(ĐSPL)- Báo chí Trung Quốc úp mở cho biết, nước này đã đóng mới ít nhất là ba giàn khoan tương tự như Hải Dương 981 đang hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
|
Giàn khoan "Nam Hải số 9" Trung Quốc lai dắt vào Biển Đông.
|
Theo thông tin trên báo Thanh niên, ngày 17/6, Cục hải sự Trung Quốc đã ra thông báo về việc tiếp tục đưa giàn khoan thứ 2 mang tên Nam Hải số 9 ra biển Đông. Và theo trang quân sự của mạng Sina ngày 18/5, giàn khoan Nam Hải số 9 này được kéo từ phía Nam đảo Hải Nam (thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) tiến về hướng Tây Nam, xích lại gần phía giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vốn đang được hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Nam Hải số 9 là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), đã được Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Hải (COSL) mua lại ở tình trạng đã qua sử dụng với lý do nhằm thúc đẩy hoạt động ở các vùng nước sâu.
Giàn khoan Nam Hải số 9 có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 1.615m, độ khoan sâu tối đa 7.620m, có thể khoan tối đa với tải trọng 3798 tấn, với đầy đủ chức năng khoan, hoàn thành và sửa chữa.
Có lẽ tới nay, thế giới mới được chứng kiến Trung Quốc lần lượt tung từng món “bảo bối” mang tên giàn khoan của mình vào khu vực biển Đông và Nam Hải số 9 chỉ là một trong vô số giàn khoan mang tên Nam Hải của nước này như có một ý đồ riêng rõ rệt.
Một số cư dân mạng nước này còn cho rằng Trung Quốc ít nhất sẽ tung tới 4 giàn khoan ra khu vực tranh chấp với Việt Nam trên biển Đông và ngay sau khi giàn khoan thứ 2 đã yên vị, giàn khoan thứ 3 sẽ được kéo ra.
Trong khi đó, trang Vnexpress dẫn tin từ tờ SCMP cho biết, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đang mở rộng hoạt động khai thác ở vùng biển ngoài khơi phía nam Trung Quốc với mục tiêu tạo ra hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày. CNOOC hiện có 4 khu vực sản xuất khí đốt, gồm vịnh Bột Hải, biển Hoa Đông, phía đông Biển Đông và phía tây Biển Đông.
Được biết, công ty này hồi đầu tháng 5 đã đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào hạ đặt gần quần đảo Hoàng Sa, sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngang nhiên thực hiện hoạt động thăm dò. Các chuyên gia đánh giá, Trung Quốc lợi dụng tính chất thương mại của giàn khoan để biện bạch cho mưu đồ bành trướng chủ quyền nhằm hiện thực hóa "đường lưỡi bò" ở Biển Đông.
Dẫn thông tin từ tờ Sina, báo VnExpress cũng cho biết, CNOOC còn đang đóng Hải Dương 982 (Haiyang 982), giàn khoan dầu nước sâu nửa chìm nửa nối thế hệ mới. Quá trình đóng bắt đầu từ năm 2013. Hải Dương 982 được thiết kế phù hợp với điều kiện ở Biển Đông từ đó tiến hành thăm dò và khai thác dầu mỏ trên vùng biển này. Giàn khoan 982 có tuổi thọ thiết kế khoảng 25 năm và có thể hoạt động ở độ sâu 1.500 m.
Bản tin trên báo Lao động cũng cho biết, các trang mạng Trung Quốc cho rằng, giàn khoan Hải Nam 9 "được kéo về hướng Tây Sa" - tức Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không được ghi nhận trên các trang báo chính thống Trung Quốc. Theo đồ họa của báo Phượng Hoàng (Hồng Kông), tọa độ hạ giàn khoan Nam Hải số 9 còn gần bờ biển Việt Nam hơn cả giàn Hải Dương 981.
Báo chí Trung Quốc úp mở cho biết, nước này đã đóng mới ít nhất là ba giàn khoan tương tự như Hải Dương 981 đang hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Những giàn khoan này có số hiệu HD 982, 943 và 944, tổng trị giá các giàn khoan này lên đến 1 tỷ USD.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tq-se-dua-bao-nhieu-gian-khoan-ra-bien-dong-a37536.html