Sử xưa ghi lại, hơn 600 năm trước, năm 1 mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược. Ngọn núi thiêng Lam Sơn nằm bên dòng sông Chu là đất phát tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và vương triều Hậu Lê. Chuyện xưa kể lại: Cụ Tằng Tổ của Lê Lợi là Lê Hối, vốn người huyện Nga Lạc (nay là huyện Ngọc Lặc), một hôm ngao du sơn thủy đến đây, thấy chim chóc tụ họp, cho rằng chỗ này đất tốt nên dời nhà đến ở. Kể từ đó "Con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày càng nhiều".
Lê Lợi là hậu duệ đời thứ 4 của Lê Hối. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất hơn người, miệng rộng, trán cao, bước đi như hổ. Khi Lê Lợi đến tuổi trưởng thành cũng là lúc đất nước rơi vào cảnh loạn lạc dưới ách đô hộ của phương Bắc. Với lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc, mùa đông năm 1416, khi mới ngoài 30 tuổi, Lê Lợi đã cùng 18 bằng hữu lập ra hội thề Lũng Nhai, cùng nhau tuyên thệ, gấp rút chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh.
Ngày 7/2/1418 (tức ngày mùng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất), Lê Lợi dấy binh trên đất Lam Sơn, tự xưng là Bình Định Vương, chính thức phát động cuộc chiến chống giặc Minh, truyền hịch đi khắp mọi nơi kêu gọi nhân dân cùng đứng lên chống giặc.
Năm 1428, cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh), lấy niên hiệu là Thuận Thiên, mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh). Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính: Điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thường trực trông coi Lam Kinh; Khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.
Cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc, Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hóa) ngày nay. Năm 1962 thành cổ Lam Kinh được công nhận là di tích lịch sử quốc gia cấp từ. Năm 2012, khu di tích này được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Thành điện Lam Kinh có kiến trúc và địa thế đặc biệt, phía bắc dựa vào núi Dầu, mặt Nam nhìn ra sông Chu - có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía tây. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ Vương (王). Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m. sự bố trí này tuân theo tiêu chuẩn vàng trong phong thủy của người Á Đông, mang lại sự thịnh vượng và yên bình của Lam Kinh.
Các khu vực khác như Hoàng Thành, Thái Miếu và Cung Điện được sắp xếp theo hình bàn cờ, bao gồm khu ngọ môn, sân rồng, chính điện, thái miếu và nhiều công trình khác.
Nằm trong quần thể thứ nhất, Ngọ môn được các nhà nghiên cứu về kiến trúc cổ đánh giá là một công trình kiến trúc khá quy mô. Ngọ môn có hai con Nghê bằng đá đứng canh. Qua Ngọ môn vào đến sân rồng (còn có tên gọi là sân chầu) là lối vào khu chính điện. Từ sân rồng đi lên chính điện là một thềm lớn, rộng 5m có 9 bậc với 3 lối lên, có chiều rộng không bằng nhau được trang trí hình rồng tạc tròn, thân uốn khúc,…
Theo tư liệu lịch sử và khảo cổ học, chính điện Lam Kinh được dựng ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà (năm 1433). Bố cục mặt bằng của kiến trúc này có dạng hình chữ “công”, với tổng diện tích là 1.645,04m2, gồm 3 tòa điện chính: Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Trải qua những biến thiên của lịch sử hàng trăm năm, di tích Lam Kinh bị tàn phá nặng nề, tòa chính điện này vừa mới được trùng tu lại.
Sau chính điện đến Thái miếu, là nơi thờ cúng tổ tiên, các vị vua và hoàng thái hậu nhà Lê. Theo kết quả khai quật khảo cổ, trong khu vực này gồm 9 tòa kiến trúc. Hiện nay, đã tôn tạo, phục hồi được 5 tòa.
Công trình Vĩnh Lăng (lăng vua Lê Thái Tổ) được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng cách điện Lam Kinh 50m, phía trước có minh đường rộng rãi và bình phong là núi Chúa, phía sau có gối tựa núi Dầu, hai bên tả, hữu có hai dãy núi tạo thế “hổ phục rồng chầu”.
Bố cục và phong cách mai táng của Vĩnh lăng đơn giản nhưng tôn nghiêm. Trước Lăng có hai hàng tượng quan hầu và tượng các con giống tạc bằng đá dựng ở đây để trấn trạch. Bia Vĩnh Lăng được dựng cách lăng 300m, bằng đá trầm tích biển nguyên khối, rùa và bia có trọng lượng ước tính trên dưới 18 tấn. Nội dung văn bia ghi lại thân thế, sự nghiệp của Lê Thái Tổ. Đây là một công trình điêu khắc đá có giá trị nghệ thuật, đồng thời cũng là tư liệu quý giá trong việc nghiên cứu lịch sử giai đoạn Lê Sơ.
Với kiến trúc đặc biệt, Lam Kinh không chỉ là một thánh địa đồ sộ của nhà Lê, nơi diễn ra các buổi quốc tế dưới sự chủ trì của vua, quan nhà Lê; mà trải qua gần 6 thế kỷ tồn tại, Lam Kinh đã trở thành nơi về nguồn hay nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của con dân đất Việt. Tại đây các nghi thức tế lễ gắn liền với những trò diễn xướng mang đậm tính cung đình được thực hiện. Các trò diễn như Ai Lao, Chiêm Thành, Ngô Quốc... được tái hiện nhằm thể hiện sự thành kính và tưởng niệm những công lao của các bậc tiền nhân tiên tổ. Đồng thời, tái hiện những giá trị văn hóa, sự gắn kết của đồng bào Mường, Kinh trong lịch sử dựng và giữ nước, tạo nên một không gian văn hóa đậm đà bản sắc.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Lam Kinh cũng là một trong những minh chứng cho sự hình thành đặc trưng văn hóa riêng của dân tộc Việt. Sự hài hòa của hai yếu tố cung đình và dân gian trong lối kiến trúc, cũng như thực hành tín ngưỡng thờ cúng đã khiến cho Lam Kinh có sức sống và sức hấp dẫn riêng, so với các công trình đình đền, miếu mạo, lăng tẩm khác.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh không chỉ hấp dẫn kiến trúc độc đáo đậm chất Á Đông của khu kinh thành cổ cùng tín ngưỡng thờ cúng của người Việt mà còn thu hút du khách bởi những câu chuyện truyền thuyết mang màu sắc huyền bí tại khu lăng tẩm của các Vua chúa thời Hậu Lê.
Đó là truyền thuyết về cây ổi cười cao tầm hơn 3m, gần trăm năm tuổi, mùa nào cũng cho quả thơm ngọt và được người trông giữ dâng lên mộ vua. Những người đã từng đến Lam Kinh kể lại, chỉ cần xoa nhẹ vào nách cây thì các đầu lá rung lên từng hồi, từng nhịp như có một cơn gió đi qua tựa như cây cũng có linh hồn vậy…
Đó là cây lim cổ thụ có tuổi thọ khoảng 600 năm tuổi, cao nhất nhì rừng Lam Kinh đang xanh tươi, khỏe mạnh bất ngờ trút hết lá ra đi ngay khi dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt năm 2010. Thân và cành lim được ước lượng đủ kích thước để làm một bộ gồm: cột cái, cột quân, cột góc và thượng lương để phục vụ Lễ phạt mộc khởi công cung điện vào tháng 10 cùng năm. Sự trùng hợp kỳ lạ này đã khiến nhân gian đồn đoán về sự mệnh lịch sử hơn 600 năm sau của cây lim cổ thụ trên mảnh đất thiêng này.
Cho đến ngày nay, thành cổ Lam Kinh vẫn trầm mặc tồn tại trong muôn vàn biến thiên của thời gian cùng dáng vẻ bề thế, uy nghiêm, là nơi tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, nơi tưởng niệm, tri ân các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiền nhân vĩ đại... góp phần tạo nên một sức mạnh tinh thần to lớn, một biểu tượng văn hóa truyền thống nhắc nhớ mỗi người con đất Việt trước nguy cơ xâm hại của văn hóa ngoại lai.
Lâm Ngọc