giúp sức của luật sư, công ty quản lý mới chịu trả lại số tiền họ đã bỏ túi. Câu chuyện của Sarah khiến người trong giới đặt câu hỏi, nếu mẫu trưởng thành đối mặt với bất cập của làng mốt đã khó khăn đến vậy thì các lao động trẻ em sẽ giải quyết áp lực này ra sao.
Phần đông người làm việc trong ngành công nghiệp thời trang lại cho rằng người mẫu trẻ phải chịu thiệt là chuyện đương nhiên. "Cô được trả tiền để làm việc, còn bây giờ thì ngậm miệng lại", đó là câu nói mà người mẫu Sarah Ziff phải nghe mỗi khi cố gắng thuyết phục những người hoạt động trong lĩnh vực thời trang cần có hành động thiết thực để bảo vệ người mẫu vị thành niên.
Không chỉ bị bóc lột sức lao động, các chân dài thiếu niên còn phải đối mặt với việc bị xâm hại. Jane, người mẫu 19 tuổi, tham gia Tuần Thời trang Xuân Hè 2015, kể cô từng sốc trước thái độ thờ ơ của ê-kíp casting khi quay phim một cô bé 14 tuổi diện áo mỏng tang mà không có đồ lót. "Tôi tưởng họ phải phát hoảng khi biết mình vừa quay một cô bé chưa đủ tuổi nude trước ống kính nhưng không. Một trong các giám đốc casting còn thản nhiên nói ước gì người đó được như cô bé khi mới 14 tuổi. Tôi đã không giấu nổi sự ghê tởm trước việc đó".
Một người mẫu khác cũng tâm sự, năm 16 tuổi, cô được một nhiếp ảnh gia "máu mặt" mời chụp hình tại Paris. Khi ấy, cô không có người đại diện hay cha mẹ bảo hộ. Lúc bước vào toilet và bắt gặp nhiếp ảnh gia nọ, cô gái gần như chết trân khi gã "yêu râu xanh" sờ soạng, thậm chí dùng tay xâm hại. "Cô bé ấy trước đó chưa từng tiếp xúc với bất kỳ chàng trai nào, còn không biết hôn ra sao. Lúc bị sàm sỡ, cô bé bị sốc, chỉ biết đứng yên mà không làm bất kỳ điều gì. Nhiếp ảnh gia kia sau khi xong xuôi chỉ nhìn nạn nhân một cái rồi quay đi hoàn thành nốt buổi chụp hình", một nhân chứng kể lại.
Hầu hết người trong giới chưa nhận thức được việc cần thiết phải bảo vệ quyền lợi cho các chân dài nhỏ tuổi. Tháng 10/2013, ngành công nghiệp thời trang Mỹ đưa ra luật bảo vệ quyền lợi cho người mẫu dưới 18 tuổi, gồm giờ làm việc, người giám hộ, tài chính, giáo dục... Bên cạnh đó, CEO của Hội đồng nhà thiết kế thời trang Mỹ (CFDA) Steven Kolb và chủ tịch Diane von Furstenberg cũng ra sức kêu gọi không thuê người mẫu dưới 16 tuổi. Nhà thiết kế Diane von Furstenberg liên tục nhấn mạnh, nếu thuê người mẫu vị thành niên, các hãng mốt cần đảm bảo giấy tờ và lịch làm việc hợp pháp.
Tuy vậy, không phải ai cũng thực hiện đúng luật. Jane kể khi tham gia tuần New York Xuân Hè 2015 cùng một người mẫu 15 tuổi vừa qua, trong 6 show diễn cô góp mặt, không một nhà tổ chức hay quản lý nào quan tâm việc cô bé kia có giấy tờ làm việc hợp pháp không.
Những bất cập trong việc làm luật và thi hành khiến ngành công nghiệp thời trang thế giới chưa thể giải quyết triệt để vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người mẫu trẻ. Hàng loạt chàng trai, cô gái non nớt phải nhận mức cát-xê ít ỏi, chịu sự quản lý ngặt nghèo của công ty với những bản hợp đồng dài hàng năm trời, chỉ có lợi cho một phía và không có một dấu hiệu cho thấy mối hợp tác sẽ phát triển êm đẹp. Một người trong giới cho biết: "Thông điệp người mẫu nhận lại rất rõ ràng: làm mẫu là phải như vậy, hoặc chấp nhận hoặc bước ra khỏi ngành công nghiệp này, có 1.000 người khác đang chờ để thế chân bạn".