(ĐSPL) - Thời gian gần đây , bộ phim "Hậu duệ Mặt Trời" (do điện ảnh Hàn Quốc sản xuất) đang “làm mưa làm gió” ở một số nước châu Á. Được biết, bộ phim khai thác đề tài quân nhân, lòng yêu nước và hiện có tỉ lệ người xem đạt kỷ lục. Sau khi biết thông tin bộ phim sẽ được công chiếu chính thức ở Việt Nam, trên các diễn đàn xã hội đang nổ ra những tranh cãi kịch liệt liên quan tới việc nên hay không nên chiếu Bài viết “ném đá” trào lưu ghép ảnh quân phục lính Hàn bộ phim này.
Cảnh phim "Hậu duệ Mặt Trời". |
Có nên phát sóng ở Việt Nam?
Tại Trung Quốc, phim đã thu hút gần 2 tỉ lượt theo dõi. Bộ phim cũng nhận được những lời “có cánh” của một số nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Thái Lan...
Tại Việt Nam, do chưa được phát sóng chính thức nên chưa thể thống kê được có bao nhiêu người theo dõi nhưng trên các diễn đàn mạng xã hội, bộ phim này cũng đang trở thành hiện tượng. Đâu đâu cũng thấy xuất hiện thông tin, hình ảnh liên quan tới "Hậu duệ mặt trời". Thế rồi, các trào lưu ăn theo như: Ghép ảnh cá nhân trong quân phục Hàn, chế lời thoại, chế hành động trong phim...đua nhau nở rộ.
Cũng vì nhận thấy độ “hot” khủng khiếp đó, một số đài truyền hình ở Việt Nam đã rục rịch mua bản quyền và sắp tới sẽ phát sóng chính thức bộ phim trên khung giờ vàng của mình.
Thông tin này làm bùng lên những tranh cãi không hồi kết liên quan tới việc nên hay không nên phát sóng bộ phim ở Việt Nam. Hiện, những người phản đối bộ phim cũng như lên án hành động ghép ảnh cá nhân vào quân phục lính Hàn cho rằng, việc làm này là thiếu tôn trọng lịch sử bởi hành vi tàn ác mà lính Hàn gây ra cho người Việt trong chiến tranh vẫn còn đó.
Một facebooker còn viết hẳn một bài viết dài với những hình ảnh, tư liệu lịch sử cụ thể để chỉ ra những tội ác dã man mà lính Hàn Quốc đã gây ra cho dân thường Việt Nam. Bài viết trên hiện nhận được hơn 60 nghìn lượt chia sẻ với rất nhiều ý kiến đồng tình.
MC Phan Anh, trên trang mạng xã hội của mình cũng lên tiếng phản đối trào lưu ghép ảnh với quân phục Hàn. Anh viết: “Mình cũng đã không được nghe nhiều và vô tâm về những gì mà quân đội Hàn Quốc từng gây ra cho người dân Việt Nam, đặc biệt là với đồng bào miền Trung. Mình luôn có cảm tình với đất nước này, nhưng sự thật lịch sử thì cần phải ghi nhận đúng đắn và được cư xử trân trọng...”.
Trong khi đó, nhóm những người yêu thích bộ phim thì cho rằng, đây chỉ là trào lưu vui, vì phim hay nên mọi người thích ghép ảnh. Quan điểm của những người này là không nên xem là chuyện nghiêm túc, càng không nên đề cập đến vấn đề về chiến tranh, chuyện quá khứ đau buồn. Nhiều người còn dẫn lại trào lưu thần tượng phim Trung Quốc ngày xưa (như phim Hoàn châu cách cách - PV) để phản pháo lại những ý kiến phản đối, cho rằng những tranh cãi xuất phát từ vấn đề ý thức hệ.
Hiện tại, những tranh cãi chưa có dấu hiệu dừng lại và lịch phát sóng bộ phim ở Việt Nam vẫn chẳng có gì thay đổi. Vậy là, sau tất cả, điều duy nhất có ý nghĩa là bộ phim ngày càng nổi tiếng. Chẳng có gì được rút ra, cũng chẳng có gì được ghi nhận.
Chuyện yêu, ghét tùy cảm quan từng người
Câu chuyện về phim thần tượng, “cuồng” thần tượng vốn chẳng xa lạ gì với giới trẻ ở Việt Nam. Thế nhưng, những tranh cãi quanh bộ phim trên, một lần nữa báo động nhiều vấn đề liên quan tới ý thức xã hội.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn) phân tích: “Những trào lưu ghép ảnh ăn theo một bộ phim Hàn nào đó chỉ là một trong nhiều biểu hiện của sự lệch lạc thần tượng. Nhiều bạn trẻ hiện nay chưa tìm được đúng con đường của mình, trong khi những va vấp với cuộc sống và môi trường xã hội dễ dẫn đến những đổ vỡ và phát sinh tâm lý ảo tưởng.
Thần tượng nói chung và thần tượng Hàn Quốc nói riêng lại đáp ứng hoàn hảo cho sự thiếu hụt tâm lý đó. Bởi vậy điều này có thể hiểu và thông cảm được. Nhưng cái mà chúng ta đang bàn ở đây lại liên quan tới câu chuyện giữa phim ảnh và lịch sử. Khi tiếp nhận một thông tin, việc biết và không biết lịch sử của thông tin đó sẽ đem lại những nhận thức khác nhau.
Câu chuyện lính Hàn Quốc ở Việt Nam trong những năm chiến tranh, tôi tin nhiều bạn trẻ không biết. Lịch sử cần phải được biết đến và tôn trọng. Khi đó chuyện yêu, ghét của mỗi người tùy vào cảm quan, nhận thức của mỗi người. Vấn đề của chúng ta, tôi nghĩ không phải là đánh giá mà là đưa ra các thông tin cho nhiều người biết. Lúc đó, chính người trong cuộc sẽ nhận định, như thế là phù hợp hay thái quá”.
Trong khi đó, chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Kim Quý từng cho rằng, việc “cuồng” thần tượng phản ánh một thực tế xã hội khác. Bà cho biết: “Thực tế là xã hội hiện nay ít có những hình tượng mẫu mực trong các lĩnh vực để giới trẻ ngưỡng mộ. Trong khi ở gia đình, người lớn cũng chưa thật sự có ý thức xây dựng hình tượng của mình trong mắt con cái, khiến trẻ không phục”.
PHẠM THIỆU
Mời độc giả xem thêm video Giải trí:
[mecloud]tqVQ2yvpPL[/mecloud]