Những tưởng đã qua mắt được cơ quan pháp luật để yên vui với gia đình mới, Trần Thị Sáu bất ngờ bị bắt giữ để điều tra hành vi giết con ruột hơn 20 năm trước.
Bản án lương tâm
Là người từng tham gia bào chữa rất nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhưng có lẽ vụ án mẹ giết con rồi bỏ trốn, sau 22 năm mới bị bắt khiến luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đau đáu hơn cả.
Nhắc lại vụ án, giọng vị nam luật sư hơi chùng xuống. Luật sư Thơm cho biết, Trần Thị Sáu (SN 1969) sinh ra ở vùng quê nghèo huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây cũ, nay là TP.Hà Nội. Năm 1991, Sáu lấy chồng rồi lần lượt sinh hạ 2 cô con gái khỏe mạnh.
Thế nhưng cuộc sống của gia đình Sáu không hạnh phúc bởi người chồng ham chơi bời, lười lao động và không quan tâm đến vợ con khiến Sáu nhiều lần nghĩ quẩn.
Nước mắt người mẹ sau 22 năm sát hại con ruột. |
Một buổi sáng định mệnh ngày 01/4/1996, Sáu như người mất hồn lững thững dắt 2 con đi chơi, thăm thú hết tất cả các gia đình họ hàng ở trong thôn.
Mọi người tuy thấy lạ nhưng không sao đoán biết được trong đầu Sáu lúc này đang nảy sinh những suy nghĩ độc ác: Tự tay Sáu sẽ đầu độc các con rồi tự tử để mẹ con cùng chết. Lý do là Sáu cảm thấy cuộc sống quá bế tắc, chỉ có cái chết mới mong thoát khỏi địa ngục trần gian này.
Không một xu dính túi, Sáu hỏi vay của người hàng xóm 4.000 đồng rồi đi mua 2 gói thuốc chuột, 10 gói thuốc tẩy sán heo, 2 chiếc bánh nướng và 1 chai nước cam. Ba mẹ con Sáu cứ đi mãi, đi mãi tới khi trời nhá nhem tối thì dừng lại ngồi nghỉ trên đê Trung Hòa.
Tại đây, Sáu xé 2 gói thuốc chuột đổ vào chai nước cam, lắc đều lên rồi đưa cho các con uống. Dắt các con đi thêm được một đoạn, người đàn bà này tiếp tục đổ hết số thuốc sán heo vào nửa chai nước cam còn lại rồi uống hết. Cả ba ngấm thuốc rồi mê man, bất tỉnh.
Đến 23h30 cùng ngày, lực lượng công an xã Trung Hòa đi tuần tra qua khu vực đó, phát hiện sự việc nên đưa Sáu đi cấp cứu. Tuy nhiên, lúc này 2 cháu nhỏ đã tử vong.
Nước mắt người mẹ sau 22 năm gây án
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết: Khi vụ án đang trong quá trình điều tra, do sức khỏe còn yếu nên Sáu được cơ quan điều tra cho tại ngoại. Tuy nhiên, do lo sợ sự trừng phạt của cơ quan chức năng, sợ sự bàn tán của bà con lối xóm nên lợi dụng lúc mọi người không để ý, Sáu đã bắt xe bỏ trốn khỏi quê hương. Người đàn bà tội lỗi này lưu lạc từ Hà Tây vào tận Lâm Đồng. Tại đây, Sáu giấu biệt tên tuổi và thân phận của mình, cắt đứt mọi liên lạc với người thân, xin vào làm thuê cho một quán phở.
Quá trình lẩn trốn, Sáu gặp được 1 người đàn ông quan tâm, có tình cảm với mình nên đã dọn về sống chung như vợ chồng và sinh được 2 người con trai. Cuộc sống ở vùng đất mới cũng chật vật không kém, Sáu cũng phải bươn chải đủ thứ nghề để kiếm sống.
Rồi người chồng thứ hai cũng qua đời do bệnh tật. Cuộc sống cứ thế trôi đi, Sáu cứ nghĩ mình đã thoát khỏi sự truy đuổi của cơ quan chức năng, sống yên ổn với gia đình mới. Bất ngờ, vào ngày 2/2/2018, Trần Thị Sáu cũng như những người hàng xóm vô cùng bất ngờ khi lực lượng công an đọc lệnh bắt mình theo lệnh truy nã từ năm 1996.
Bị cáo Trần Thị Sáu tại tòa. |
Luật sư Nguyễn Anh Thơm vẫn nhớ vẻ ân hận, sám hối thể hiện trên khuôn mặt khắc khổ của người mẹ bị cho là “hổ dữ”. Tại phiên tòa sơ thẩm, người phụ nữ này khai phải chịu rất nhiều áp lực do không sinh được con trai để nối dõi cho gia đình nhà chồng. Thêm vào đó, chồng bị cáo bỏ bê, hắt hủi, không quan tâm tới con cái. Mâu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu lại ngày càng trầm trọng nên bị cáo nhiều lần có ý định muốn tự tử.
Luật sư cảm thấy rất đau lòng vì hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, chỉ vì suy nghĩ thiển cận của người mẹ mà 2 cháu bé đã bị chết oan uổng. Với trọng trách của người bào chữa, luật sư Thơm cho rằng bị cáo bị trầm cảm sau sinh, cộng với hoàn cảnh gia đình ngặt nghèo nên mới có hành vi giết con. Khi ra tòa, cả luật sư và bị cáo đều xin tòa cho bị cáo được hưởng mức án tù nhẹ nhất có thể để sớm về lo cho 2 con trai.
Luật sư Thơm cho biết, đứng lầm lũi trước công đường ngày hôm đó, bị cáo Sáu tỏ ra day dứt, ân hận khi đã tước đoạt mạng sống của những đứa con vô tội. Trong lời nói sau cùng, nữ bị cáo xin HĐXX cho được hưởng lượng khoan hồng để có cơ hội sớm trở về nuôi dạy 2 người con còn lại. Nhưng ước nguyện của người phụ nữ trót “nhúng chàm” khó thành hiện thực bởi hình phạt có thể là nghiêm khắc nhất đang chờ Sáu phía trước.