+Aa-
    Zalo

    Trải lòng của những “người nhện” ăn cơm trưa giữa không trung

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Suốt ngày đánh đu lơ lửng trên không trung, nên những người làm nghề lau kính cho những tòa nhà cao tầng được gọi là những “người nhện”.

    Suốt ngày đánh đu lơ lửng trên không trung, nên những người làm nghề lau kính cho những tòa nhà cao tầng được gọi là những “người nhện”. Công việc nguy hiểm, nên ngoài tiền cao hơn, thì người thợ phải thực sự yêu nghề mới trụ lâu dài được.

    Những “người nhện” cần mẫn

    Vào dịp cuối năm, nhiều tòa nhà cao tầng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thường chú ý đến vệ sinh, lau chùi lớp kính bên ngoài. Vì thế, những người thợ lau kính cũng bận rộn hơn. Để có cái nhìn sâu hơn, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện với những người thợ chuyên lau kính tại các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội để nghe những chia sẻ của họ về nghề. Lỉnh kỉnh mang theo rất nhiều vật dụng bên mình, như: Nước, dung dịch rửa kính, thiết bị giữ thăng bằng, giày đế cao su có độ bám dính cao, nước uống... những thợ lau kính sau khi kiểm tra các dây buộc an toàn, dây cứu sinh thì từ đỉnh tòa nhà họ bắt đầu từ từ thả mình xuống.

    Những người thợ lau kính lơ lửng trên các tòa nhà cao tầng - Ảnh: Người đưa tin.

    Công việc của họ không chỉ đơn giản là làm sạch bụi bẩn mà còn phải giữ mọi thứ an toàn bên mình, cả dụng cụ tác nghiệp, không để rơi rớt gây tai nạn cho chính bản thân họ lẫn người phía dưới. Là người có thâm niên trong nghề lau kính tại các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội, anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1988, quê Phú Thọ) cho hay: “Tôi đến với nghề như một sự tình cờ. Tôi học hết lớp 9 là bắt đầu xuống Hà Nội làm việc, ban đầu làm thợ sửa chữa, lắp ráp điện lạnh. Dần dần cứ đi làm, được nhiều người giới thiệu nên tôi bắt đầu chuyển hướng sang lau kính tại các tòa nhà cao tầng”.

    Theo nghề hơn 6 năm, anh Tuấn trải qua không ít kỷ niệm vui buồn, bây giờ nhớ lại anh vẫn còn nhớ như in cảm xúc ngày đầu vào nghề: “Những ngày đầu tiên tôi rất sợ vì người mình chỉ được buộc một sợi dây và treo lơ lửng trên không trung. Khi đó, ngay cả việc cầm cây hít kính thế nào, xịt rửa ra sao tôi cũng không biết”. Bởi thế, ngày ngày anh Tuấn phải đi theo các tổ thợ vừa làm, vừa học nghề. Cứ thế, cho đến nay không chỉ làm thuê mà anh còn nhận thầu riêng hợp đồng tại những tòa nhà cần thợ lau kính, sau đó rủ thêm “cộng sự” cùng làm. “Những năm tôi bắt đầu làm, công việc này chưa mấy phát triển nhưng một vài năm trở lại đây các tòa nhà cao tầng bắt đầu mọc lên nhiều hơn nên chúng tôi có nhiều hợp đồng hơn.

    Hiện tại, tôi không chỉ làm ở Hà Nội mà còn nhận việc ở các tỉnh, thành phố khác”, anh Tuấn chia sẻ. Làm công việc này không đòi hỏi bằng cấp nhưng lại yêu cầu cao về mặt sức khỏe, sự tập trung và điều quan trọng là phải có tinh thần thép. Anh Tuấn kể lại: “Làm ở những tòa nhà có độ cao 3-4 tầng có khi 40 tầng... vì thế, công việc khá nguy hiểm, đòi hỏi người thợ phải có tinh thần tập trung cao độ. Trước tôi cũng có nhiều người xin vào làm nhưng được một thời gian không chịu được sự khắc nghiệt của công việc nên họ xin nghỉ việc”.

    Còn anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1992, quê Nam Định), hiện đang làm tại một công ty vệ sinh tại Hà Nội không giấu nổi sự trăn trở: “Nghề lau kính là một trong những nghề có rủi ro khá cao. Không ít lần gia đình khuyên tôi nên chọn công việc mới, nhưng vì đã trót theo nghề nên muốn theo đến cùng”.

    Anh Hùng trải lòng thêm: “Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 7h sáng tới chiều muộn. Có hôm cảm thấy mệt thì tôi đổi ca cho thợ khác. Với những người như chúng tôi, trước khi bắt đầu công việc phải nói không với bia rượu. Thêm vào đó khi bắt tay vào việc, mọi người sẽ chọn điểm cố định để buộc dây tuột vững chắc, chịu được sức tải lớn để đảm bảo an toàn. Những ngày đầu mới làm, nhìn từ trên cao xuống dưới đất chơi vơi, tôi đã bị choáng vài lần. Chưa hết, công việc này còn có một sự thót tim không hề nhẹ, đó là những hôm làm ở những tòa nhà cao vài chục tầng không có chỗ bám, khi đó gió quá mạnh nên tôi bị thổi ngang ra gần chục mét, lúc đó hoảng hồn không dám nghĩ tiếp đến trường hợp xấu có thể xảy ra”.

    Ăn trưa trên không trung

    Trong quá trình làm việc, anh Hùng cho biết anh trải qua không ít câu chuyện vui buồn. Anh kể: “Có một kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là lần làm việc ở độ cao 150m vì dọc đu dài ngại leo lên lại phải buộc dây an toàn để đu xuống, nên có người đi mua cơm và chuyển bằng dây cho tôi và những người thợ khác. Chúng tôi gọi vui là ăn trưa trên không trung, vừa ăn, vừa ngắm nhìn dòng xe cộ đi lại tấp nập dưới đường thấy thú vị và cũng thương cho nghề mình làm sao”.

    Theo lời chia sẻ của anh Hùng, việc phải ăn cơm trưa trên không trung thi thoảng mới diễn ra khi các anh làm việc trên các tòa nhà chọc trời. Và đây là kỷ niệm mà anh nhớ nhất trong quá trình làm việc. Trong suốt cuộc trò chuyện với PV, anh Hùng cho hay: “Công việc của tôi cần một số dụng cụ như dây, ghế đu, đồ hít kính, khóa an toàn, đai bảo vệ, dụng cụ lau rửa... Những dụng cụ đó mình phải tự chuẩn bị chứ bên thuê họ không chịu trách nhiệm. Vậy nên, khi di chuyển đến các tòa nhà, chúng tôi thường đi theo nhóm 3-4 người, hỗ trợ nhau kiểm tra thiết bị và cùng làm”.

    Làm công việc dịch vụ nên cũng đôi lúc anh Hùng cảm thấy căng thẳng, áp lực khi bị khách hàng phàn nàn: “Mỗi tòa nhà có nhà thiết kế kính khác nhau, nơi có gờ thì khó lau hơn, nên không ít lần chúng tôi bị khách chê làm ẩu, không sạch. Những lúc như vậy tôi buồn lắm, nhưng phận làm thuê nên đành nhịn rồi lau lại cho người ta”.

    Chia sẻ thêm về mức thu nhập, anh Tuấn cho biết so với các công việc lao động chân tay khác thì mức thu nhập lau kính cao hơn nhiều: “Trung bình thu nhập của tôi một ngày là 400.000 đồng, khi nói về số tiền nhận được, nhiều người thường nói là cao. Dù cao nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận làm việc ở độ cao mà ai nhìn vào cũng thấy sợ”.

    Cũng theo chia sẻ của anh Tuấn, công việc của anh và những người thợ khác thường bận rộn vào cuối năm, có những lúc rất mệt nhưng vẫn phải làm thêm để kịp bàn giao cho khách. “Thời điểm bận rộn nhất là cuối năm nhiều tòa nhà muốn trông thấy vẻ sạch sẽ, nên có lúc chúng tôi phải làm thông trưa, vì nếu trời tối lại chẳng nhìn thấy đường mà lau”.

    Chưa hết, anh Tuấn cũng nhấn mạnh tuổi nghề lau kính khá ngắn, thường dưới 40 tuổi vì trên 40 sẽ không đảm bảo sức khỏe để theo. “Nếu tuổi cao không thể làm được nữa thì những người thợ lau kính sẽ chuyển sang hướng dẫn, đào tạo những người thợ mới”, anh Tuấn nói. Với anh Tuấn, anh Hùng công việc lau kính dù vất vả, nguy hiểm trong mắt nhiều người nhưng họ vẫn lựa chọn. Bởi, với hai người thợ lau kính tòa nhà cao tầng này, công việc này dù sao cũng giúp họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và đặc biệt hơn nữa, khi làm sạch được một tòa nhà, nhận được sự hài lòng của khách hàng là các anh lại có động lực để hoàn thành tốt công việc mà mình đã theo đuổi.

    HOÀNG BÍCH

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trai-long-cua-nhung-nguoi-nhen-an-com-trua-giua-khong-trung-a214146.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan