TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và UBND quận, huyện được giao nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để ứng phó bão số 9.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, vào 10h ngày 24/11, vị trí tâm bão số 9 (tên quốc tế bão Usagi) ở vào khoảng 9,7 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 100km, cách Phan Thiết khoảng 180km, cách Vũng Tàu khoảng 230km, cách Bến Tre 270km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Toàn bộ hoạt động ngư trường, tham gia đánh bắt hải sản với 803 tàu của TP.HCM, trọng điểm là huyện Cần Giờ, đã được đưa vào khu neo đậu. Ảnh: VietNamNet |
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 9, ngày hôm nay (24/11), Sở GD&ĐT TP.HCM vừa gửi thông báo đề nghị tất cả trường học các cấp trên địa bàn thành phố ngưng tổ chức các hoạt động giảng dạy, học tập và các hoạt động khác từ 12h trưa nay để đảm bảo an toàn cao nhất cho học sinh, giáo viên cũng như tránh những tổn thất không đáng có về cơ sở vật chất, trang thiết bị, báo Dân Sinh đưa tin.
Bên cạnh đó ngành giáo dục cũng yêu cầu các trường ngưng toàn bộ các hoạt động dã ngoại, ngoại khóa. Các trường cũng được yêu cầu chủ động lên các phương án phòng, chống nếu bão đổ bộ vào thành phố. Nhà trường chịu trách nhiệm trong việc tổ chức lực lượng, phân công kiểm tra, bảo vệ hệ thống, thiết bị, cơ sở vật chất trường học và xử lý mọi tình huống để tránh bão.
Do ảnh hưởng triều cường kết hợp với mưa lớn của hoàn lưu cơn bão số 9, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu và trên diện rộng ở khu vực hạ lưu sông Cửu Long và sông Đồng Nai-Sài Gòn.
Theo báo Tin tức, để ứng phó với tổ hợp mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 9 và triều cường lên cao vượt mức báo động III, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM đã đề nghị Công ty thoát nước đô thị thành phố kiểm tra tất cả các điểm có nguy cơ ngập, túc trực ở hơn 40 trạm bơm để xứ lý.
Hơn 500 người của đơn vị thoát nước cũng rải đều các quận huyện, túc trực 24/24. Hàng chục xe cẩu, xe tải, xe hút, máy bơm... được huy động thường xuyên tham gia chống ngập.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Công thương thành phố phối hợp cùng doanh nghiệp, bình ổn chuẩn bị nguồn hàng hỗ trợ bà con ứng phó với bão. Trước mắt, tập trung vào các mặt hàng gạo, mì gói, nước uống đóng chai và nhiều sản phẩm nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Hiện hàng hoá đã và đang được vận chuyển, tập kết về kho và các địa điểm phân phối của Saigon Coop tại địa bàn huyện Cần Giờ.
Hiện các sở, ngành, đơn vị Thành phố và UBND các quận, huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, nhà máy, xí nghiệp, bến cảng, kho tàng, hệ thống lưới điện, thông tin, cơ sở dịch vụ du lịch và các công trình công cộng, dân sinh khác để đảm bảo an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tham gia ứng phó bão và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó bão số 9.
Báo Lao động dẫn lời ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM cho biết, huyện Cần Giờ là nơi ảnh hưởng nặng nhất của cơn bão nên công tác di dời dân, chằng chống nhà cửa được triển khai gấp rút. Dự kiến có hơn 4.000 người dân Cần Giờ phải sơ tán. Tính đến sáng nay, đã có hơn 2.000 người sơ tán đến các điểm lưu trú tránh bão.
Ngoài ra, tại huyện Nhà Bè cũng có 226 hộ cần di dời, đã kiểm tra, sẵn sàng di dân khẩn cấp tới nơi an toàn.
Vi An (T/h)