Trước những lùm xùm quanh 'ghế nóng' Eximbank, cổ đông lớn Nhật Bản đã có văn bản trình báo Thống đốc NHNN Việt Nam về những vi phạm và diễn biến bất thường trong hoạt động quản trị và điều hành của ngân hàng này.
Cổ đông Nhật “cầu cứu” Ngân hàng Nhà nước
Ngày 24/5, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (gọi tắt SMBC), cổ đông lớn của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), nắm giữ 15% cổ phần, đã có văn bản trình báo lên ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong văn bản, cổ đông Nhật đã báo cáo về những vi phạm và diễn biến bất thường trong hoạt động quản trị và điều hành của Eximbank.
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, SMBC nêu rõ, Eximbank đã không tuân thủ quy định về hoạt động của HĐQT. Cuộc họp HĐQT của Eximbank trong thời gian gần đây không được triệu tập hợp lệ theo quy định của luật Việt Nam, cụ thể là Luật doanh nghiệp, Điều lệ và quy chế quản trị nội bộ của Eximbank.
Cổ đông lớn Nhật cũng cho rằng, đã có thông báo chính thức bằng văn bản đến HĐQT và Ban Kiểm soát của Eximbank về vấn đề này nhưng không được phản hồi hay giải quyết thỏa đáng.
Liên quan đến việc không rõ ràng về các chức danh chủ chốt của Eximbank, SMBC nêu rõ, hiện đang có tranh cãi trong nội bộ HĐQT về vấn đề ai là người được bổ nhiệm hợp lệ và giữ chức danh Chủ tịch HĐQT của Eximbank.
Trước hàng loạt các bất thường đó, SMBC quan ngại về tính hợp pháp của các quyết định quản trị và điều hành của HĐQT và các vị trí chủ chốt của Eximbank. Ngoài ra, cho đến nay, cuộc họp ĐHĐCĐ thường xuyên của Eximbank năm 2019 vẫn chưa được triệu tập thành công khiến các cổ đông Eximbank không thể xem xét và thực hiện quyền cổ đông đối với tình hình và kết quả hoạt động của Eximbank. Do đó, tình trạng này có thể gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của Eximbank và quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông của Eximbank.
Cổ đông Nhật nhấn mạnh, những dấu hiệu bất thường nêu trên sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Eximbank và nếu kéo dài có thể gây mất an toàn trong hoạt động ngân hàng của Eximbank. Đồng thời, SMBC kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp thanh tra, giám sát chặt chẽ.
Trước đó, ngày 22/5, SMBC có công văn gửi các thành viên HĐQT Eximbank nêu quan điểm không xem những quyết định của cuộc họp ngày 20/5 là hợp lệ. Trong công văn, SMBC nêu rõ, các cuộc họp HĐQT được triệu tập vào sáng và chiều 20/5 không tuân thủ các yêu cầu của luật Doanh nghiệp Việt Nam và điều lệ Eximbank.
“Chúng tôi lưu ý đến các thành viên HĐQT về những vấn đề nêu trên và nhấn mạnh rằng chúng tôi không xem những quyết định được thông qua trong những cuộc họp không hợp lệ như vậy có hiệu lực. Trái lại, chúng tôi xem những quyết định đó là gây thiệt hại cho Eximbank và căn cứ theo điều 194.4 luật Doanh nghiệp, chúng tôi yêu cầu HĐQT đình chỉ thực hiện những quyết định như vậy” - SMBC nhấn mạnh.
Cổ đông Việt phải khởi kiện lên tòa
Ngày 5/6 mới đây, Tòa án nhân dân Q.1, TP.HCM có thông báo về việc thụ lý hồ sơ “yêu cầu đình chỉ thực hiện nghị quyết của hội đồng quản trị” bầu Chủ tịch HĐQT của Eximbank của Công ty CP Rồng Ngọc (cổ đông nắm 1,99% vốn cổ phần tại EIB).
Trước đó 1 ngày, Công ty CP Rồng Ngọc đã có đơn kiện lên tòa, yêu cầu đình chỉ Nghị quyết 231 về việc “thông qua chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết 112”. Nghị quyết 231 do ông Lê Minh Quốc ký hủy bỏ Nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú - thành viên HĐQT Eximbank vào ghế Chủ tịch HĐQT.
Cơ sở của yêu cầu này, đó là, Nghị quyết 231 ban hành vi phạm pháp luật và điều lệ Eximbank. Tại thời điểm ông Lê Minh Quốc ký Nghị quyết 231, cuộc họp HĐQT chưa kết thúc, biên bản cuộc họp chưa thông qua bởi chủ tọa, thư ký và các thành viên tham dự. Trong khi Nghị quyết lại có nội dung “căn cứ biên bản cuộc họp HĐQT ngày 15/5” nhưng chủ tọa, thư ký và nhiều thành viên HĐQT không hề biết về biên bản này.
Trong khi, Nghị quyết 112 có nội dung bãi nhiệm chức danh Chủ tịch đối với ông Lê Minh Quốc và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú lên Chủ tịch HĐQT Eximbank từng được Tòa án ra Quyết định 92 về tạm dừng. Tuy nhiên đến ngày 14/5, Tòa án đã có Quyết định 159 hủy bỏ Quyết định 92. Như vậy, Nghị quyết 112 vẫn có hiệu lực từ ngày 14/5. Và đến ngày 15/5, ông Lê Minh Quốc đã không còn là Chủ tịch HĐQT Eximbank nhưng lại ban hành Nghị quyết 231.
Công ty CP Hồng Ngọc cũng yêu cầu đình chỉ thực hiện các Nghị quyết được ban hành trên cơ sở cuộc họp HĐQT không hợp lệ ngày 20/5 bao gồm: Nghị quyết 238 bầu ông Cao Xuân Ninh vào chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank thay cho ông Lê Minh Quốc; Nghị quyết 239 thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh - Phó Tổng giám đốc thường trực giữ chức danh quyền Tổng giám đốc Eximbank; Nghị quyết 242 về việc hoãn đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 lần thứ 2 tổ chức ngày 26/5.
Lý giải về điều này, Công ty CP Hồng Ngọc cũng cho rằng, ngày 18/5, ông Lê Minh Quốc có thư mời các thành viên HĐQT họp lúc 9 giờ ngày 20/5 nhưng không đủ số thành viên tham dự nên ông Lê Minh Quốc tiếp tục có thư mời vào 15 giờ cùng ngày.
Cuộc họp này còn vi phạm điều lệ Eximbank “thông báo và tài liệu họp HĐQT phải được gửi chậm nhất 5 ngày làm việc trước ngày họp”. Trên cơ sở cuộc họp không hợp lệ ngày 20/5, ông Cao Xuân Ninh đã ban hành các Nghị quyết số 238, 239 và 242. Chính vì vậy, Công ty CP Rồng Ngọc yêu cầu HĐQT đình chỉ thực hiện các Nghị quyết nêu trên nhưng HĐQT không thực hiện.
Rõ ràng, đến thời điểm hiện tại, Eximbank đang phải đối mặt với nhiều bất lợi đang xảy ra, xuất phát từ câu chuyện tranh chấp chiếc ghế quyền lực nhất của ngân hàng. Sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông và nội bộ HĐQT ở Eximbank khiến cho hoạt động kinh doanh của nhà băng này thời gian qua bị ảnh hưởng khá rõ rệt. Giới tài chính ngân hàng và nhà đầu tư quan ngại đang đặt ra câu hỏi, đến khi nào cuộc chiến ghế nóng ở Eximbank sẽ kết thúc?
Hoàng Anh
Theo ANTT