(ĐSPL) - Nhiều người đi đánh cá đêm cho hay, không ít lần thuyền của họ bị chòng chành tưởng như sắp lật bởi sức quẫy của những con cá khổng lồ trong hồ Cấm Sơn.
Chuyện khó tin về những con cá khổng lồ
Bao đời nay, người dân bốn xã Hộ Đáp, Sơn Hải, Cấm Sơn, Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) coi nguồn thủy sinh ở hồ Cấm Sơn là một phần quan trọng của cuộc sống. Lưới vương, lưới chùm, vó, rọ tôm, thuyền nan, thuyền máy và cần câu cá là những vật dụng không thể thiếu trong các gia đình nơi đây.
Có nhà thì thi thoảng đánh bắt cá tôm để cải thiện bữa ăn. Có gia đình thì lại coi đây là nguồn sống, đánh bắt cá quanh năm để kiếm kế mưu sinh.
Những người mưu sinh trên lòng hồ Cấm Sơn. |
Hồ Cấm Sơn có diện tích khoảng 2.700ha. Đã có thời kỳ nơi đây là hồ thực phẩm lớn, cung cấp nguồn cá cho khắp vùng Bắc Giang và các tỉnh lân cận. Kể từ thời điểm hồ thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp Thủy sản Lạng Giang (đơn vị này trước đây đóng ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang - PV), chuyện về những con cá khổng lồ lúc nào cũng là đề tài nóng hổi.
Tính đến thời điểm hiện tại, con cá giữ vị trí “quán quân” về trọng lượng đã sa lưới ngư dân là con cá mè nặng 54kg được công nhân của Xí nghiệp Thủy sản Lạng Giang bắt năm 1994. Thời đó, chiếc đuôi của con cá này còn được một người dân trong vùng mua về và đóng làm vật trang trí trên cánh cửa nhà. Đuôi xòe to như cánh quạt và nếu nó căng hết cỡ thì rộng chừng 50cm.
Thời gian gần đây, do ngày càng có nhiều người đánh bắt, thiết bị đánh bắt cũng hiện đại hơn nên hồ Cấm Sơn không còn nhiều cá to. Những con cá to mà người dân bắt được cũng chỉ trên dưới 20kg.
Đến nay, người dân ở xã Cấm Sơn vẫn chưa thể quên được câu chuyện về một con cá khổng lồ, ước lượng nặng gần 100kg bị lọt lưới của xí nghiệp cá. Trước đây, năm 1996, con cá có phần lưng đen bóng, vảy to, bóng, dài cả mét này đã lọt vào chuồng ngâm dưới lòng hồ. Vì sợ chuồng không chịu được sức nặng và sức bật của “thủy quái” nên những người có mặt lúc đó quyết định không nhấc chuồng lên mà đi lấy súng để bắn cá.
Khi người dân chạy đi lấy súng chưa về kịp thì con cá đó đã phá được chuồng và trốn thoát. Nhiều năm về sau, người ta vẫn tin rằng, con “thuỷ quái” ấy vẫn tồn tại và là chúa tể ở lòng hồ Cấm Sơn. Nhiều người đi đánh cá đêm cho hay, không ít lần thuyền của họ bị chòng chành tưởng như sắp lật bởi sức quẫy của một hay một số con cá khổng lồ nào đó.
Theo những người dân nơi đây, khoảng tháng 4, tháng 5 là thời điểm nhiều cá nhất trong năm vì thường xuyên có mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về nhiều. Các loại cá lại tức trứng nên thường nổi lên hoặc dạt vào bờ dày đặc. Kinh nghiệm của những người dân trong vùng cho thấy, nơi có nhiều cá to là khu vực của thôn Ao Vường (xã Cấm Sơn). Bất kể ngày hay đêm, làng trên xóm dưới ùn ùn kéo nhau đi đánh cá.
Ban ngày, người dân thường đánh cá theo kiểu úp lưới. Khi đêm xuống, thông thường người dân sẽ thả lưới hoặc dùng kích điện. Thời điểm này, mặt nước yên lặng, cá thường vào bờ kiếm ăn. Chỉ cần một chiếc thuyền độc mộc dài chừng 3m, rộng khoảng 1m cùng với vài nắm cơm là hai người có thể lênh đênh dưới lòng hồ cả đêm để săn cá.
Trong những cuộc mưu sinh đó, không ít người đã may mắn bắt được những con cá nặng hàng chục kg. Cách đây khoảng hai chục năm, việc người dân bắt được cá trên dưới 10kg là chuyện cơm bữa ở Cấm Sơn. Còn những con cá nặng khoảng 20-30kg thì hiếm hơn. Nhưng cứ khoảng hai tháng người ta lại bắt được con cá to như thế.
Một đêm trong lòng hồ
Theo chân anh Vi Văn Sáu, một người dân thôn Cấm, chúng tôi háo hức vi hành lòng hồ. Đêm về dù là mùa hè nhưng hơi nước và hơi sương vẫn khiến người không quen thức đêm như chúng tôi cảm thấy lành lạnh.
Chiếc thuyền nổ máy đi khá xa bờ. Phía bên kia, ánh đèn của các thuyền đánh cá đêm cũng đang nhấp nháy. Chúng tôi trở nên thật nhỏ bé giữa một vùng sóng nước bạc trắng. Trên đất liền, điện nhà ai vẫn leo lét từng đốm nhỏ thưa thớt, tiếng chó sủa vọng lại buồn hiu hắt. Đi được đoạn xa, anh Sáu lấy chiếc lưới ba lớp dài vài chục mét tung ra quây trọn một góc để chờ luồng cá đi vào.
Theo kinh nghiệm, anh Sáu nói, phải đánh cá vào ban đêm mới hiệu quả vì các loài cá trắm, chép, mè… thường “ngủ ngày cày đêm”. Đang nói chuyện, thấy lưới động mạnh, anh Sáu bèn đẩy thuyền ra xa và nhấc lưới, một chú cá chép chừng 2kg vừa bị vướng vào lưới. Ít phút sau, chú đã nằm trọn trong khoang thuyền…
Những người đi đánh cá đêm phải là những người dạn dày kinh nghiệm về sông nước. Bởi nếu không thạo địa bàn thì thuyền sẽ đâm vào đảo hay các bụi tre giữa hồ và lật úp ngay. Có hôm đang đi thì thuyền hỏng máy, giữa mênh mông chẳng biết nhờ cậy ai, nhiều người đành căng bạt trên thuyền ngủ một giấc đến tận sáng.
Lại thêm nguy hiểm luôn rình rập, khi mưa bão, sóng to gió lớn, sấm sét đùng đoàng không về nhà được, họ phải cho thuyền dạt vào bờ, úp chiếc thuyền xi măng nhỏ xuống để chui vào trong ngủ. Cũng có đêm trời rét căm căm, lưới bị mắc vào khúc gỗ, các ngư dân lòng hồ phải lặn xuống nước mà gỡ, lên thuyền thì mình mẩy run bần bật…
Câu chuyện về những chuyến đánh cá đêm cứ lan man cho đến gần sáng. Khi thuyền trở về nhà cũng là lúc trong khoang thuyền của anh Sáu được gần chục cân cá. Anh Sáu nhanh chóng quay thuyền về để vợ kịp buổi chợ sớm.
THANH PHONG
Xem thêm video:
[mecloud]SFZBXZsbTy[/mecloud]