+Aa-
    Zalo

    "Trăm phương ngàn kế" của người dân Thủ đô khi mất nước sinh hoạt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- “Nước vo gạo sẽ dùng để rửa rau, nước rửa rau sau khi được để cho lắng cặn sẽ dùng cho việc rửa bát, nước rửa bát sẽ được dồn lại làm nước dội nhà vệ sinh..."

    (ĐSPL)- “Nước vo gạo sẽ dùng để rửa rau, nước rửa rau sau khi được để cho lắng cặn sẽ dùng cho việc rửa bát, nước rửa bát sẽ được dồn lại làm nước dội nhà vệ sinh”, một người dân Thủ đô thở dài chia sẻ.

    Hứng nước điều hòa để… sinh hoạt

    Tin tức từ VietNamNet, hàng trăm hộ dân tại khu 8, tập thể Thành Công, phường Thành Công, (Đống Đa, Hà Nội) gần một tuần nay phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng, cuộc sống bị đảo lộn nghiêm trọng.

    Ông Vũ Đức Q, một hộ dân sống tại nhà C2 khu tập thể Thành Công than thở: “Gần tuần nay mất nước, bể nước dự trữ của khu tập thể trơ đáy, không còn lấy một giọt. Ở khu nhà này hầu như hộ dân nào cũng đều rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng, ai cũng quý nước như vàng. Bây giờ nắng nóng như thế này mà không có nước, chúng tôi sắp chết đến nơi rồi.

    Cách đây mấy hôm thì mất nước, công ty cấp nước họ thông báo ngày 16, 17 này cấp nước trở lại mà cho đến giờ phút này nước vẫn mãi chẳng thấy giọt nào.

    Mất nước sinh hoạt khiến người dân chỉ được dùng cho những việc cần thiết.

    Hai hôm nay nhiều hộ phải thức đến hơn 12h đêm canh nước về nhưng vẫn không thấy nước. Nước mua hay xin về cũng chỉ được dùng cho những việc hết sức cần thiết. Nước vo gạo sẽ dùng để rửa rau, nước rửa rau sau khi được để cho lắng cặn sẽ dùng cho việc rửa bát, nước rửa bát sẽ được dồn lại làm nước dội nhà vệ sinh...

    Và để tiết kiệm hơn, nhiều hộ dân còn không dám mua những loại rau phải rửa cầu kỳ như rau muống, rau bí, rau dền... mà thay bằng bầu, bí, mướp để đỡ tốn nước rửa”.

     “Rồi có hộ còn hứng cả nước điều hòa để cho việc tắm giặt. Người nào không có thì phải nhịn cả tắm vì không đủ nước. Muốn tắm cả nhà lại phải chở nhau đến nhà người quen ở nơi khác để tắm nhờ”, ông Q nói.

    Ở cùng khu tập thể với ông Q và cũng chung cảnh ngộ bị mất nước gần cả tuần nay, chị Nguyễn H đành phải mua mỗi ngày một bình nước lọc giá 25 nghìn để sử dụng cho tất cả các sinh hoạt của một gia đình 3 nhân khẩu. Sự thiếu nước trầm trọng đã khiến cho cả gia đình rơi vào tình trạng khốn đốn.

    Đầu tư giếng khoan chống "khát nước"

    Thông tin từ VTC news, cùng chung tình trạng trên, nhiều ngày qua, hàng trăm hộ dân ở làng Phú Mỹ, thuộc phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chỉ biết "kêu trời" khi không có nước sạch để sử dụng.

    Người dân phải khoan giếng để có nước sử dụng.

    Bởi vậy, nhiều hộ đã phải đầu tư giếng khoan để giải quyết tình trạng "khát nước" như hiện nay. Theo ghi nhận, có đến hơn chục hộ dân đã bỏ kinh phí để khoan.

    Bà H (phường Mỹ Định 1) cho biết, dù biết nước giếng khoan không sạch, có thể gây hại nhưng mất nước nhiều ngày thì cùng phải sử dụng. Theo bà H, để khắc phục, gia đình bà mua thêm bình lọc nước, lọc qua nước giếng khoan để nấu nướng.

    Tại đây, một số gia đình có giếng khoan từ trước, các hộ dân khác cũng đầu tư máy bơm để xin dùng "ké" nước.

    Cũng không ít người dân phải chi phí mua nước dịch vụ để sử dụng trong tình trạng mất nước sạch nhiều ngày vừa qua.

    Ông Nguyễn Anh Việt - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nước sạch Viwaco cho hay, sau khi xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước, đơn vị do áp lực nước chỉ còn khoảng 1,5 đến 1,6 kg.

    "Áp lực như thế này là giảm hơn so với bình thường" ông Việt nói.

    Cũng theo ông Việt, do sự cố kéo dài, nhu cầu sử dụng nước của người dân trong những ngày nắng nóng tăng đột biến. Ngoài ra, do các bể dự trữ của những hộ đầu nguồn đều dùng hết, cần phải có thời gian để chảy đầy.

    "Để khắc phục tình trạng thiếu nước, đơn vị sẽ cấp nước luân phiên, mỗi khu vực cấp vài tiếng/ngày để phân phối đều cho người dân” ông Việt cho hay.

    “Di cư” về quê vì không có nước sinh hoạt

    Ngồi múc từng gáo nước để chuẩn bị cơm chiều, bà Nguyễn Thị Th (56 tuổi, ở số nhà 45, đường Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, khu nhà bà cũng mất nước sạch vài ngày nay kể từ khi đường ống nước sông đà bị vỡ lần thứ 13 vào sáng ngày 13/8.

    “Mất nước sạch khiến cuộc sống của chúng tôi khổ lắm, cả nhà có 5 nhân khẩu nhưng lấy xô chậu hứng mãi mới được vài xô dùng dè dặt cả ngày, cũng may là nhà tôi ở đầu khu phố nên còn vớt vát được vài chậu nước, còn nhiều hộ ở trong ngõ sâu thì không có lấy một giọt nước sạch nào nên phải dùng nước giếng khoan bẩn hoặc mua nước bình về dùng”, bà Thanh cho hay.

    Bà Lê Thị L (54 tuổi, ở tổ 5, phường Láng Hạ) cho biết, nhà bà mất nước sạch từ cách đây 1 tuần. “Không có nước sinh hoạt, gia đình tôi phải kéo vòi bơm đi xin nhờ nước giếng khoan của nhiều nhà trong xóm và chỉ dám dùng dè dặt. Nắng như thế này cần đến nước nhiều mà chỉ dám dùng để rửa mặt, rửa rau nấu cơm, còn tắm rửa phải đi sang nhà người thân cách nhà vài cây số”, bà L tâm sự.

    Theo bà L, vì mất nước sạch trầm trọng nên một số gia đình đành đưa người già và trẻ nhỏ về quê đến khi có nước sạch trở lại thì đón lên. "Mất nước sinh hoạt, bên nhà hàng xóm nhà tôi có hai ông bà già và mấy đứa nhỏ được đưa về quê để qua mấy ngày khổ sở này. Đến khi nào nước được khắc phục thì đón lên. Quả thực, không gì khổ bằng việc mất nước sạch, nhất là những ngày oi nóng như thế này", bà L chia sẻ.

    Chăm chú nhìn nước chảy nhỏ giọt vào xô, vợ chồng bà Nguyễn Thị M chia sẻ: “Xin mãi xung quanh nhà hàng xóm bơm được khoảng 10 phút nước dùng dè dặt cả ngày, các con qua nhà bạn tắm nhờ, mấy đứa cháu hai ngày mới được tắm 1 lần. Cháu tắm xong, bà dùng tắm lại. Hôm qua có xe nước đến nhưng khi chạy ra thì mọi người hứng hết rồi”.

    Nhà ông Nguyễn Khắc T (60 tuổi) có bể chứa to nhất khu nên vẫn còn nước sử dụng. Mấy ngày nay, chiếc máy bơm của ông T phải hoạt động liên tục, chia nước cho bà con trong khu.

    Ông T cho biết: “Cứ tình trạng này, chắc ngày mai bể nhà tôi cũng cạn nước. Nước khan hiếm nhưng không cho không đành được. Hàng xóm cũng chỉ dám xin nước để rửa mặt, đánh răng, tắm cho trẻ con thôi”.

    Đức An (Tổng hợp)

    Xem thêm video:

    [mecloud]Ru1RokgQF9[/mecloud]

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tram-phuong-ngan-ke-cua-nguoi-dan-thu-do-khi-mat-nuoc-sinh-hoat-a106794.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.