+Aa-
    Zalo

    Tranh cãi về ranh giới mê tín dị đoan và văn hóa tín ngưỡng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Theo Nghị quyết mới mà HĐND TP.Hà Nội vừa thông qua, sẽ phạt đến 10 triệu đồng về hành vi lợi dụng lên đồng, xem bói... để trục lợi.

    (ĐSPL) - Theo Nghị quyết mới mà HĐND TP.Hà Nội vừa thông qua, sẽ phạt đến 10 triệu đồng về hành vi lợi dụng lên đồng, xem bói... để trục lợi.

    Tuy nhiên trên thực tế, quy định này sẽ rất khó thực hiện vì đến nay vẫn chưa phân định rạch ròi đâu là lên đồng bất chính, đâu là lên đồng hợp thuần phong mỹ tục. Trao đổi với Phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, nhiều chuyên gia văn hóa lên tiếng “phản pháo” về những điểm chưa rõ ràng của Nghị quyết này khi mà tới đây, festival hầu đồng sẽ được tổ chức tại Hà Nội.

    Tranh cãi về ranh giới mê tín dị đoan và văn hóa tín ngưỡng
    Một buổi hầu đồng.

    Cấm hầu đồng nhưng coi chầu văn là di sản

    Trong Nghị quyết trên có nêu “Hành vi lợi dụng lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ... để trục lợi sẽ bị phạt từ 6 - 10 triệu đồng". Hoạt động lên đồng ở đây được hiểu là các hoạt động lên đồng có tính chất mê tín dị đoan mới bị cấm và phạt tiền. Ngoài ra, chính quyền cũng sẽ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm sung công quỹ tiền thu bất chính.

    Trên thực tế, việc phân định rạch ròi đâu là lên đồng bất chính, đâu là lên đồng hợp thuần phong mỹ tục sẽ rất khó khăn. Hiện nay, cũng chưa có văn bản nào quy định thế nào là lên đồng trục lợi hay cấp phép cho việc lên đồng là đúng luật. Điều này sẽ rất khó cho việc áp dụng Nghị quyết vào cuộc sống.

    Mở đầu cuộc trò chuyện với PV báo ĐS&PL, PGS.TS Lê Quý Đức (viện Văn hóa và Phát triển) cho rằng: “Đáng ra trước khi thông qua Nghị quyết này thì ban ngành, chức năng TP.Hà Nội cần phải lấy ý kiến rộng rãi của dư luận chứ không phải tự nhiên mà định ra một mức phạt được. Bởi lẽ, cần phải có quy định rõ ràng về việc xem bói, lên đồng (còn gọi hầu đồng) như thế nào là trục lợi và như thế nào là phục vụ văn hóa đời sống tâm linh. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét mức xử phạt từng nơi ví dụ như xử phạt xem bói, lên đồng trục lợi trong chùa chiền hay tự phát mở dịch vụ mê tín dị đoan này tại gia để trục lợi”.

    “Lên đồng là nghi thức hành lễ quan trọng của những người gia nhập tín ngưỡng Tứ phủ. Tín ngưỡng Tứ phủ còn sản sinh ra một thể loại âm nhạc đặc sắc, gắn bó hữu cơ với các nghi thức thờ phụng, là nghệ thuật hát văn. Từ bao đời nay, cuộc sống của nhạc sỹ thể loại hát văn luôn gắn bó mật thiết với các cuộc hầu đồng. Có rất nhiều phả hệ cung văn đồ sộ minh chứng cho sức sống mãnh liệt của hát văn trong lịch sử âm nhạc dân tộc. Do đó, để xác định ranh giới giữa lên đồng trục lợi và lên đồng phục vụ văn hóa còn rất mong manh và chưa có quy định cụ thể”, PGS. Lê Quý Đức nói thêm.

    Tranh cãi về ranh giới mê tín dị đoan và văn hóa tín ngưỡng
    PGS. TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng viện Nghiên cứu Tôn giáo cho rằng, cần có những quy định rõ ràng hơn để xác định như thế nào là xem bói, hầu đồng trục lợi.  

    Còn theo PGS.TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng viện Tôn giáo cho rằng những khái niệm được nêu trong Nghị quyết như lên đồng, xem bói, gọi hồn không có nội hàm, mặt khác các quyết định chính sách pháp luật phải dựa trên điều tra xã hội. “Ví dụ lên đồng có phải là hành vi đáng cấm hay không, vì sao lại cấm? Nghi lễ lên đồng là hành vi nằm trong một chuỗi hành vi văn hóa. Nên phải gọi hầu đồng thay cho lên đồng mới là đúng. Hầu đồng có bao nhiêu bộ phận thì anh phải xác định cho tôi. Cấm là cấm cái gì trong hầu đồng? Có phải là cấm hết hay không? Hầu đồng đã trở nên phổ biến, công khai trong xã hội. Một mặt cấm hầu đồng, một mặt coi chầu văn là di sản. Trong khi cho sân khấu hóa, phổ cập hóa chầu văn nhưng lại cấm hầu đồng và lên đồng. Nếu không coi là giá trị thì tại sao tôn vinh, còn mang sang cả nước ngoài?”, ông Tuấn nhấn mạnh.

    Không quản được thì cấm?

    Cùng trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, GS. Ngô Đức Thịnh, ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam bày tỏ quan điểm phản đối Nghị quyết mới của UBND TP.Hà Nội về xử phạt xem bói, lên đồng để trục lợi. Theo GS Thịnh, vấn đề đặt ra ở đây là cái văn hóa, tín ngưỡng của hầu đồng là ở đâu? Là từ người dân. Bởi vậy có một nguyên lý rất quan trọng khi bảo tồn và gìn giữ những di sản văn hóa dân tộc đó là phải dựa vào cộng đồng. Chủ thể văn hóa phải giao về lại cho cộng đồng và kèm vào đó trao cho họ cái hiểu biết, cái tri thức, cái trách nhiệm.

    GS. Thịnh cho biết: “Hiện nay, theo thống kê sơ bộ, cả nước có tới hơn 7.000 đền phủ. Đó là chưa kể đến các điện của tư nhân. Tôi còn nhớ trong một hội thảo quốc tế bàn về đạo Mẫu, có một vị ở ủy ban UNESCO Việt Nam đã phát biểu rằng: “Cấm nghi lễ này là có tội với di sản văn hóa dân tộc Việt Nam”.

    Bản thân nghi lễ chầu văn, hay còn gọi là hầu đồng, hiểu một cách đơn giản là hình thức diễn xướng dựa trên cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời ca trau chuốt, cùng các nghi lễ nghiêm trang và hình thức múa để con người có thể giao tiếp với thần linh. Trong nghi lễ này, người ta tin rằng, hình thức lên đồng có thể giúp con người giao tiếp được với các đấng thần linh thông qua các ông đồng hay bà đồng.

    “Có những cái thuộc về nhu cầu văn hóa đời sống thì rất khó cấm. Bản thân Hà Nội cũng sắp tổ chức festival hầu đồng cơ mà. Chúng ta chỉ nên đưa ra quy định để ngăn chặn việc nó bị biến tướng thành mê tín dị đoan thôi”, GS. Ngô Đức Thịnh nói.

    Tranh cãi về ranh giới mê tín dị đoan và văn hóa tín ngưỡng
    GS.TS Ngô Đức Thịnh cho biết: “Chỉ nên đưa ra quy định để ngăn chặn việc hầu đồng bị biến tướng thành mê tín dị đoan chứ không thể cấm”.

    Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền còn lưu ý rằng tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) là tín ngưỡng mang tính bản địa rõ nét, thuần Việt. Những vị thần của tín ngưỡng đa số là nhân thần Việt Nam, "là những anh linh sông núi, người có công giúp dân khai phá đất đai, người có công chống giặc giữ nước từ thời Hùng Vương đến nay. Đây là tín ngưỡng giản dị của người dân, không cần có pháp chủ. Niềm tin vào tín ngưỡng chính là liều thuốc tinh thần tạo dựng nguồn sống cho con người. Khi có niềm tin, con người sẽ chịu đựng được mọi tai ương, tật ách".

    Sở dĩ hầu đồng bị kỳ thị là do có không ít những biến tướng từ hoạt động này. Nhiều người lợi dụng lên đồng để kiếm tiền, vì đến với Mẫu là để cầu mong sức khỏe, tài lộc, buôn bán có nhiều tiền, nên có thể cầu thăng quan tiến chức. Chính nhóm những "ông đồng, bà đồng" không có căn mới có chuyện biến chất, lợi dụng niềm tin của con người để thu lợi cho họ. Cũng có lẽ trong những người đồng bóng, rất ít người hiểu biết về Đạo Mẫu nên mới gây ra sự lệch lạc. Bản thân GS. Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng: “Cần có những quy định hợp lý để quản lý và giữ gìn hầu đồng. Việc cấm không đúng thì sẽ tạo ra một kẽ hở cho một lớp người lợi dụng và trục lợi. Đừng để người dân phản ứng tiêu cực bởi chính ngành chức năng không quản lý được nên phải cấm”.

    Nhiều chuyên gia văn hóa cũng cho rằng, về mục đích, xử phạt những hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, yểm bùa... và các hình thức tương tự khác để trục lợi để người dân tránh khỏi những đồng cô, đồng cậu lừa đảo. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần có những quy định rõ ràng hơn về phạm trù mê tín dị đoan và văn hóa tín ngưỡng. Quan trọng hơn cần có những tuyên truyền cụ thể đến những “ông đồng, bà cốt” biết tự chấn chỉnh việc lên đồng của chính mình để xã hội công nhận đó là một hoạt động văn hóa tốt đẹp.

    Nghệ sỹ nổi tiếng cũng... hầu đồng

    Hầu đồng là một sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật giữa ca, nhạc, múa, diễn, là loại hình tổng hợp của văn hóa dân gian. Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng sau khi tìm hiểu nét đẹp văn hóa dân gian huyền bí này hoặc như một cơ duyên cũng ra hầu đồng, hát văn dâng Thánh. Trong số đó phải kể đến nghệ sỹ cải lương Thoại Mỹ, nghệ sỹ hát quan họ Thúy Hường, nghệ sỹ nhân dân Lan Hương, danh hài Hoài Linh, danh hài Xuân Hinh...

    Từng chia sẻ với báo chí, họ cho rằng, hầu đồng là một nét văn hóa của Việt Nam. Và tất nhiên cũng có những kẻ lợi dụng biến hầu đồng thành mê tín dị đoan, bảo thánh phán truyền để trục lợi.  Để giữ nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tâm linh này thì ngành chức năng cần có văn bản công nhận hầu đồng và kèm theo các quy định cụ thể để tránh sự biến tướng, dị đoan.        

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tranh-cai-ve-ranh-gioi-me-tin-di-doan-va-van-hoa-tin-nguong-a42541.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan