+Aa-
    Zalo

    Tranh luận "tư lệnh" ngành nên "ngồi nhà" hay "chạy ra đường"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - So với các "tư lệnh" ngành khác, có thể thấy Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng dường như đi thực địa và chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường nhiều hơn cả.

    (ĐSPL) - So với các "tư lệnh" ngành khác, có thể thấy Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng dường như đi thực địa và chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường nhiều hơn cả. Từ đó, ông cũng có những quyết sách được người dân đồng tình ủng hộ. Và điều đó cũng góp phần khiến Bộ trưởng này rời “tốp cuối” luôn đứng ở vị trí thứ 4 trong đợt bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vừa qua.

    Tuy nhiên, bên hành lang Quốc hội, chiều ngày 17/11, Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm (tỉnh Thái Bình) đã nêu quan điểm rằng, là Bộ trưởng thì phải ngồi ở nhà làm chính sách chứ không nên "chạy ra đường" giải quyết mấy việc "vụn vặt". Ý kiến trên ngay lập tức gây tranh luận trái chiều. Có người cho rằng, Bộ trưởng cần phải xuống thực địa để "gần dân"; người khác lại ý kiến, nếu vừa "ra trận", vừa làm tốt chính sách thì không có gì đáng phàn nàn... Câu chuyện "Tư lệnh hành động" lại một lần nữa trở nên "nóng".

    Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội: Không làm việc nhỏ thì không bao giờ làm được việc lớn!

    (BGIAY)Tranh luận việc

    Bà Nguyễn THị Hoài Thu.

    Tôi không bình luận nhiều về ý kiến của ĐBQH Cao Sỹ Kiêm, nhưng tôi lại đòi hỏi Bộ trưởng Đinh La Thăng nhiều hơn nữa trong việc thị sát thực tế. Những việc như người dân đu dây vượt sông ở Đắk Lắk; cô giáo vượt sông đến trường bằng túi nilon ở Điện Biên... là vô cùng nguy hiểm. Thử hỏi, nếu Bộ trưởng không xuống hiện trường, liệu có tận mắt chứng kiến được sự nguy hiểm đó? Và, nếu không trực tiếp chứng kiến, liệu có những giải pháp tháo gỡ giúp người dân?

    Tôi nghĩ, chỉ khi gần dân mới thôi thúc "tư lệnh" ngành thấy được những bức xúc trước mắt của người dân, cũng như thấu hiểu sự đánh đổi bằng sự sống của người dân từ những công trình giao thông nguy hiểm... Tôi không cho rằng, những việc Bộ trưởng Thăng làm thời gian vừa qua là chuyện nhỏ. "Vi hành" là chuyện lâu nay người xưa cũng đã làm. Việc đi sâu, đi sát thực tế là chuyện hết sức bình thường, chỉ những ai không làm việc đó mới là không bình thường. Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, lãnh đạo một ngành ở Trung ương hay địa phương... mà không xuống gần dân, nhất là những người nghèo khổ thì đó là những thiếu sót. Tôi nghĩ rằng, với những việc nhỏ mà chưa biết làm, không dám làm thì không thể làm được việc lớn.

    Tranh luận

    Bộ trưởng Đinh La Thăng đu bám dây xuống hiện trường vụ tai nạn xe khách ở Lào Cai ngày 1/9. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

    Tuy nhiên, cũng xuất hiện những luồng ý kiến cho rằng, có hiện tượng cấp dưới sợ trách nhiệm nên đẩy việc lên cấp trên, dẫn đến "hiện tượng Bộ trưởng Thăng". Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, Bộ trưởng là người "đầu tàu" thì phải kéo được đoàn tàu chuyển động. Bộ trưởng Đinh La Thăng đang hành động bằng trái tim và khối óc của mình, thế nhưng, một vấn đề cũng cần được quan tâm là làm thế nào để thổi tâm huyết vào cấp dưới. Bộ trưởng ra hiện trường, mà cấp phó lại ngồi "phòng máy lạnh" thì cũng phải xem lại. Hành động của Bộ trưởng là phải làm thế nào kéo được cả hệ thống Bộ GTVT chuyển động.

    Câu chuyện của Bộ trưởng Thăng đã không còn dừng lại ở riêng ngành giao thông, mà thành thông điệp cho tất cả các "tư lệnh" ngành khác. Theo tôi, đã là người lãnh đạo thì phải gần dân. Gần dân là hạnh phúc của mình, hạnh phúc của dân. Xa dân là bất hạnh của mình và bất hạnh của dân. Cho nên, tôi nhấn mạnh, tôi không coi những việc Bộ trưởng Bộ GTVT làm là "vụn vặt". Người không làm việc nhỏ thì không bao giờ làm được việc lớn.

    Nhân nói về ý kiến của ĐBQH Cao Sỹ Kiêm, tôi có một vài suy nghĩ, trăn trở. ông Cao Sỹ Kiêm đang là ĐBQH. Trước đó, ông cũng từng là lãnh đạo địa phương, rồi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Hiện ông đang giữ vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Tất cả những nhiệm vụ ông từng kinh qua đều rất quan trọng và một trong số đó là vai trò ĐBQH. Là đại diện cho tiếng nói của cử tri, ông càng hiểu rõ việc một lãnh đạo cần làm. Tại phiên chất vấn vừa rồi, một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm nhiều nhất liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng nhấn mạnh, đó là nhiệm vụ của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cho nên, tôi rất mong muốn đại biểu Cao Sỹ Kiêm, với tư cách là người đứng đầu Hiệp hội sẽ tập trung đầu tư nghiên cứu để đề xuất chính sách phát huy sức mạnh của doanh nghiệp dạng này.

    Gần 76\% bạn đọc ủng hộ Bộ trưởng ra hiện trường

    Liên quan đến tranh luận về việc Bộ trưởng nên ở nhà hay "chạy ra đường", báo Tuổi Trẻ cũng đã tiến hành một cuộc thăm dò nhanh trên báo điện tử. Câu hỏi đặt ra: Theo bạn, một Bộ trưởng nên dành thời gian, với ba phương án: 1. Ra hiện trường, xử lý việc cụ thể. 2. ở văn phòng, đưa ra quy chế, chính sách. 3. ý kiến khác. Tính đến cuối ngày 19/11, đã có 7.473 lượt tham gia thăm dò với 5.675 lựa chọn phương án 1 (chiếm 75,9\%), 1.048 chọn phương án 2 (chiếm 14\%) và 750 lựa chọn ý kiến khác (10\%).

    Cũng theo cuộc thăm dò này, chỉ có 17 ý kiến (trong tổng số 445 ý kiến phản hồi) đồng tình với ý kiến của ĐBQH Cao Sỹ Kiêm và băn khoăn với cách "chạy ra đường" của Bộ trưởng Đinh La Thăng.

    ĐBQH Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Sa đà vào sự vụ sẽ không còn nhiều thời gian hoạch định chính sách vĩ mô

    Tôi cho rằng, chúng ta không nên cực đoan và suy luận một chiều. Đi cơ sở, sâu sát và lăn lộn với thực tế là hoạt động cần thiết của cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu bộ, ngành, lĩnh vực.

    Chúng ta nói rằng, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo, đó là một nguyên lý. Giao thông vận tải là lĩnh vực quan trọng, công việc nhiều, gắn với nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra như hiệu quả đầu tư công, chất lượng công trình, dự án triển khai chậm... nên Bộ trưởng luôn phải ra "hiện trường" để giải quyết là chuyện bình thường. Thực tế, Bộ trưởng Thăng đi nhiều nhưng vẫn có những bài báo đặt tít "Bộ trưởng Thăng, ngó xuống mà coi", tức là vẫn có những nơi, ông ấy chưa đến được. Vì vậy, câu hỏi đặt ra, Bộ trưởng đi nhiều có giải quyết được công việc không? Đi nhiều mà hiệu quả ít mới là điều đáng nói.

    (bgiay)ĐBQH Ngô Văn Minh, ủy viên thường trực ủy ban Pháp luật củ

    Ông Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: .

    Với các bộ ngành khác cũng vậy, thực tế đang đòi hỏi các Bộ trưởng phải sâu sát, quyết liệt hơn. Có những lĩnh vực luôn đòi hỏi chỉ đạo, điều hành phải bám sát thực tiễn như nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, khoa học công nghệ... Bộ trưởng cần xuống với dân, lăn lộn vào thực tế để kiểm nghiệm xem chính sách, pháp luật có phù hợp không, triển khai thế nào, rồi lắng nghe cơ sở để từ đó đúc rút kinh nghiệm, đề xuất chính sách tốt hơn. Tôi lấy ví dụ như việc chống buôn lậu, nếu cứ ngồi ở "phòng máy lạnh" mà hô hào, nhưng ở biên giới thì hàng lậu vẫn tràn vào thì rõ ràng không hiệu quả.

    Vừa rồi có ĐBQH "khuyên" Bộ trưởng Thăng nên ở nhà nhiều hơn là "chạy ra đường" giải quyết mấy việc mà đôi khi hơi lặt vặt. Tôi nghĩ, lời khuyên này cũng rất đáng suy nghĩ. Bởi nếu một vị Bộ trưởng sa đà vào sự vụ sẽ không còn nhiều thời gian để hoạch định chính sách vĩ mô. Vậy nên, điều quan trọng là hài hòa giữa "ngồi trong phòng lạnh" và đi thực tế.

    Có một thực tế, những "tư lệnh" ngành đi nhiều, giải quyết nhiều sự vụ có hiệu quả đáng trân trọng hơn những vị mà nhân dân không biết họ đang ngồi ở nhà, hay đi đâu. Nhưng trong tình trạng bộ máy còn trì trệ, việc phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng thì mẫu Bộ trưởng hành động đang được yêu thích.

    Có lúc đích thân Bộ trưởng phải "ra trận" mới đạt hiệu quả

    Liên quan đến tranh luận quanh việc Bộ trưởng nên "ở nhà" hay "ra trận", bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định: "Chính sách cũng không thể xa rời với thực tiễn, nhất là những người quản lý trực tiếp những việc hàng ngày diễn ra như giáo dục, y tế, giao thông thì phải lăn lộn với sự kiện thực tế. Nếu kết hợp cả hai là tốt nhất". Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, nếu bộ máy tinh nhuệ làm giúp cho mình, tham mưu cho mình đúng thì mình đỡ. Nếu bộ máy không hoàn toàn như vậy, có lúc đích thân Bộ trưởng phải "ra trận" mới đạt hiệu quả.

    "Tôi nghĩ, như vậy cũng hoan nghênh. Thực ra, tôi rất khâm phục những người đi xuống thực địa nhiều mà người ta vẫn làm việc tốt. Có thể mình chưa tốt lắm nên mình ít "ra trận" mà phải tập trung nhiều vào vấn đề vĩ mô, lĩnh vực quản lý", vị này nhấn mạnh.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tranh-luan-tu-lenh-nganh-nen-ngoi-nha-hay-chay-ra-duong-a70327.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan