+Aa-
    Zalo

    Trấn lột, hành hung, lừa khách du lịch: Đừng để "con sâu" làm xấu du lịch VN!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Du lịch Việt Nam đang bị xấu đi vì những hành động không đẹp xuất phát từ kiểu làm ăn chộp giật của một số đối tượng....

    (ĐSPL) -  Thực trạng "chặt chém", chèo kéo, đeo bám, làm ăn chộp giật tại các  khu du lịch, thành phố lớn… như những "con sâu" đang làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam dưới con mắt du khách nước ngoài.

    [mecloud] D3G5GlkVeR[/mecloud]

    Từ lâu, nạn "chặt chém", đeo bám, chèo kéo du khách đã là chuyện thường ngày ở các điểm du lịch, nhất là vào dịp cao điểm như lễ, Tết, nghỉ hè, mùa lễ hội đầu năm, khi lượng khách trong và ngoài nước tăng vọt. Mùa lễ hội năm nay cũng không phải là ngoại lệ. "Muôn hình, vạn trạng" cách thức "chặt chém" đã được người dân bản địa tung ra khiến du khách tá hỏa.

    Xích lô “dù” trấn lột du khách

    Minh “đen” (áo trắng) và Long “già” chặt chém hai du khách trên đường Lê Lợi, Q.1, TP.HCM ngày 20/6 - Ảnh:Tuổi trẻ

    Trưa 23-6, thấy một du khách nữ lòng vòng quanh chợ Bến Thành, lập tức Hùng “móm” đẩy xích lô bám theo nắm tay du khách nữ chèo kéo, mời mọc. Cuối cùng Hùng “móm” đưa được “con mồi” lên xe.

    Hùng “móm” chở khách từ cửa đông chợ Bến Thành qua đường Lê Lai rồi dừng lại ở ngã tư Tôn Thất Tùng - Phạm Ngũ Lão, quãng đường dài khoảng 1,2km. Khoảng 10 phút sau, gã nhanh nhảu nhảy xuống kéo chiếc xe lên vỉa hè, đoạn sát công viên 23-9 - địa điểm mà Hùng “móm” thường giở trò “chặt chém” khách nước ngoài vì ít người qua lại.

    Tại đây, Hùng “móm” liên tục khua tay thông báo cho khách số tiền phải trả. Khách không đồng ý, Hùng liền thò tay vào cái bóp mà khách đang cầm, giật tiền rồi thản nhiên cho vào túi quần, vội vàng leo lên xe chạy thẳng về đường Hàm Nghi, để mặc du khách nữ này đứng ngớ người bên đường.

    Nữ du khách này có tên là Lucy, quốc tịch Úc, đến TP.HCM du lịch. Lucy kể trước khi lên xích lô, cô thỏa thuận giá tiền là 20 USD (khoảng 420.000 đồng), nhưng Hùng “móm” lại giật của cô 200 USD (hơn 4 triệu đồng). Lucy bức xúc: “Ông ta còn thò tay vào giật tiền trong túi xách. Tôi rất bất ngờ và giận dữ”.

    Ngày 25/6, Hùng “móm” cùng đồng bọn chở cặp vợ chồng người Úc cùng hai con nhỏ từ chợ Bến Thành đến cổng hội trường Thống Nhất (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1). Xuống xe, Hùng “móm” và đồng bọn cũng vạch bóp của khách lấy mỗi người 50 USD. Khi hai vị khách người Úc khua tay đòi lại tiền thì Hùng và đồng bọn nhoẻn miệng cười rồi chạy mỗi người mỗi ngả.

    “Đây là lần đầu chúng tôi đến Việt Nam nên cũng không rành về giá cả. Chúng tôi cảm thấy mất vui vì không nghĩ họ lấy tiền cao như vậy” - người chồng than thở.

    Một trường hợp khác là ngày 25/6, bốn du khách lên bốn xe xích lô rảo quanh các khu vực chợ Bến Thành, hội trường Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà. Lúc đang chạy trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, Minh “đen” quay lại nháy mắt với đồng bọn phía sau rồi vung bàn tay trái chém mạnh như ra hiệu chuẩn bị “làm thịt” du khách.

    Lúc tính tiền trong một quán cà phê, nhóm Long “già” và Minh “đen” cầm tờ bản đồ gí vào mặt du khách và nói số tiền phải trả. Cãi vã, giằng co bắt đầu xảy ra. Những tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng liên tiếp bị nhóm xích lô giật một cách thô bạo từ tay du khách. Không dừng lại, bốn gã đạp xích lô tiếp tục quát: “More, more...” (đưa thêm nữa).

    Bức xúc, một nam du khách trong nhóm đập mạnh tay xuống bàn, đưa ánh mắt nhìn trừng trừng vào những tay trấn lột. Lúc này, bốn tay xích lô mới hết đòi tiền.

    Nhóm du khách bị trấn lột là người New Zealand, họ cho biết bị “chém” 6 triệu đồng, gồm cả tiền Việt Nam và USD. “Chúng tôi mới đến TP.HCM. Thấy phương tiện xích lô thú vị nên chúng tôi đi thử, không ngờ lại xảy ra chuyện như vậy” - một vị khách nam nói.

    Vị khách nữ trong nhóm kể: “Bốn người đạp xích lô ban đầu có vẻ rất thân thiện, còn hướng dẫn chỗ mua thẻ nhớ máy ảnh, cho biết một số địa danh nổi tiếng của thành phố như Bảo tàng TP.HCM, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, bến Bạch Đằng... nhưng đến khi lấy tiền thì thay đổi thái độ ngay tức khắc”.

    Báo Tuổi trẻ thông tin thêm, băng xích lô dù này có khoảng 10 đối tượng, chọn địa bàn xung quanh chợ Bến Thành làm nơi hoạt động chính. Mỗi người một xích lô mới nhưng ăn mặc xộc xệch, không đeo bảng hiệu của đơn vị nào.

    Vào buổi sáng, nhóm này thường tụ tập ở đầu đường Lê Lai, Lê Lợi, gần vòng xoay Quách Thị Trang hoặc các cửa chợ Bến Thành chờ khách. Mỗi khi gặp khách làm căng, nhóm này chạy xe vào đường Nguyễn Duy Ninh, Hàm Nghi... để lẩn tránh. Thời gian hoạt động của nhóm xích lô “dù” từ 8g đến 17g. Khi hoạt động, nhóm này thường dùng một tấm vải để che biển số xe xích lô lại.

    Phản ánh cân hải sản thiếu, 3 nữ du khách bị đánh rách mặt

    Vết thương trên người chị Nguyễn Thị Mỹ H (ảnh do gia đình chị H cung cấp). Ảnh: Tuổi trẻ.

    Theo tin tức trên báo Tuổi trẻ, vào chiều ngày 27/6, chị Nguyễn Thị Mỹ H (23 tuổi) và gia đình gồm 12 người từ Đồng Nai đi thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) du lịch cuối tuần.

    Chị Hòa và hai phụ nữ khác trong đoàn là Nguyễn Thị Thùy D và Võ Thị Đ cùng đi mua hải sản tại khu vực ven biển xã Tân Tiến. Khi đang mua hàng, 3 khách hàng này phát hiện, hải sản bị cân thiếu nên phản ảnh với chủ bán hàng, liền bị một nhóm người bán hàng xông vào tấn công.

    Kết quả là chị Võ Thị Đ và Nguyễn Thị Thùy D bị đánh xây xát ở mặt. Chị H bị thương chảy máu ở vùng mặt và mang tai, hoảng loạn tinh thần và đã được đưa đến bệnh viện chữa trị vết thương.

    Báo VietNamnet cho hay, ngay sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan công an đã có mặt và làm việc với những người có liên quan.

    Sáng 28/6, cơ quan công an thị xã La Gi (Bình Thuận) đã xác định danh tính các đối tượng tấn công ba nữ du khách. Đồng thời tiến hành lập hồ sơ để xử lý những người này về hành vi “cố ý gây thương tích” và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hành vi gian lận thương mại thông việc cố ý cân thiếu khi bán hàng cho du khách.

    “Tôi không mong muốn được bồi thường gì, dù sao việc này cũng đã qua. Tôi chỉ mong chính quyền địa phương xử lý nghiêm minh những người hung tợn đó để không còn xảy ra chuyện tương tự như vậy nữa. Nếu không La Gi sẽ bị mất hình ảnh. Tôi chỉ mong sao tình trạng du lịch kiểu như vậy không có ở VN mình. Tôi bị đánh ra nông nỗi này là lần đầu tiên. Mong cho những người bán hàng đó đừng hung hăng như vậy nữa”, chị Mỹ Hòa chia sẻ trên báo Tuổi trẻ.

    Được biết, trong ngày 28/6, chị Mỹ Hòa đã về ở nhờ tại nhà người thân ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Chị Hòa cho biết cơ thể chị vẫn còn đau ê ẩm, phải uống thuốc và chưa thể đi làm lại ngay được.

    Mua cua 1,2 kg, luộc xong còn... 420 gram

    Con của 1,2 kg "biến hình" thành 400 gram và hóa đơn thanh toán của nhà hàng tại Khánh Hòa.

    Một du khách đi du lịch tại Nha Trang phản ánh:

    "Đến Nha Trang nghỉ mát trung tuần tháng 6 này, tôi đề nghị ông xích lô chở đến quán hải sản thường ăn ở đầu đường Tháp Bà, nhưng trên đường đi ông xích lô cứ tỉ tê thuyết phục chúng tôi "ăn ở Làng Chài một lần đi, vừa tươi ngon vừa rẻ".

    Mặc dù đã từ chối, nhưng suốt đường đi, ông xích lô kiên trì thuyết phục. Vì đã ăn nhiều lần ở quán quen thuộc, nên rốt cuộc chúng tôi đồng ý đến Làng Chài để ăn thử.

    Quán nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, trải dài trên một diện tích mặt bằng rất hoành tráng. Tôi gọi một số món và chọn một con cua buộc dây, cân thấy 1,2 kg. Giá 350.000 đồng/kg.

    Nhìn con cua khá bình thường, tôi nghĩ không đến trọng lượng này, nhưng vì quá thích món cua luộc, tôi tặc lưỡi cho qua. Khi nhân viên phục vụ bưng cua ra, tôi thắc mắc hỏi sao con cua 1,2 kg mà giờ lại thành con cua nhỏ xíu này, và yêu cầu cậu phục vụ vào bếp xem có nhầm không.

    Lát sau cậu phục vụ mang ra một con cua đã luộc khác, nhỏ y như con vừa mang ra trước đó, và con này lại còn bị óp. Một vết nứt rất to trên mai đã lộ ra phần thịt bị óp rọp sâu vào bên trong.

    Tôi tiếp tục thắc mắc thì cậu phục vụ nói không biết. Tôi đề nghị quản lý đến giải thích thì chị này tỏ vẻ khó chịu, nói rằng cua luộc nó nhẹ đi.

    Một số khách ngồi bàn bên cạnh cũng bức xúc, hỏi người quản lý này: Con cua người ta mua 1,2 kg mà con này làm gì tới nửa ký. Mọi người bảo tôi mang ra cân xem được bao nhiêu. Trước sự chứng kiến của quản lý và các nhân viên khác, tôi mang con cua đã luộc lên chính chiếc cân của họ.

    Kết quả: Con cua đã luộc chỉ nặng 400 gram!

    Tôi hỏi thì quản lý giải thích, cua luộc bị hao đi và phần nặng thiếu là do... sợi dây.

    Tôi không chấp nhận việc bỏ tiền ra mua một con cua nặng 1,2 kg để rồi cuối cùng thực chất chỉ để ăn được con cua nặng chỉ 420 gram, phải trả tiền cho 780 gram sợi dây và hao phí khi luộc!

    Tính ra sợi dây nặng gần gấp đôi con cua. Nếu tính theo đơn giá 350.000 đồng/kg thì tôi phải trả 420.000 đồng cho một con cua thực chất chỉ có 4 lạng 2!

    Tôi yêu cầu nhà hàng phải tính lại giá để khách không bị thiệt thòi, thì quản lý nhất định không chịu, với lý do: "Hồi nãy cân chị nhìn thấy cua buộc có dây, bên em không ép chị mua".

    Tôi gọi cho số điện thoại của đường dây nóng Trung tâm Xúc tiến du lịch Khánh Hòa và phản ảnh, thì được anh Luyện Mạnh Cường - giám đốc - cho biết, sẽ gọi cho các cơ quan chức năng xem giải quyết như thế nào và hứa sẽ gọi lại.

    Tuy nhiên, gần 30 phút trôi qua trong im lặng, tôi đành phải gọi lại cho anh Cường thì anh này cho hay "tôi vẫn đang liên hệ".

    Tôi gọi đến lần thứ ba, và bức xúc vì sao đường dây nóng khi khách hàng phản ảnh lại không có lực lượng nào xuống để giải quyết, thì anh Cường trả lời bây giờ chỉ có thể tiếp nhận rồi phản ảnh lại cơ quan chức năng, lực lượng quản lý thị trường không thể xuống, vì đã ngoài giờ hành chính và nếu xuống lại ngại lời qua tiếng lại (?!).

    Tôi chụp lại con cua đã luộc và hóa đơn, quay về địa chỉ của Trung tâm Xúc tiến du lịch Khánh Hòa viết ý kiến bức xúc của mình. Chị nhân viên cho biết, sẽ gửi thông tin này đến Chi cục Quản lý thị trường và hứa sẽ phản hồi kết quả cho tôi qua email.

    Xin nói thêm, trên đường đi, khi nghe chúng tôi bức xúc nói về vụ việc này, bác tài xế taxi bảo, dân tài xế đàng hoàng không ai dám chở đến Làng Chài, vì sợ khách chửi.

    Nhiều tay xe ôm, xích lô là “cò” dắt khách đến quán ăn này, tùy theo số lượng khách dẫn đến mà được chủ nhà hàng cho từ 50.000-200.000 đồng. Tất nhiên thông tin này chưa thể kiểm chứng, nhưng nhớ lại thái độ quá “nhiệt tình” của ông xích lô, chúng tôi cảm thấy không thể không nghi ngờ.

    Chúng tôi trở về Sài Gòn, và đến ngày 26/6 mới nhận được email của Trung tâm Xúc tiến du lịch Khánh Hòa gửi lại nội dung văn bản trả lời của Chi cục Quản lý thị trường Khánh Hòa.

    Trong bản trả lời có ghi: “Đội Quản lý thị trường số 1 đã tổ chức xác minh nội dung vụ việc. Qua làm việc, chủ kinh doanh quán Làng Chài, địa chỉ 205 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nha Trang là ông Võ Hoàng Sơn Hải, xác nhận phiếu tính tiền số 1304 là của quán.

    Việc khách mua cua sống còn dây buộc có số lượng cân là 1,2 kg với giá là 350.000 đồng, sau khi chế biến thành phẩm còn lại 0,42 kg là có thật.

    Theo bản tường trình của ông Hải và biên bản xác minh làm việc, ông Hải cho biết, khi cửa hàng mua cua để bán thì cua cũng được buộc dây, đến lúc bán vẫn còn dây buộc, dây khi ngâm nước rất nặng (dây buộc cua ngâm nước nặng 0,45 -0,5 kg: chủ cửa hàng đã thử nghiệm dây buộc cua còn sống khác trước sự chứng kiến của tổ kiểm tra, xác minh).

    Số hao hụt trọng lượng còn lại là do chế biến. Chủ quán cam kết việc đánh tráo cua là không có, còn việc thái độ bất hợp tác của chủ quán là do nhân viên có giải thích và hơi to tiếng với khách. Chủ quán đã tiếp thu và rút kinh nghiệm sửa chữa khuyết điểm này.

    Đội Quản lý thị trường số 1 đã tham khảo một số nơi chuyên cung cấp cua sống cho các nhà hàng, thì việc mua bán cua sống vẫn được buộc dây và giá cả được hai bên thỏa thuận.

    Như vậy, qua xác minh vụ việc chưa đủ cơ sở để xác định cơ sở kinh doanh này có hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa khi giao hàng cho khách hàng, người tiêu dùng”.

    Khách du lịch ngoại quốc bị ép mua dừa với giá "cắt cổ"

    Nhiều du khách nước ngoài đến TP.HCM trở thành miếng mồi cho một nhóm người giở đủ trò chèo kéo, ép mua dừa với giá “chặt chém”.

    Theo tin tức trên báo Tuổi trẻ, nhiều du khách nước ngoài đến TP.HCM trở thành miếng mồi cho một nhóm người giở đủ trò chèo kéo, ép mua dừa với giá “chặt chém”. Một trái dừa bình thường có giá 10.000 - 15.000 đồng. Nhưng qua nhóm buôn bán bất lương này, du khách bị ép trả với giá 50.000 -100.000 đồng/trái, thậm chí 200.000 đồng/trái.

    Theo điều tra của báo Tuổi trẻ, đội quân bán dừa ở khu vực trung tâm TP được tổ chức hoạt động chặt chẽ và kín đáo với thành viên là anh em trong nhà. Khi thấy khách lớ ngớ là phải bám theo ra dấu bằng cách giơ ngón tay. Ra dấu từ 1 - 5 ngón tay để khách nghĩ là 5 ngón tay là 5 USD, 1 ngón tay là 10 USD.

    Một lái xe cho một công ty du lịch chuyên chở khách nước ngoài tham quan, bức xúc cho biết nhóm bán dừa có gần 30 người bủa vây trên nhiều tuyến đường. Khi khách nước ngoài đi ngang, nhóm thanh niên liền bám sát chèo kéo mời gánh dừa để tạo dáng chụp hình. Tiếp đó, họ sẽ nhanh tay chặt dừa đưa cho khách mà không thông báo giá cả. Khách dùng xong trái dừa mới tá hỏa khi biết phải trả 150.000 - 200.000 đồng/trái. Trong một số trường hợp khách không chịu trả tiền thì bọn này sẵn sàng giật ví của khách, trắng trợn tự lấy tiền.

    Đại diện Công an P.6 (Q.3) cho biết để chấn chỉnh tình trạng chèo kéo, ép du khách nước ngoài mua dừa với giá cắt cổ trước Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, công an phường gần đây đã quyết liệt tuần tra xử lý hơn 10 trường hợp và khẳng định Thời gian tới, công an phường sẽ tiếp tục tuần tra xử lý triệt để tình trạng trên. Không chỉ du khách nước ngoài và du khách Việt Nam cũng là nạn nhân của thực trạng trên.

    Lời kết

    Báo Hà Nội Mới từng thông tin, nạn "chặt chém" đã tồn tại khá lâu, trở thành rào cản cho sự phát triển của ngành du lịch và cả du khách, các nhà quản lý ngành lẫn chính quyền địa phương. Thế nhưng phải đến khi Matt Kepnes viết trên blogg rằng: "Tại sao tôi không bao giờ trở lại Việt Nam?", trong đó kể về nạn "chặt chém", chèo kéo du khách nước ngoài trong một chuyến hành trình tới Việt Nam và bài viết được đăng trên tờ báo điện tử hàng đầu của Mỹ Huffington Post thì những người làm du lịch mới thấy chói tai. Thật buồn khi Matt Kepnes mở đầu bài viết: "Đến Đông Nam Á, mọi người thường hỏi tôi rằng "Bạn sẽ đi đâu?" và tôi nói "Khắp mọi nơi"… ngoại trừ Việt Nam". Sau đó là những điều anh kể ra trong chuyến du lịch ở Hạ Long, Hội An, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh và cho rằng: "Không ai muốn quay trở về một nơi mà họ cảm thấy bị đối xử kém. Khi tôi ở Việt Nam, tôi liên tục cảm thấy mệt mỏi, bị lừa gạt, tôi cảm thấy mình không được chào đón"…

    Mảnh đất "hình chữ S" luôn tự hào với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên được thế giới công nhận. Chúng ta luôn hãnh diện vì được du khách quốc tế biết đến là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện và mến khách. Có lẽ vì "ngủ quên" trên niềm tự hào, chỉ nhăm nhăm gặt hái theo kiểu mùa vụ mà chưa chú trọng đến việc nâng tầm chất lượng điểm đến, đồng thời biến tiềm năng đó thành thế mạnh đã khiến ngành du lịch phải trả giá và hậu quả là số du khách nước ngoài quay lại nước ta còn quá thấp. Câu chuyện của Matt là dịp để chúng ta nhìn lại mình.

    Đại diện một doanh nghiệp lữ hành đã đưa ra một hình ảnh ví von rất đáng để suy ngẫm: Chúng ta đang bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của để quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm mời gọi khách đến nhà. Thế nhưng khi khách đến thì nhà cửa bề bộn, môi trường nhân văn và sinh thái chưa thật sự "trong lành". Bởi thế không chỉ Matt mà nhiều du khách không muốn trở lại. Khi sự tò mò về một cái lạ qua đi, điều kéo người ta trở lại chính là sự thân thiện, văn hóa, hiếu khách của con người trong tiếp đãi. Có lẽ, không một ngành kinh tế nào được xã hội hóa mạnh như du lịch, nhưng lâu nay người ta tham gia vào ngành công nghiệp này mà không được đào tạo, không được cung cấp những kỹ năng cũng như được trang bị kiến thức cần có của người làm du lịch. Cách hiểu rất đơn giản là bán được càng nhiều hàng càng tốt chứ đâu biết được rằng, làm du lịch giống với việc tiếp khách. Chỉ một sự phật ý nhỏ có thể khiến khách không muốn đến nhà mình.

    Dưới góc độ của nhà quản lý, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thẳng thắn nhìn nhận, thực trạng "chặt chém", chèo kéo, đeo bám… như những "con sâu" đang làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam dưới con mắt du khách nước ngoài. Chúng ta mới chỉ làm du lịch theo kiểu quảng bá những thứ mình có chứ chưa quan tâm đến cái du khách cần. Chính vì vậy, hàng loạt vấn đề như "loạn giá", kinh doanh chụp giật, chất lượng dịch vụ kém… đã khiến du khách "một đi không trở lại". 

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tran-lot-hanh-hung-lua-khach-du-lich-dung-de-con-sau-lam-xau-du-lich-vn-a100497.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.