Theo thông tin trên báo Nhân Dân, sáng 15/10, lượng mưa trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã giảm nhiều, có những khoảng thời gian mưa tạnh, nước ngập ở các khu phố rút dần. Tranh thủ nước rút, mọi người bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, hàng quán, ổn định sinh hoạt trở lại.
Căn nhà cấp 4 của cô Phan Thị Túc (tổ 113, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) hiện vẫn còn ngập nước đến bắp chân. Cô Túc kể, chiều 13/10, lúc còn buôn bán ở dưới phố, thấy tình hình mưa vẫn còn lớn và nhiều tuyến đường ngập cục bộ, cô tranh thủ về, nhờ bà con xung quanh phụ kê đồ đạc lên cao.
Tối cùng ngày, nước dâng cao, gia đình cô 3 người cùng nhiều hộ trong khu phố đã sơ tán đến nơi ở tập trung hoặc ghé nhà người quen ở tạm. Tới sáng nay, cả nhà thấy nước rút dần mới về lại tranh thủ dọn dẹp.
Cũng sống ở tổ 113, gia đình anh Ngô Ngọc Linh tranh thủ nước rút tới đâu thì dọn tới đó. Do trong nhà có con nhỏ mới sinh nên cả nhà đã đưa đi sơ tán từ sớm để bảo đảm an toàn cho mẹ con cũng như có người chăm sóc đầy đủ.
“Chúng tôi đàn ông nên từ hôm qua đã tranh thủ tạt về nhà ngó nước, nước lên tới phòng khách, rồi lại rút, rồi mưa tiếp lại dâng. Hôm qua tới nay ba lần như vậy rồi”, anh Linh chia sẻ với báo Nhân Dân.
Được biết, khu vực trũng thấp tổ 113 là một trong những nơi chịu ngập sâu nhất của phường Hoà Minh. Đến nay, nhiều nhà vẫn còn chưa thể dọn dẹp vì nước còn cao. Trong buổi sáng, tổ dân phố đã hỗ trợ mì tôm đến tất cả các hộ để gia đình dùng tạm trong lúc chưa thể ổn định lại cuộc sống.
Báo cáo của UBND phường Hòa Minh cho biết, nơi ngập thấp nhất là 20cm, còn cao nhất là hơn 2m. Từ 13/10, phường đã sơ tán 1.644 người dân đến hai điểm sơ tán tập trung là Trường Bùi Thị Xuân, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm và đến các hộ gia đình kiên cố.
XEM THÊM: Sắp xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông
Theo ông Phạm Tiến Thành - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, từ 13/10, phường cũng chủ động trước mua sẵn mì tôm, bánh mì, nước uống, phích nấu nước, phích điện… để cấp phát đến các vị trí di tản tập trung và những nơi di tản tại chỗ đến các nhà kiên cố, cũng như vị trí ngập trũng bị cô lập.
Tương tự, khu vực Mẹ Suốt ở phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cũng là một trong những nơi ngập sâu trong mấy ngày qua. Đến sáng 15/10, vị trí này vẫn còn ngập sâu khoảng 0,3 hơn hơn 0,5m. Một số vị trí cao hơn cơ bản nước rút, các hộ cũng tranh thủ dọn nhà cửa.
VietNamNet đưa tin, tại các nhà dân ở khu vực rốn lũ ở đường Mẹ Suốt ngập bùn non sau khi nước rút. Tranh thủ thời điểm bùn chưa khô, người dân tất tả dọn dẹp, múc nước còn đọng ngoài ngõ vào tạt nền nhà, xịt, rửa đồ đạc.
Trận lũ đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân, nhiều tài sản không kịp kê cao bị hư hỏng. Đồ đạc bám đầy bùn, nhiều người dân cho biết họ dọn từ sáng sớm đến chiều vẫn chưa xong.
"Tôi và chồng dọn từ sớm giờ vẫn chưa xong, nước dâng lên nhà hơn 1,3m, bùm bám khắp nơi. Hai năm nay gia đình quá khổ sở theo lũ, tiền làm ra không đủ để mua sắm lại tài sản bị hư hỏng", bà Hồ Thị Minh Liên (47 tuổi, sống ở ngõ 74 đường Mẹ Suốt) chia sẻ với VietNamNet.
Vẫn mặc quần áo lầm lem bùn đất, anh Phan Thanh Vũ tranh thủ ăn mì để tiếp tục dọn nhà. Anh Vũ cho biết, từ khuya 14/10, gia đình anh thức chờ nước rút để dọn dẹp nhà.
UBND phường Hòa Khánh Nam cho hay, đường Mẹ Suốt là khu vực trũng, thấp nên thường xảy ra ngập lụt. Theo thống kê, đợt mưa này khiến khoảng 4.000 căn nhà ở đây bị ngập. Các nhà bị ngập đều nằm trong khu dân cư ở các ngõ, hẻm thấp trũng hơn ngoài mặt đường lớn.
Đinh Kim (T/h)
Ảnh: Nhân Dân, VietNamNet
Link bài gốc Lấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tranh-thu-nuoc-rut-nguoi-dan-da-nang-tat-bat-don-dep-nha-cua-a595291.html