(ĐSPL) - Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái là đề xuất Bộ Tư pháp đưa ra trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi.
Theo tin tức trên VTC News, mới đây, ngày 12/5 báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết đã có khoảng 7,5 triệu lượt người tham gia góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Một trong số các vấn đề được tách riêng tại báo cáo để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là quyền đối với họ, tên và chữ đệm.
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định cá nhân có quyền có họ, tên, chữ đệm, xác định dân tộc và xác định lại dân tộc.
Dự thảo cũng quy định tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái. Cấm lợi dụng việc thay đổi họ, tên, chữ đệm nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường xin ý kiến riêng về nội dung quyền đối với họ, tên và chữ đệm của công dân - Ảnh: Báo Dân Trí |
Nhiều người ủng hộ
Đại diện ban soạn thảo cho rằng việc đặt họ, tên và chữ đệm, tuy là một quyền nhân thân của cá nhân, nhưng Nhà nước cũng cần phải đề ra những quy định cần thiết để định hướng cho việc cá nhân thực hiện quyền này.
Bên cạnh đó, việc đặt họ, tên và chữ đệm có nhiều trường hợp không phù hợp với "tập quán, thuần phong mỹ tục" của Việt Nam. Nhiều tên quá dài, không thuần Việt nhưng cơ quan đăng ký hộ tịch phải đăng ký, không có lý do để từ chối.
Thứ ba, quy định trên là để đồng bộ với quy định có liên quan của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Theo đó, người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam và người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam.
Về việc khống chế họ, tên và chữ đệm không quá 25 chữ cái, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng quy định này là hợp lý.
Vì thực tế có trường hợp đặt tên quá dài, có tên 30 đến 40 chữ cái, ảnh hưởng đến việc thể hiện trên hồ sơ, đưa vào danh mục và giao dịch. Ông Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng tên được quy định đến 25 chữ cái là đảm bảo.
Chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ, bạn đọc Thu Hoài cho rằng: “Tên dài sẽ gây khó khăn khi làm thủ tục giấy tờ, mỗi lần viết tên cũng sẽ mất nhiều thời gian”.
Cùng ý kiến, anh Minh Tâm (quận 11, TP HCM) nhận định: “Một người tên dài dễ mất thiện cảm với người đối diện vì khó đọc trọn vẹn cả họ lẫn tên. Tên càng dài thì khi in ấn, soạn thảo văn bản càng dễ bị sai sót, chưa kể tên dài sẽ trở thành 'kỳ dị' khi đứng trong một danh sách toàn những tên ngắn gọn”.
Hiến pháp không hạn chế độ dài họ tên
Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội lại cho rằng: “Quy định họ tên không quá 25 chữ cái là vượt qua Hiến pháp. Tên dài có ảnh hưởng gì tới đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng đâu! Nên khuyến khích người dân đặt tên ngắn vì đặt tên phức tạp ảnh hưởng trực tiếp tới con cái của họ, chứ không nên áp đặt”.
Trước vấn đề còn nhiều tranh luận, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng quy định họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái cần phải được thuyết minh rõ và thuyết phục hơn.
Ngoài ra, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng so với Bộ luật Dân sự hiện hành, dự thảo bổ sung thêm phần “chữ đệm”. Ủy ban đề nghị cân nhắc vì việc sử dụng “Họ và tên” từ trước đến nay đã trở thành thông dụng.
Một số ý kiến của thành viên Thường vụ Quốc hội băn khoăn: “Việc thay đổi liệu có cần thiết không và có dẫn tới việc phải thay đổi các loại giấy tờ, văn bản hành chính hay không?”.
“Họ tên là niềm hạnh phúc mà cha mẹ tặng cho mỗi người, là quyền nhân thân không thể hạn chế”, bạn đọc Linh Nga cho ý kiến về đề xuất hạn chế độ dài họ tên của Bộ Tư pháp.
Anh Hoàng Lam (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) cho rằng: “Đặt họ tên cho con là quyền riêng tư của mỗi người, không thể can thiệp vào được. Cha mẹ dành tình cảm cho con thế nào sẽ thể hiện qua họ tên của con theo ý họ”.
Một bạn đọc ngụ quận 8, TP HCM nói: “Họ tên là quyền nhân thân của người dân không thể nào hạn chế được. Việc đặt tên dài cũng không ảnh hưởng gì tới an ninh xã hội. Dài hay ngắn là do sự cân nhắc của gia đình, người thân”.
Bạn Hồng Trâm (ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM) khẳng định: “Bản thân cha mẹ khi muốn đặt tên cho con cũng sẽ suy nghĩ đến tương lai của nó nên không nhất thiết phải có quy định như vậy”.
KIM THÀNH(Tổng hợp)