+Aa-
    Zalo

    Trần tình số tiền gần 800 triệu: Có "chi sai" nhưng không "bớt xén"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hai vị lãnh đạo vừa bị đình chỉ công tác để xử lý kỷ luật cho rằng, số tiền chi sai là phục vụ nhu cầu hoạt động, "quan hệ" của trung tâm, không phải bớt xén.

    Trước những sai phạm của Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội và phó Giám đốc đã được đoàn thanh tra Sở LĐTB&XH chỉ rõ, phóng viên Báo PLVN đã có cuộc trò chuyện với hai vị lãnh đạo vừa bị đình chỉ công tác để xử lý kỷ luật. Hai người này cho rằng, số tiền chi sai là phục vụ nhu cầu hoạt động, "quan hệ" của trung tâm, nhu cầu của các đối tượng, không phải “bớt xén”.

    Theo trần tình của ông Nguyễn Xuân Phú, nguyên Giám đốc Trung tâm BTXH Nghệ An (đóng tại xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương, Nghệ An), năm 2002, ông về nhận công tác với vai trò là Giám đốc Trung tâm. Thời điểm đó cơ sở vật chất còn chưa có gì, hoang tàn, xuống cấp.

    Ông Phú cho hay, Trung tâm xây dựng từ năm 1977, điều kiện cơ sở vật chất quá nghèo nàn, xuống cấp trầm trọng, hư hỏng nặng, tiền mua sắm, sửa chữa nhiều dẫn đến nguồn thiếu hụt nên lấy bên này đắp bên kia để trang trải chi tiêu mua sắm, chi phí đối nội đối ngoại và phục vụ công tác, mà công tác nguồn tự chủ hạn chế nên thiếu hụt. 

    Các đối tượng chăm sóc tại Trung tâm BTXH Nghệ An

    “Trong năm 2011 từ tháng 6 đến tháng 11 hết nguồn tự chủ, nên việc chi tiêu công tác phí cho anh em hết nguồn, là người lãnh đạo tôi phải suy nghĩ làm như thế nào để chi trả nguồn công tác cho đội ngũ cán bộ. Phải vận dụng những khoản thu chưa cần thiết để phục vụ những khoản thu cần thiết trước.

    Tôi đã chi cho việc "quan hệ" đối nội đối ngoại, "gọi nguồn” về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

    Ngoài ra, việc đi “quan hệ” đối nội đối ngoại, chỗ này chỗ kia cũng xuất phát từ nhu cầu khó khăn của cơ quan. Trong số tiền 538 triệu đồng thì số tiền chi trả cho công tác phí cho anh em đi công tác hơn 140 triệu có chứng từ hóa đơn chứng minh. Còn số tiền còn lại phục vụ cho mục đích xây dựng phát triển trung tâm thì tôi đã chi cho việc quan hệ “đối nội đối ngoại”, "gọi nguồn” về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất”, ông Phú chia sẻ.

    Một số chứng từ hóa đơn công tác phí ông Phú cho rằng đã là thâm hụt nguồn quỹ dẫn đến việc chi sai ngân sách

    Ông Phú cũng cho rằng số tiền bị thâm hụt nguồn quỹ của Trung tâm cũng từ nhiều khoản chi ngoài nguyên tắc như sinh hoạt đoàn thanh niên, sinh hoạt ngày 8/3, sinh hoạt công đoàn, tết trung thu… Dù biết khó khăn nhưng để anh chị em biết là ban lãnh đạo quan tâm nên cũng đã chi thâm hụt vào tiền ngân sách.

    “Có lần đi Hà Nội xin cơ sở vật chất là giường inox khoảng 600 triệu để cho các đối tượng sinh hoạt có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng mất vài ba đợt gì đó, khi về cũng phải có chút quà gọi là “tình cảm”, tôi đã chi hết khoảng 30 triệu. Đối với số hơn 538 triệu đoàn thanh tra kết luận tôi có trách nhiệm phải bồi thường lại. Khi dư luận xã hội trên facebook và cơ quan báo chí có người hiểu được là do ngân sách không có nên đã chi sai, cũng có người không hiểu thì cho tôi là tư túi cá nhân”, ông Phú nói.

    Bữa cơm đã được cải thiện sai khi sai phạm tại trung tâm được làm rõ

    Đối với việc lấy tiền trang cấp sang để chi cho việc công tác phí và công tác phí, theo ông Phú nếu lấy một lúc từng đó tiền thì không bao giờ có. Nhưng từ năm 2011 đến 2015 theo từng thời điểm một thì số tiền đó không lớn mà chỉ là phục vụ cho anh em hoạt động.

    “Trong đó, có những khoản thu mà ngân sách không có như khi có người trong trung tâm bỏ trốn thì cũng phải có nguồn để huy động tìm kiếm, rồi cũng phải có cốc nước cho anh em uống động viên anh em và các đơn vị phối hợp khác”, ông Phú cho biết thêm.

    Bà Phương cho rằng một số tiền đã tự ý chi sai vì mặt tình cảm phục vụ nhu cầu sinh hoạt các đối tượng

    Bà Nguyễn Thị Thu Phương nguyên Phó giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội cho biết, “Đối với kết luận của thanh tra số tiền hơn 240 triệu tôi phải chịu trách nhiệm, tôi không phủ nhận việc sai phạm của mình dẫn đến việc chi sai trong quá trình công tác tại Trung tâm. Nhưng cũng có những khoản tôi đã giải trình với đoàn thanh tra, như về mặt nguyên tắc thì không được chi tiền cho đối tượng khi các đối tượng không ăn sáng.

    Nhưng về mặt tình cảm, thì một số đối tượng là chị em phụ nữ trong trung tâm không ăn sáng xin được lấy tiền để mua một số vật dụng phục vụ nhu cầu vệ sinh cá nhân tôi không thể không cho. Ngoài ra, số đối tượng là người già, không ăn sáng tại trung tâm, họ xin được nhận số tiền ăn sáng theo chế độ để mua gói mì tôm, ăn bánh mướt hay gì đó, tôi cũng không thể không cho…”.

    Bà Phương lý giải đã chi tiền ăn sáng cho các đối tượng mua đồ dùng cá nhân có ký nhận

    Theo bà Phương thì từ 2011 đến 2013 số tiền chi cho các chị em, người già không ăn sáng mà nhận tiền lên đến 67 triệu đồng có sổ ghi nhận của các đối tượng. “Đối với số tiền 113 triệu đồng bị thu hồi lại mà theo kết luận là “khai khống” số lượng người ăn thì năm 2013 có đợt thanh tra, kiểm tra tại trung tâm con số đăng ký sinh hoạt là 248 đối tượng, nhưng thực tế có 130 đối tượng có mặt.

    Lý do vì một số đối tượng đã xin phép về nhà, ngày thì ăn tại trung tâm, ngày ăn cơm ở nhà nhưng không tiến hành báo cắt cơm tại nhà bếp, nên tôi vẫn mua thức ăn và nhà bếp vẫn tiến hành nấu ăn theo số lượng người đăng ký tại trung tâm...” (?).

    Bà Phương cũng thừa nhận chi sai số tiền hơn 7 triệu đồng tiền bưu phẩm người nhà gửi lên, nguyên tắc không được trừ vào tiền chu cấp nhu yếu phẩm của các đối tượng.

    Bản tường trình cho rằng mình không "bớt xén" của bà Phương

    Trước đó, như Báo PLVN đã đưa, đoàn kiểm tra Sở LĐTB&XH Nghệ An đã chỉ ra những sai phạm của Giám đốc Trung tâm ông Nguyễn Xuân Phú và bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm BTXH Nghệ An tại báo cáo số 2779. Theo đó, từ năm 2013-2014 Trung tâm đã lập hồ sơ, chứng từ, mua các mặt hàng trang cấp của đối tượng, thực tế mua với số lượng ít, kê khống các mặt hàng với số tiền hơn 538 triệu đồng.

    Bà Nguyễn Thị Thu Phương với nhiệm vụ tiếp phẩm, kho, quản lý tiền cấp phát trợ cấp cho đối tượng đã vi phạm, không cấp đủ chế độ ăn hàng ngày cho đối tượng từ năm 2011 đến tháng 8/2015 là gần 220 triệu đồng.

    Bữa cơm trưa tại khu điều trị các đối tượng tâm thần nặng tại Trung tâm

    Ngoài ra, đối với số tiền, quà của các đoàn từ thiện, từ năm 2011 đến 2015 sử dụng còn thiếu là hơn 6,7 triệu đồng. Kết quả báo cáo cũng nêu rõ, từ năm 2014 đến tháng 6/2015 số tiền chênh lệch về chế độ ăn của 9 đối tượng là hơn 12 triệu đồng. Tổng số tiền sai phạm các nội dung tố cáo theo đơn thư là hơn 780 triệu đồng.

    Sau khi có kết luận của đoàn thanh tra, ngày 12/10/2015 ông Nguyễn Xuân Phú và bà Nguyễn Thị Thu Phương đã nộp số tiền sai phạm vào quỹ cơ quan còn thiếu hơn 5 triệu đồng. Ngày 3/11, Sở LĐTB&XH có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Xuân Phú và bà Nguyễn Thị Thu Phương. Hiện vụ việc đang chờ hội đồng kỷ luật Sở LĐTB&XH tiến hành xử lý, đồng thời Sở này cũng đã gửi hồ sơ lên cơ quan CSĐT Công an Nghệ An tiếp tục xem xét xử lý.

    Hiện nay, vụ việc đang được cơ quan điều tra xem xét hồ sơ. Dư luận vẫn rất quan tâm liệu số tiền 800 triệu đồng có bị ông Phú và bà Phương tư lợi cá nhân đồng nào? Động cơ dẫn đến sai phạm trên là gì?...

    Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

    Theo Pháp luật Việt Nam

    Xem thêm video Tin tức:

    [mecloud]xygU8q9ZXE[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tran-tinh-so-tien-gan-800-trieu-co-chi-sai-nhung-khong-bot-xen-a118750.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.