Báo Dân trí đưa tin, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Đồng Nai vừa trả hồ sơ cho Viện kiểm sát, đề nghị điều tra bổ sung, làm rõ 6 tình tiết quan trọng trong vụ án môi giới hối lộ ở trạm cảnh sát giao thông (CSGT) Suối Tre, tỉnh Đồng Nai.
Theo quyết định trả hồ sơ, TAND tỉnh Đồng Nai yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ nhiều nội dung quan trọng nhằm giải quyết vụ án một cách toàn diện.
Cụ thể, TAND yêu cầu làm rõ việc ông Lê Ánh Dương, cựu Trưởng trạm CSGT Suối Tre, có phạm tội nhận hối lộ hay không. Tòa xác định đây là mấu chốt quan trọng để giải quyết vụ án. Trong đó, tòa đánh giá lời khai của ông Dương mâu thuẫn với lời khai của các bị can khác.
Thứ hai, yêu cầu Viện kiểm sát lấy lời khai, cho đối chất giữa Dương với Trương Công Quang và Trần Quang Tân, để làm rõ các mâu thuẫn về số tiền nợ 400 triệu đồng. Tiếp đó, VKS cần làm rõ số tiền bị can Nguyễn Văn Hậu, Đặng Văn Út nhận từ các chủ xe, tài xế là bao nhiêu và thu lợi bất chính bao nhiêu.
Tòa cũng yêu cầu VKS xử lý, kết luận dứt điểm, lấy lời khai đối chất và kết luận các trường hợp Nguyễn Đăng Khoa và Trương Công Quang đưa tiền cho hai cán bộ CSGT thuộc Tổ công tác đặc biệt.
Cuối cùng, tòa đề nghị xem xét lại tội danh truy tố đối với một số bị cáo.
Theo báo Giao thông, trong vụ án này trước đó có nhiều bị can bị truy tố gồm: Trương Công Quang (44 tuổi); Trần Quang Tân (41 tuổi); Nguyễn Đăng Khoa (38 tuổi); Đặng Văn Út (50 tuổi); Trần Thị Diệu Hoa (62 tuổi); Nguyễn Văn Hậu (39 tuổi); Ngô Văn Đạm (28 tuổi), Lê Bảo Ngọc (33 tuổi) cùng bị truy tố về tội môi giới hối lộ.
Ngoài ra, còn có các bị can Lê Bảo Ngọc; Hoàng Thị Việt Hà (39 tuổi); Hoàng Hiệp (47 tuổi); Hoàng Thanh Sỹ (48 tuổi); Tạ Thị Thu Trà (44 tuổi) cùng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đồng Nai, Trạm Cảnh sát giao thông Suối Tre thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên quốc lộ 1 đoạn từ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom đến xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc và quốc lộ 56 đoạn từ thành phố Long Khánh đến huyện Cẩm Mỹ.
Ngoài ra, còn có Tổ công tác đặc biệt do Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh thành lập, quản lý có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tất cả các tuyến đường giao thông trên địa bàn Đồng Nai, trong đó tập trung vào các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến đường đấu nối vào quốc lộ, đấu nối vào khu vực mỏ đá. Địa bàn trọng điểm là thành phố Biên Hòa, Long Khánh và các huyện: Long Thành, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán.
Từ khoảng tháng 1/2021 đến tháng 9/2022, trên địa bàn Đồng Nai, Quang đã cấu kết với Hậu, Út, Đạm, Hoa, Ngọc thu tiền của các chủ xe, lái xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng (2.216 lượt giao dịch chuyển khoản) rồi đưa tiền cho Tân hối lộ cảnh sát giao thông để bỏ qua, không kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với người và xe.
Ngày 30/9/2022, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ khẩn cấp các đối tượng: Tân, Quang, Út, Hậu để điều tra. Mở rộng điều tra xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2021 đến tháng 9/2022 cùng phương thức, thủ đoạn tương tự như trên, Khoa cũng đã nhận tiền của nhiều đối tượng (là chủ xe và lái xe) tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng rồi đưa cho Tân hối lộ cảnh sát giao thông để bỏ qua, không kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với người và xe. Đến ngày 30/9/2022, Khoa bị bắt giữ và các đồng phạm khác cũng bị bắt ngay sau đó.
Ngoài ra, từ tháng 11/2021 đến tháng 11/2022, Lê Bảo Ngọc (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Bảo Ngọc Transport) cùng với Hà và Hoàng Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Bảo Trâm) cùng với Sỹ và Trà dùng thủ đoạn hứa hẹn "bảo kê" cho người và xe vi phạm luật giao thông, cam kết cảnh sát giao thông không xử phạt vi phạm hành chính với yêu cầu chủ xe, lái xe phải nộp tiền theo tháng để mua và gắn logo Công ty TNHH Thương mại Bảo Ngọc Transport và Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Bảo Trâm. Tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt là gần 1,8 tỷ đồng.