Đơn kêu cứu của chị Nguyễn Thị Lành và chị Nguyễn Thị Hiền cùng ở TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai phản ánh về việc họ bị chiếm đoạt số tiền lên tới hơn 4 tỷ đồng. Liên quan đến vụ việc này một số chuyên gia cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng.
Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Lê Minh Đức, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội và Thạc sĩ Tài chính Ngân hàng Vương Xuân Nguyên cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cam Đường thuộc Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai.
Người bị hại mong mọi sự được sáng tỏ và đòi lại công bằng cho chính mình |
Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt nhiều tỷ đồng
Theo kết quả điều tra của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai, trong khoảng từ tháng 4/2016 - 2/2017, một cán bộ ngân hàng CSXH Cam Đường là Cấn Phương Nhung đã lấy 25 sổ tiết kiệm trắng của PGD ngân hàng, sau đó sử dụng nhiều “thủ thuật” để huy động tiền gửi tiết kiệm của 17 khách hàng, gồm 24 sổ tiết kiệm, với tổng số tiền là trên 11,6 tỷ đồng.
Cấn Phương Nhung đã dùng phôi sổ tiết kiệm thật của ngân hàng để làm giả sổ tiết kiệm nhằm chiếm đoạt tiền của khách. Trong đó, chị Nguyễn Thị Hiền gửi 06 sổ tiết kiệm có giá trị 8,6 tỷ đồng; chị Nguyễn Thị Lành gửi 01 sổ tiết kiệm có giá trị 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, Cấn Phương Nhung chỉ hạch toán vào ngân hàng 6,6 tỷ đồng, còn chiếm đoạt số tiền 4 tỷ đồng để dùng vào mục đích cá nhân. Sau một thời gian gửi tiền, ngày 20/01/2017, chị Hiền gọi điện cho Cấn Phương Nhung thông báo rút tiền. Nhung đã mang 2 tỷ đồng đến nhà trả cho chị Hiền và nhận lại từ chị Hiền 02 sổ tiết kiệm có số dư mỗi sổ là 1 tỷ đồng.
Điều đáng nói là theo phản ánh của bạn đọc, sau khi phát hiện mất 25 sổ tiết kiệm trắng và phát hiện sai phạm của Nhung, PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường đã yêu cầu Nhung thu hồi sổ trả cho Ngân hàng. Ngày 14/02/2017, Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai đã tạm đình chỉ công tác của Cấn Phương Nhung nhưng lại không kịp thời thông báo cho các khách hàng đã bị Nhung lừa đảo bằng sổ tiết kiệm giả.
Hậu quả là Cấn Phương Nhung lại tiếp tục huy động, lừa đảo nhiều tỷ đồng của hàng loạt khách hàng khác, trong đó riêng chị Nguyễn Thị Hiền tiếp tục gửi cho Nhung số tiền 1 tỷ đồng vào ngày 06/3/2017. Trong quá trình giao dịch, đã có một số lần Nhung chuyển tiền lãi và tiền thưởng cho chị Hiền, chị Lành. Đến thời điểm vụ án được đưa ra xét xử, Nhung còn chiếm đoạt của chị Hiền hơn 3,78 tỷ đồng; chiếm đoạt của chị Lành là 998 triệu đồng.
Đơn kêu cứu của người bị hại |
Với những hành vi nói trên, tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 15/6/2018, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Lào Cai đã tuyên phạt Cấn Phương Nhung với mức án tù chung thân và buộc hoàn trả lại số tiền hơn 10 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho các bị hại trong đó có chị Hiền và chị Lành. Tuy nhiên, nhiều khách hàng bị Cấn Phương Nhung chiếm đoạt tiền đã không đồng tình với quan điểm của Hội đồng xét xử khi cho rằng: “Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai không có trách nhiệm bồi thường khoản tiền do bị cáo chiếm đoạt”, với lập luận PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường - Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai đã buông lỏng quản lý, từ đó tạo cơ hội để nhân viên ngân hàng dễ dàng lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.
Với phiên xét xử sơ thẩm ngày 15/6/2018 của TAND tỉnh Lào Cai, chị Nguyễn Thị Hiền và chị Nguyễn Thị Lành đã không đồng tình với phán quyết của tòa và có đơn kháng cáo gửi TAND cấp cao tại Hà Nội. Theo chị Hiền: “Bản án sơ thẩm là thiếu khách quan, có dấu hiệu bỏ lọt trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tín dụng có liên quan đến việc các chị bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng”.
Trách nhiệm của ngân hàng CSXH Cam Đường bị “bỏ lọt”?
Các tài liệu PV có được cho thấy, quá trình giao dịch, chị Hiền và chị Lành đã trực tiếp đến ngân hàng gửi tiền tiết kiệm đúng theo quy định. Cấn Phương Nhung là nhân viên PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường được giao nhiệm vụ giao dịch với khách hàng. Nhung đã lợi dụng sự buông lỏng quản lý trong việc trình lý sổ, quản lý phôi trắng, quản lý con dấu để chiếm đoạt tài sản của khách hàng; đồng thời, tự ý rút tiền trên sổ tiết kiệm của khách hàng tại ngân hàng trong khi chị Hiền, chị Lành vẫn đang cầm sổ tiết kiệm chính do ngân hàng phát hành.
Nội dung Bản án số 32/2018/HSST ngày 15/6/2018 của TAND tỉnh Lào Cai nêu rõ: “Có sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ, quản lý con dấu, hồ sơ giấy tờ tài liệu liên quan đến hoạt động tín dụng của Ngân hàng của cán bộ, lãnh đạo PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường, Lào Cai”.
Tháng 02/2018, TAND tỉnh Lào Cai đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường - Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai với các nội dung: Ông Lê Như Lộc là Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường đã ký phát hành 08 sổ tiết kiệm của 06 khách hàng khi các sổ tiết kiệm chưa được ghi đầy đủ thông tin (số tiền gửi) để bị can Cấn Phương Nhung lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại gần 10 tỷ đồng; bà Đỗ Thị Thu Hiền là Tổ trường Tổ kế toán PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường đã không kiểm soát các chứng từ, sổ tiết kiệm của các khách hàng, nhưng vẫn trình ký; ông Nguyễn Quốc Toản là thủ quỹ PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra các chứng từ nhập quỹ, ký vào sổ tiết kiệm khi các sổ tiết kiệm chưa được ghi đầy đủ thông tin…Tuy nhiên, theo phản ánh, tại phiên xét xử sơ thẩm, những nội dung này lại chưa được làm rõ và có dấu hiệu “bỏ lọt” trách nhiệm có liên quan.
Cần làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng và cán bộ liên đới
Một số chuyên gia luật và luật sư bảo vệ bên bị hại cho rằng, trong trường hợp này, Cấn Phương Nhung được phân công là kế toán và là giao dịch viên của PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường; được đơn vị này giao chỉ tiêu huy động tiền gửi tiết kiệm. Vì thế, Cấn Phương Nhung là đại diện của ngân hàng, nhân danh ngân hàng để thực hiện nhiệm vụ giao dịch với khách hàng. Do đó, khi tiền gửi của khách bị thất thoát, Ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường.
Luật sư Lê Minh Đức, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích, theo Điều 597, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một phần tiền theo quy định của pháp luật”. Vì vậy trong trường hợp cụ thể này, PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường – Ngân hàng CSXH Lào Cai phải có trách nhiệm bồi thường cho chị Hiền, chị Lành số tiền do Cấn Phương Nhung, nhân viên PGD Ngân hàng, trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao đã chiếm đoạt, sau đó Ngân hàng có thể bắt Nhung hoàn trả.
Còn theo Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh Tài chính Ngân hàng Vương Xuân Nguyên (ảnh trên) cho biết, khách hàng khi mở sổ tiết kiệm tại bất cứ Ngân hàng nào ở Việt Nam, họ đều được hưởng quyền lợi bảo hiểm tiền gửi theo Luật Bảo hiểm Tiền gửi và Ngân hàng phải có “Trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của khách hàng” theo đúng Điều 10 của Luật Các tổ chức tín dụng. Quy trình giao dịch của ngân hàng rất chặt chẽ, bài bản, luôn có ít nhất hai chữ ký, hai khâu giám sát, nhất là với những số tiền lớn thì phải qua nhiều khâu đối soát. Thậm chí ngay chính khách hàng, nếu ký không chính xác chữ ký đã đăng ký thì cũng khó rút tiền của mình.
Những giao dịch thể hiện thẩm quyền trách nhiệm và được thực hiện trên danh nghĩa của pháp nhân, có pháp nhân đó giao dịch mới được thực hiện. Chính vì thế, cho dù người của ngân hàng phạm tội tham ô hay lừa đảo thì sai phạm thuộc về phía nội bộ ngân hàng và xử lý theo các quy định của pháp luật cũng như quy chế hoạt động của ngân hàng. Trong trường hợp cụ thể nêu trên, việc chiếm đoạt số tiền lớn có liên quan đến việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ, quản lý hồ sơ tài liệu và quy trình thực hiện hoạt động tín dụng. Đây rõ ràng là lỗ hổng trong quản lý dẫn tới cán bộ ngân hàng có điều kiện để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, rủi ro hoạt động dẫn tới rủi ro đạo đức.
“Điều 87 về “Trách nhiệm dân sự của pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định, pháp nhân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm dân sự do người đại diện xác lập, nhân danh pháp nhân thực hiện. Điều này cũng tương tự trong lĩnh vực hành chính, đó là Nhà nước phải bồi thường theo Luật Bồi thường của Nhà nước năm 2017 khi cán bộ, công chức làm sai, sau đó mới xử lý trách nhiệm của cá nhân…”, Thạc sĩ Vương Xuân Nguyên nhấn mạnh.
Luật sư Lê Minh Đức và Thạc sĩ Vương Xuân Nguyên cũng đồng tình với quan điểm của nhiều chuyên gia khi cho rằng, việc cán bộ buông lỏng quản lý, vi phạm quy định hoạt động tín dụng để nhân viên chiếm đoạt hàng tỷ đồng của khách hàng tại PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường, Lào Cai đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, thương hiệu của Ngân hàng CSXH Việt Nam. Để bảo vệ lợi ích chính đáng của khách hàng, tạo môi trường hoạt động tín dụng lành mạnh, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tiếp tục xác minh, làm rõ trách nhiệm của PGD Ngân hàng CSXH Cam Đường - Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai khi khách hàng bị nhân viên ngân hàng chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Nhóm PV/Khỏe 365