(ĐSPL) - “Sau khi phá án, món nợ của nhân dân đã được trả, nhưng nói thật, tôi cũng như nhiều đồng đội không thấy vui mà canh cánh nỗi buồn vì hậu quả nặng nề, xót xa quá”, trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, đã chia sẻ như vậy.
Trả lời PV Thanh Niên chiều qua, người đứng đầu Ban chuyên án điều tra vụ thảm sát kinh hoàng tại H.Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cũng cho biết: “Chúng tôi không coi đây là chiến công mà đó là trách nhiệm của người công an. Nhiệm vụ chúng tôi chỉ mới hoàn thành một nửa, nửa còn lại là phải phòng ngừa tội phạm để không để những vụ việc tương tự xảy ra”.
* Trong vụ án này, lực lượng công an đã huy động bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ tham gia phá án, thưa trung tướng?
- Đến đầu giờ chiều 7/7, tức sau vài giờ nhận được thông tin, chúng tôi đã huy động hàng ngàn cán bộ chiến sĩ tập trung cho việc phá án. Đã có tới 24 đầu mối để tiếp nhận thông tin, phục vụ điều tra, 6 tổ công tác làm nhiệm vụ trực tiếp.
Trong đó, tại bộ đã huy động 14 cục nghiệp vụ cùng với lãnh đạo công an của 10 tỉnh Tây nguyên, miền Trung, Đông Nam bộ, TP.HCM vào trực tiếp hiện trường để cùng phối hợp thông tin. Đối với Công an Bình Phước, ngoài lực lượng của tỉnh, 100\% trưởng công an huyện đều có mặt tại hiện trường, anh em đã làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao.
* Trung tướng có thể chia sẻ khó khăn trong việc điều tra vụ án này là gì?
- Xin thưa, không có vụ án nào dễ, vì tội phạm khi đã gây án thì không có cớ gì để muốn tra tay vào còng, chúng luôn tung ra những phương thức thủ đoạn để che giấu, đặc biệt những vụ nghiêm trọng, tội phạm càng làm mọi cách để né tránh cơ quan bảo vệ pháp luật.
Ngay từ đầu, hung thủ đã có động cơ rõ rệt là giết người sau đó cướp tài sản. Số tiền 1,7 tỉ đồng còn lại ở hiện trường không lấy được là nằm ngoài mong muốn. Bởi số tiền này được giấu kín trong tủ tường và chìa khóa tủ bỏ ngay dưới giường ngủ của bé Na. Cũng từ động cơ giết người cướp tài sản có từ đầu, nên hung thủ đã tìm mọi cách để che giấu hành vi. Đấy là chưa kể tâm lý những vụ án nghiêm trọng thì người dân đến rất đông, hiện trường bị nhiều yếu tố tác động, gây xáo trộn.
Mặt khác, vụ trọng án này đối với anh em chúng tôi là một áp lực lớn cũng là nỗi niềm trăn trở của tâm trạng vừa chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, cũng vừa là trách nhiệm của mình để xảy ra một vụ án khiến 6 người thiệt mạng làm người dân hoang mang và phải làm sao trong thời gian sớm nhất phá án để dân an tâm.
* Nhiều người cũng đặt câu hỏi, tại sao thời điểm bị kẻ thủ ác khống chế, nạn nhân không gọi cho lực lượng 113 mà gọi cho người thân, phải chăng lực lượng này hoạt động chưa hiệu quả, chưa được dân tin?
- Nạn nhân trong vụ án ở Bình Phước không gọi lực lượng 113 là do có thể họ chưa quen gọi. Qua vụ việc này, tôi cũng muốn nói rằng, đừng đòi hỏi ai phòng cho mình, trước khi chính chúng ta phải phòng cho chúng ta.
Trong vụ án Lê Văn Luyện ở Bắc Giang, nạn nhân là chủ tiệm vàng nhưng phòng ốc chỉ làm bằng cửa kính, khung nhôm, kẻ gian chỉ cần đẩy là vào được.
Đối với vụ ở Bình Phước, nhà nạn nhân kín cổng cao tường nếu không có người trong nhà giúp sức thì kẻ gian phải dùng xà beng, búa tạ mới phá được cửa. Tội phạm luôn có những yếu tố bất ngờ như thế và đòi hỏi chúng ta phải luôn tự biết bảo vệ mình.
* Việc lực lượng công an nhanh chóng tìm ra hung thủ làm cho người dân cả nước hân hoan nhưng đằng sau vụ án này cũng còn nhiều nỗi lo. Trước đó ít ngày thì tại Nghệ An đã xảy ra vụ án với thủ đoạn tàn độc khiến 4 người trong một gia đình tử vong. Phải chăng tình hình an ninh trật tự ở nông thôn đang có vấn đề?
- Vụ án giết 4 người trong một gia đình, trong đó có 1 cháu bé 1 tuổi xảy ra tại bản Phồng, xã Tam Hợp, H.Tương Dương, Nghệ An xảy ra trước vụ án Bình Phước khoảng 5 ngày. Quả thật 2 vụ trọng án xảy ra trong thời gian liên tiếp ở vùng nông thôn, miền núi khiến không ít người lo lắng. Tuy nhiên, với tư cách người đứng đầu lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm, tôi xin khẳng định vùng nông thôn, miền núi của chúng ta có an ninh trật tự tốt hơn ở vùng đô thị.
Đã có nhiều người đặt câu hỏi với chúng tôi rằng, lâu nay công an chỉ tập trung chống tội phạm ở thành phố mà ít quan tâm vùng nông thôn. Không phải như vậy, chúng tôi vẫn luôn theo sát tình hình tội phạm ở các vùng miền. Đối với từng khu vực, địa bàn phức tạp, nếu chúng ta tập trung hơn bằng các biện pháp phòng ngừa tích cực thì kiềm chế được một phần tình hình tội phạm, tác động chung đến tội phạm toàn quốc.
Tuy nhiên, dù nói gì đi nữa thì chúng ta cũng thấy tội phạm đang có diễn biến phức tạp, len vào nhiều chốn kể cả miền núi nông thôn. Tôi cũng mong mọi người đừng suy nghĩ chống tội phạm là việc của công an, muốn xã hội tốt lên không có tội phạm thì hãy bắt đầu từ mỗi gia đình, cộng đồng. Trong vụ án ở Bình Phước, nếu như gia đình giáo dục tốt, bố mẹ theo sát dạy cho con cái biết làm gì, ứng xử như thế nào khi gặp khủng hoảng trong cuộc sống thì chắc không xảy ra chuyện như vậy.
Theo Thanhnien Online