+Aa-
    Zalo

    Tranh luận dự thảo cho học sinh “vượt lớp”: Chạy nhanh, nhưng không vấp ngã

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Học vượt lớp trong cấp học cho những học sinh phát triển sớm trí tuệ như thế nào mới hiệu quả và việc chạy đua vượt lớp lại có thể để lại hậu quả.

    Học vượt lớp trong cấp học có thể xem là một ưu tiên dành cho những học sinh có thể lực tốt, phát triển sớm trí tuệ. Thế nhưng học như thế nào mới hiệu quả và việc chạy đua vượt lớp lại có thể để lại hậu quả.

    Phụ huynh băn khoăn về môi trường giáo dục công bằng, nhân văn

    Cho phép học sinh học vượt lớp là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học mới được bộ GD&ĐT công bố. Đây là quy định phù hợp với luật Giáo dục 2019. Theo đó, những học sinh có thể lực tốt, trí tuệ phát triển sớm (so với học sinh cùng lứa tuổi) có thể được xét học vượt lớp trong cùng cấp học. Phụ huynh có thể có đơn đề nghị nhà trường xem xét, Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn và có thẩm quyền quyết định.

    Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, giáo viên và chuyên gia giáo dục vẫn còn băn khoăn về nội dung này. Chị Lê Nương - Phụ huynh có con học tiểu học tại Hà Nội - bày tỏ: “Thực tế, chỉ nghe đến quy định này thì nói ủng hộ hay không cũng rất khó. Chuyện học vượt cấp tôi đã thấy có ở nước ngoài và toàn các bạn siêu giỏi...

    Theo nội dung dự thảo, học sinh tiểu học sẽ được học vượt lớp.

    Nếu có thể triển khai ở Việt Nam thì sẽ rất tích cực đối với các con siêu giỏi, bởi sẽ giảm thời gian ngồi học, giảm học phí cho gia đình. Nếu con giỏi, đã biết phần kiến thức đó rồi mà bắt con ngồi học như các bạn khác sẽ rất nhàm chán. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những tiêu cực nếu như không làm tốt. Quan trọng là để đánh giá tiêu chí đó, giáo dục Việt Nam có phương án phù hợp như thế nào...”.

    Đánh giá quy định học vượt trong trường tiểu học là không cần thiết, thầy Nguyễn Văn Sơn - Giáo viên một trường tiểu học tại Lào Cai - chỉ ra: “Thông qua giảng dạy, giáo viên cũng có thể phân hóa trong nội bộ tiết học, lớp học. Một giáo viên với chuyên môn tốt hoàn toàn giúp được học sinh có năng lực nổi trội có cơ hội được phát triển phù hợp mà vẫn giữ môi trường giáo dục công bằng, nhân văn”.

    Trao đổi với PV ĐS&PL, PGS.TS Phó Đức Hòa - Phó Trưởng khoa Giáo dục tiểu học (trường đại học Sư phạm Hà Nội) - cho biết: “Về mặt khoa học, việc cho học sinh học vượt lớp là vấn đề không mới. Tuy nhiên, từ thông tư đến thực tiễn còn có một “khoảng cách”, từ dự thảo đến việc ban hành lại là một “khoảng cách” nữa, và những người làm giáo dục phải nghiên cứu, đưa ra các tiêu chí, chỉ số về thể lực, yêu cầu cần đạt đối với từng môn học của từng độ tuổi, lớp học, bậc học. Học sinh phải hội tụ đầy đủ các tiêu chí, chỉ số đó thì mới được học vượt lớp. Phải làm sao để học sinh “chạy nhanh, nhưng không vấp ngã”.

    Học vượt theo môn, không nên học vượt lớp

    Trao đổi về vấn đề này, phụ huynh của Siêu trí tuệ Việt Nam 2019 Ngô Thế Anh bày tỏ: “Nghiêm túc mà nói thì học sinh không nên cho học vượt lớp! Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề của những đứa trẻ có năng khiếu đặc biệt thì là một chuyện không hề dễ dàng.

    Về chuyện vì sao tôi không ủng hộ cho các con học vượt lớp, cũng dễ hiểu thôi. Vì học sinh đến trường, ngoài học kiến thức, các em còn chơi, giao tiếp và phải sống trong môi trường xã hội. Như Thế Anh, đang ở lứa tuổi một học sinh lớp 2, mà hiện giờ đã theo học xong chương trình THCS ở Kumon, về khả năng thì con có thể học được ở lớp 5 hoặc hơn, nhưng vấn đề là về mặt cảm xúc, tâm sinh lý, con vẫn là đứa trẻ ở tuổi lớp 2....

    Vì vậy, nếu bộ GD&ĐT quan tâm đến vấn đề phát triển cho những trẻ có năng khiếu đặc biệt, thì cần xây dựng một chương trình đào tạo riêng, còn cho học vượt không phải là giải pháp. Nếu Bộ xây dựng được chương trình riêng cho học sinh có khả năng “vượt trội” và quy định về chuẩn tốt nghiệp, điều kiện tuyển sinh vào các cấp học cho những học sinh này thì phụ huynh sẽ đỡ loay hoay, vất vả.

    Để làm được điều đó, các nhà trường cần có bộ phận chuyên môn để đánh giá và tư vấn được khả năng “vượt trội” của học sinh; có cơ cấu lớp riêng; đội ngũ nhân lực đủ chuyên môn để dạy học phát triển năng lực chứ không phải “vượt trội” theo kiến thức, vượt trước chương trình”.

    Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Phó Trưởng ban phụ trách ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng nên xem xét phạm vi không phải là “lớp” mà là “môn học”.
    Theo bà, việc học vốn dĩ phải phù hợp với năng lực, điều kiện của học sinh: “Trong mỗi lớp học, đối với mỗi môn học sẽ có học sinh nổi trội hơn hoặc chậm hơn, khuyến khích các em được học một cách phù hợp là việc tốt. Tôi ủng hộ điều đó. Tuy nhiên, nên xem xét phạm vi không phải là lớp mà là môn học. Có nghĩa là, học sinh có thể được vượt lớp theo môn học chứ không phải là một lớp học.

    Một học sinh có thể có năng lực vượt trội ở môn học, lĩnh vực này nhưng không vượt trội ở môn học khác. Bên cạnh đó, không nên hiểu “vượt trội” theo kiểu dạy trước chương trình, mà cần quan tâm đến năng lực tiếp nhận kiến thức, kỹ năng của môn học trên khả năng đáp ứng của học sinh đó”.

    Ngăn tâm lý lợi ích

    “Phụ huynh cần hiểu rằng, để con em mình học sai với năng lực là một điều tệ hại. Điều đó sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, tuy nhiên, có vẻ rất khó để người lớn hiểu đúng vấn đề. Tôi mong chúng ta cởi mở hơn nữa, có biện pháp để cả giáo viên và phụ huynh tôn trọng quyền được học đúng năng lực, sở thích của mỗi học sinh. Về mặt quản lý, nhà trường cần làm tốt các điều kiện và sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đồng thời, cần quy định trách nhiệm cho phụ huynh, giáo viên khi họ cố tình làm sai, gây ảnh hưởng đến trẻ. Biện pháp phòng, chống chính là làm tốt giáo dục phổ thông, để không có tâm lý lợi ích khi học vượt; đầu tư công bằng cho các trường, lớp, cho sự đồng đều của đội ngũ nhà giáo, giúp mỗi giáo viên dạy tốt, dạy được phát triển năng lực học sinh ngay trong lớp học. Như vậy, quyền lợi của mỗi học sinh được đảm bảo, học vượt lớp công bằng, môi trường giáo dục sẽ nhân văn, sẽ giảm những tiêu cực xin - cho và mỗi đứa trẻ được thực hiện quyền học tập một cách đầy đủ và tốt nhất” - PGS.TS Chu Cẩm Thơ.

    Cẩm Mịch

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (80)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tranh-luan-du-thao-cho-hoc-sinh-vuot-lop-chay-nhanh-nhung-khong-vap-nga-a324435.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan