Mới đây, một số họa sĩ đã rất bất ngờ và bức xúc khi tác phẩm gửi tham gia Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 bị rạch xước, bắn sơn, rạn vỡ (tác phẩm điêu khắc) ngay trước ngày triển lãm. Nhiều họa sĩ đã phải “kêu trời” vì tranh của mình không được bảo quản. Có họa sĩ đã tuyên bố sẽ bắt Ban tổ chức (BTC) đền bù theo giá trị thực của tác phẩm. Vậy thực hư chuyện này ra sao...
Hỏng tranh được định giá 50.000 USD: Có thể khởi kiện?
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam (trước đây là Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc) được tổ chức 5 năm một lần, là triển lãm định kỳ, truyền thống của Mỹ thuật Việt Nam. Từ năm 2015 triển lãm được đổi tên là Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam. Đây là sự kiện mỹ thuật nhằm tổng kết và đánh giá quá trình hoạt động sáng tạo, công bố các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của giới mỹ thuật Việt Nam trong quá trình 5 năm (2016-2020), ghi nhận những thành tựu sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thế nhưng tại sự kiện này đã xảy ra một chuyện không mong muốn.
Tác phẩm tranh bị xước khi gửi đến Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam. |
Theo đó, Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy, một trong những tác giả có tranh bị xước khi dự thi Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020 đã quyết định rút tác phẩm về. Anh bức xúc cho hay: “Tranh của tôi được gửi đến là tranh sơn mài. Nhưng trước ngày triển lãm tranh đã bị “thương” nghiêm trọng. Tranh bị xước rất sâu, có đến 5 vết xước dài do vật cứng tác động vào. Tôi không hiểu sao một triển lãm có quy mô như vậy lại không có cách bảo quản tranh của nghệ sĩ? Đây là cách làm việc không có trách nhiệm và cẩu thả. Bức tranh Địa linh nhân kiệt của tôi được định giá lên đến 50.000USD, nó bị hỏng như vậy thì xót xa quá, tranh coi như bỏ vì làm sao mà phục hồi như cũ? Vì tác phẩm không được trân trọng nên tôi đã làm đơn xin rút tranh về. Tôi cũng sẽ yêu cầu ban tổ chức Triển lãm mỹ thuật toàn quốc phải bồi thường vì làm xước tác phẩm”.
Theo đó, ông Huy đã cùng cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (bộ VH,TT&DL), Trung tâm triển lãm Vân Hồ (Hà Nội - địa điểm triển lãm tranh) ký biên bản để rút tranh về. Không chỉ ông Huy, nhiều họa sĩ cũng thấy buồn vì tranh của mình bị xước, hỏng khá nhiều. Theo BTC, đến chiều 1/12 đã có 5 họa sĩ rút tác phẩm của mình về. Sự việc này khiến nhiều họa sĩ rất thất vọng, họ gửi “đứa con tinh thần” của mình đi nhưng không ngờ tác phẩm của mình lại hỏng, nhiều người tuyên bố sẽ không tham gia triển lãm mỹ thuật lần nào nữa. Vậy BTC nói gì về điều này? Chia sẻ về những bức tranh bị xước trong triển lãm, ông Mã Thế Anh - Phó Cục trưởng cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Việt Nam (MT,NA&TL VN) – đơn vị tổ chức Triển lãm cho biết: “Hàng năm, bộ VH,TT&DL đã chuyển cho cục MT,NA&TL 9,6 tỷ đồng để phục vụ các hoạt động triển lãm, năm nay chúng tôi tổ chức nhiều triển lãm mỹ thuật. Riêng triển lãm Mỹ thuật năm 2020 chúng tôi chi gần 9 tỷ.
Ở Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020 đúng là cũng có một số tác phẩm bị xước, bị hỏng một chút. Bản thân chúng tôi đã điện thoại cho các tác giả để xin lỗi, nhận trách nhiệm về BTC, chúng tôi có tinh thần cầu thị chứ không thoái thác. Tổ chức một cuộc triển lãm quy mô lên đến 500 tác phẩm, mà vẫn làm theo cách này, thì sang năm tranh vẫn sẽ bị xước rách. Việc tranh bị xước, các năm trước đã có tiền lệ rồi...”.
Ông Mã Thế Anh cho biết thêm: “Để tổ chức cuộc triển lãm này, chúng tôi đã huy động tới 100 người để hoàn thành triển lãm mỹ thuật. Chuyện xước tranh là chuyện không mong muốn, nhưng đó chính là do cách vận hành một triển lãm bấy lâu nay: Sau khi tác giả gửi tranh đến, tác phẩm sẽ gửi ở 3 miền, miền Nam thì ở TP.HCM, miền Trung thì ở Đà Nẵng. Sau đó mới chuyển tất cả tranh về Hà Nội. Việc khuân vác tranh chúng tôi phải thuê một đơn vị ngoài để làm, trong quá trình di chuyển, bê tranh sẽ có những lúc người bê vác không để ý.
Ai làm như chúng tôi cũng sẽ để xảy ra sự cố, không riêng gì chúng tôi. Đây là bài học lớn và chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để sang năm làm khác đi. Việc bê vác tranh lên cho hội đồng thẩm định rồi bê vào kho cất xong lại đưa ra trưng bày đã dẫn đến sự cố đáng tiếc trên. Có họa sĩ Huy và 4 người nữa rút tác phẩm. Sau triển lãm xong, chúng tôi sẽ ngồi với họ để giải quyết sự việc”.
Khi được hỏi, nếu các tác giả khởi kiện BTC vì đã làm tranh quý của họ bị hỏng, ông sẽ giải quyết thế nào? Ông Mã Thế Anh cho hay: “Hiện tại chúng tôi đang triển lãm tranh nên mọi việc sẽ giải quyết sau khi triển lãm kết thúc. Tôi cũng có giải pháp để hạn chế việc làm hỏng tranh, đó là thời gian tới chắc phải bắt buộc cách tổ chức. Có thể, chúng tôi sẽ tìm ra một địa điểm rộng, chuyên biệt để các họa sĩ tự treo tranh của mình trong khu vực triển lãm. Và hội đồng thẩm định sẽ đi từng khu vực để chấm và kết thúc sẽ công bố giải. Nghĩa là tranh sẽ chỉ treo đúng một vị trí, không di chuyển nhiều lần, tránh được các tổn thất giá trị tác phẩm. Tôi cũng xin thông tin thêm, toàn bộ tranh ở triển lãm lần này không được mua bảo hiểm...”.
Chia sẻ với PV ĐS&PL, hoạ sĩ Lê Minh (Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) cho hay: “Ở một triển lãm mỹ thuật quy mô toàn quốc mà có tranh bị “tổn thương”, bị xước rách như vậy thật là đáng tiếc. Họa sĩ tham gia triển lãm, đều là những người tài, có nghề và tranh của họ cũng có giá trị trên thị trường. Họa sĩ yêu quý tranh như con, vì thế “đứa con tinh thần” này có bị làm sao, họ đều rất đau lòng. Nghe chuyện tranh bị xước rách thật hài hước và xót xa. Theo tôi, BTC cần có phương án khác để các triển lãm tới không bị như vậy, nếu không sẽ không ai dám gửi tranh đi Triển lãm”.
Từng có cuộc triển lãm làm mất tranh của họa sĩ...
Nói về việc tranh bị xước rạch ở Triển lãm, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng – Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phê bình Mỹ Thuật, hội Mỹ thuật Việt Nam cho hay: “Tôi có tham gia nhiều Triển lãm mỹ thuật, có thể nói từ năm 1960 đến nay và thấy rằng, các Triển lãm đều có hỏng xước tranh, thậm chí có những lần đã bị mất tranh, họa sĩ nào dễ tính thì không kêu ca gì, không ai bắt đền. Có người thì ý kiến về chuyện tổn thất tranh. Bản thân tôi cũng bị mất tranh trong Triển lãm.
NSND Vương Duy Biên – Nguyên Thứ trưởng bộ VH,TT&DL. |
Chuyện bị xước tranh xảy ra là vì chúng ta hoạt động còn nghiệp dư. Công tác vận chuyển vẫn còn chưa chuyên nghiệp, chúng ta vẫn thuê công ty vận chuyển hàng hoá mang tranh đi, vô hình trung, họ cũng coi tranh là một loại hàng hoá, người công nhân vận chuyển họ không quan tâm bên trong hộp là cái gì, họ coi là một thùng hàng nên họ ném xuống, nếu tác phẩm có khung kính, kính vỡ đâm vào mặt tranh thì xót xa lắm. Việc trưng bày tranh cũng không có nơi chuyên nghiệp nào nhận. Nhiều BTC thuê người treo tranh thì họ làm nhiều nghề khác nhau, họ không biết giá trị của tranh. Các hoạ sĩ không ai tham gia mua bảo hiểm cho tranh, nếu có sự cố, không ai chăm sóc tác phẩm của mình, ai đền khi tác phẩm bị hỏng?”.
“Địa điểm treo tranh thì cũng là nơi làm nhiều sự kiện khác như hội chợ, chương trình ca nhạc nên tranh bị ảnh hưởng, người dọn dẹp vệ sinh đã quét và vẩy sơn lên tranh, khiến cho tranh bị hư hỏng, không ai kiểm soát, đó là điều đáng tiếc tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020. Tôi cho rằng, BTC Triển lãm phải quan tâm hơn nữa ở khâu tổ chức, chứ không phải tìm chỗ treo tranh rồi để đấy...” – Họa sĩ Phan Cẩm Thượng bộc bạch.
PGS.HS. Lê Anh Vân – Uỷ viên Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành Hội họa, hội Mỹ thuật Việt Nam cho hay: “Giống như các cuộc Triển lãm khác, tác phẩm được gửi đến được lựa chọn qua nhiều vòng. Chúng tôi chấm giải qua phiếu của Hội đồng. Chất lượng tranh năm nay khá đồng đều. Việc đáng tiếc ở Triển lãm lần này là không mong muốn, hy vọng rằng các năm tiếp theo, BTC sẽ có cách làm mới hơn, và không có sự đáng tiếc nào nữa”.
Chia sẻ với PV ĐS&PL, NSND Vương Duy Biên – Nguyên Thứ trưởng bộ VH,TT&DL, thành viên Hội đồng chấm giải Triển lãm cho hay: “Việc có tranh xước ở Triển lãm là điều đáng tiếc, tôi còn nhớ lần Triển lãm trước còn có tác phẩm điêu khắc bị gãy và vỡ. Về nguyên tắc, nếu vận chuyện bị gãy vỡ là phải đền. Việc kiện hay đền phụ thuộc vào thoả thuận giữa tác giả và BTC. Chúng ta đang lúng túng ở địa điểm trưng bày, khi chúng tôi đến chấm giải, chấm xong lại dọn bê tranh đi nơi khác trưng bày. Có một bất cập, các triển lãm mỹ thuật hiện nay thiếu một không gian chuyên nghiệp, nơi chuyên trưng các tác phẩm nghệ thuật. Hiện nay ở Trung tâm triển lãm Văn hoá, Nghệ thuật VN (Triển lãm Vân Hồ) – nơi được coi triển lãm chuyên nghiệp nhưng cũng chưa có không gian riêng cho mỹ thuật. Hôm nay có thể tổ chức triển lãm về nông nghiệp, mai lại có thể triển lãm về công nghiệp, thời trang được.
Hy vọng thời gian sắp tới sẽ xây dựng được một Trung tâm triển lãm dành riêng cho mỹ thuật, để nâng cao giá trị mỹ thuật. Ở nước ngoài việc triển lãm mỹ thuật chuyên nghiệp đến từ hệ thống chiếu sang, tường treo tranh, không gian để tượng điêu khắc. Giá trị mỹ thuật đi vào đời sống, từ các làng bích họa, làng điêu khắc... mà lại không có nơi trưng bày triển lãm thì quá tiếc”.
Họa sĩ và BTC nên ngồi lại làm việc với nhau Nhà điêu khắc Phạm Văn Minh cho hay: “BTC nói có 5 tác phẩm bị hỏng xước nhưng theo như tôi quan sát có 21 tác phẩm bị tác động ngoại lực, nhẹ thì dính xốp hạt, nặng thì cầy xước mặt tranh, thậm chí vỡ... Các tác giả có tranh bị tổn thất ở Triển lãm nên ngồi lại, làm việc với BTC xem mức độ hư hỏng của tranh thế nào. Nên công khai ngồi giải quyết với nhau một lần cho dứt chưa không nên lên các diễn đàn, mạng xã hội chỉ trích BTC. BTC sai thì phải xin lỗi, hai bên phải thoả thuận với nhau xem thế nào. Là một người làm nghề, đúng là nhìn thấy tranh, tác phẩm điêu khắc bị như vậy tôi thấy buồn và tiếc”. |
Lạc Thành
Bài viết được đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (49)