Lần đầu tiên, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp đòi thù lao ủy quyền khi đại diện khiếu nại bồi thường đất đai. Kết quả, tòa đã tuyên sửa toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng nguyên đơn kiện đòi thù lao trong trường hợp này là không có cơ sở.
Theo nội dung vụ án, tháng 8/2009, gia đình ông Lê Văn Trung có 7000m2 đất bị UBND huyện Tân Thành ra quyết định thu hồi và bồi thường để xây dựng nhà máy Boomin. Do không đồng ý với số tiền bồi thường, hỗ trợ nên ông Trung khiếu nại đến UBND các cấp, sau đó có đơn khởi kiện tại TAND huyện.
Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh bác đơn kiện của ông Nguyễn Văn Tứ. |
Ông Trung ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Tứ làm đại diện để thực hiện việc khiếu nại, khởi kiện cho mình.
Tháng 11/2013, UBND huyện Tân Thành ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho ông Trung với số tiền tăng thêm là hơn 1,7 tỉ đồng.
Ông Tứ cho rằng UBND huyện ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho ông Trung là kết quả do ông khiếu nại, khởi kiện nên đòi ông Trung phải trả khoản tiền thù lao hơn 1 tỉ đồng, tương ứng 60\% số tiền được bồi thường tăng thêm.
Ông Trung không đồng ý trả tiền thù lao cho ông Tứ nên ông Tứ nộp đơn kiện ông Trung ra tòa. Cả ông Trung và ông Tứ đều ở ấp Phước Lập, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành.
Căn cứ mà ông Tứ nêu ra để yêu cầu Tòa án buộc ông Trung phải trả cho ông số tiền thù lao hơn 1 tỉ đồng là Hợp đồng ủy quyền công chứng ngày 23/5/2011 và Văn bản thỏa thuận cùng ngày. Văn bản thỏa thuận ngày 23/5/2011 do các bên thỏa thuận có ghi ông Trung tự nguyện phân chia thành quả số tiền tăng thêm từ việc khởi kiện, khiếu nại với tỷ lệ 60/40, tức ông Trung được hưởng 40\% tổng số tiền tăng thêm thu được, còn ông Tứ được hưởng 60\%.
Còn tại Hợp đồng ủy quyền công chứng ngày 23/5/2011, ông Trung với ông Tứ thỏa thuận việc ủy quyền không có thù lao.
Khi xét xử sơ thẩm vào tháng 6/2014, TAND huyện Tân Thành đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tứ và tuyên buộc ông Trung phải trả cho ông Tứ số tiền hơn 1 tỉ đồng như đã thỏa thuận.
Không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm, ông Trung kháng cáo và cho rằng hợp đồng ủy quyền cho ông Tứ đi khiếu nại, khởi kiện không có thù lao và việc UBND huyện bồi thường bổ sung cho các hộ trong đó có hộ ông Trung là do tự UBND huyện thấy có sai sót nên đã rà soát lại và tăng số tiền bồi thường, chứ không phải do kết quả khởi kiện, khiếu nại của ông Tứ.
Tại phiên xử phúc thẩm vào tháng 9/2014, TAND tỉnh nhận định: Theo nội dung hợp đồng ủy quyền và văn bản thỏa thuận nêu trên thì việc ông Tứ thực hiện công việc ủy quyền của ông Trung là không có thù lao, không có tiền công. Ông Trung chỉ tự nguyện phân chia số tiền bồi thường đất được tăng thêm khi UBND huyện tăng tiền bồi thường do kết quả khiếu nại, khởi kiện của ông Tứ với tư cách là đại diện cho ông Trung.
Tuy nhiên, trong quyết định bồi thường, hỗ trợ bổ sung 1,7 tỉ đồng về đất cho hộ ông Trung không có nội dung nào thể hiện rằng việc UBND huyện trả tiền bồi thường bổ sung cho hộ ông Trung là do kết quả khiếu nại của ông Trung là người đại diện là ông Tứ.
Ông Tứ thực hiện công việc theo hợp đồng ủy quyền không thù lao, nhưng lại yêu cầu ông Trung phải trả hơn 1 tỉ đồng là quá cao so với công sức bỏ ra và không hợp lý, trái đạo đức xã hội. Do đó việc ông Tứ khởi kiện yêu cầu ông Trung trả thù lao thực hiện việc ủy quyền là không có cơ sở để chấp nhận.
Ngoài ra, dựa vào tài liệu, chứng cứ khác, Tòa phúc thẩm còn nhận định việc thỏa thuận 60/40 trong văn bản thỏa thuận ngày 23/5/2011 không phải là do ông Trung tự nguyện mà do ông Tứ lợi dụng người dân khó khăn, sự kém hiểu biết của người dân để làm sẵn mẫu văn bản thỏa thuận các nội dung này để ông Trung và các hộ ký. Do đó TAND tỉnh đã tuyên sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, không chấp nhận bất cứ yêu cầu khởi kiện nào của ông Tứ, mà còn buộc ông Tứ phải chịu án phí hơn 40 triệu đồng.
Việc ông Tứ đòi tiền thù lao là trái pháp luật Điều 581 Bộ luật dân sự quy định: “Hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”. Theo luật sư Dương Thanh Thuận, Công ty luật hợp danh Dương Chính (TP Bà Rịa) người được ủy quyền được hưởng thù lao, được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền. Trong vụ án trên, các bên thỏa thuận ủy quyền không có thù lao, bên nhận ủy quyền là ông Tứ cũng không chứng minh được chi phí hợp lý đã bỏ ra để thực hiện công việc đại diện cho ông Trung trong quá trình khiếu nại, khởi kiện nên Tòa phúc thẩm tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi trả tiền thù lao là đúng quy định pháp luật. Mặt khác, ông Tứ là người không có chức năng, do đó không được phép thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý mà thỏa thuận tiền thù lao như thực hiện dịch vụ pháp lý là trái quy định của pháp luật. |