(ĐSPL) - Sau khi đào được 3 quả bom "khủng" còn nguyên đầu nổ, nhóm trai làng đã bàn nhau mang đi bán.
Theo báo Thanh niên, ngày 26/12, TAND tỉnh Quảng Trị đã mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt: Nguyễn Văn Vấn (29 tuổi) 9 tháng tù treo; Thái Bá Tứ (32 tuổi), Phan Thanh Tú (28 tuổi), Phan Thanh Tuấn (31 tuổi) 6 tháng tù treo; Nguyễn Văn Trị (41 tuổi) Nguyễn Ngọc Tân (36 tuổi) và Lê Văn Bảo (32 tuổi) 24 tháng cải tạo không giam giữ cùng về tội Vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng.
Trong số 7 bị cáo trên, ngoài Bảo trú xã Sen Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) thì các bị cáo còn lại đều trú H.Gio Linh (Quảng Trị).
Các bị cáo trước vành móng ngựa - Ảnh: báo Thanh niên |
Báo Tri thức trực tuyến thông tin, sáng 24/7, Tứ, Tân và Bá Tứ đến khu vực đồi cát ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh dùng máy dò tìm phế liệu. Họ phát hiện 3 vị trí có kim loại nằm dưới lòng đất nên đã dùng xẻng để đào. Do kim loại nằm sâu khiến tất cả phải dừng việc tìm kiếm.
Nhóm này sau đó rủ thêm Tri, Vấn và Tuấn bàn cách đào lấy phế liệu. Tất cả cùng thống nhất thuê máy xúc của một người ở xã Trung Giang.
Đêm hôm đó, tất cả đào được 3 quả bom (mỗi quả nặng 240 kg) còn sót lại từ thời chiến tranh. Theo cáo trạng, 3 quả bom trên còn đầu, có khả năng phát nổ và gây nguy hiểm với những người ở gần.
6 người này thống nhất không giao nộp cho cơ quan chức năng và thuê Lê Văn Bảo chở đi cất giấu để bán lấy tiền.
Rạng sáng 25/7, 7 người đang vận chuyển 3 quả bom lên xe thì bị công an phát hiện.
Tại phiên tòa, HĐXX chỉ rõ hành vi sai trái của các bị cáo về việc vận chuyển những quả bom có thể gây nổ dọc đường, nguy hiểm tính mạng của người khác. Tất cả bị cáo tỏ rõ sự thành khẩn, hối hận.
Điều 230 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy có quy định Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự như sau: 1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm: a) Có tổ chức; b) Vật phạm pháp có số lượng lớn; c) Vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới; d) Gây hậu qủa nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm: a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)