Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn KV Nam Bộ, nhiệt độ tại khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP.HCM đang ở mức cao, nhiệt độ cao nhất ghi nhận được là 35-36 độ, có thể gây nguy hiểm cho da.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số bức xạ cực tím (tia UV) cao nhất là 11+ với thời gian gây bỏng là 10 phút. Với mức UV 8-10, thời gian gây bỏng là 25 phút.
Ông Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo Đài dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, thời gian gần đây, nhiệt độ cao nhất trong ngày rơi vào khoảng từ 11h – 15h mỗi ngày.
Theo dữ liệu ghi nhận được, bức xạ tia UV trong ngày 14/2 đã đạt mức 10/12. Do Nam Bộ đang bước vào mùa khô nên tình hình nắng nóng sẽ tiếp tục duy trì, ít nhất đến ngày 20/2. Sau đó, khi xuất hiện áp thấp nóng phía tây, nhiệt độ ở Nam Bộ có thể còn tăng thêm.
Trong khoảng thời gian từ 11h – 15h mỗi ngày, cường độ ánh nắng mặt trời cao nhất và cũng là thời gian có bức xạ cực tím cao nhất. Với mức này, tia UV có thể gây ảnh hưởng đến da, mắt khi tiếp xúc trực tiếp thường xuyên với ánh nắng.
Các bác sĩ cho biết, tia cực tím gây ảnh hưởng nhiều nhất đến mắt khi không đeo kính bảo hộ. Các tế bào bao bọc mắt có thể bị phá hủy do tia nắng, nhất là khi phản chiếu dội lên từ mặt xi măng, cát hay nước.
Sau khi bị tia cực tím chiếu, từ 6-15 giờ, bệnh nhân có những rối loạn thị giác như giảm thị lực, nhìn thấy quầng bao quanh các nguồn sáng. Sau đó, người bệnh sẽ cảm thấy như có dị vật ở trong mắt, chảy nước mắt, rất sợ ánh sáng. Thông thường, nếu tiến triển tốt, sau 8 giờ, những triệu chứng này sẽ tự khỏi.
Trường hợp cơ thể tiếp xúc với ánh nắng nhiều lần trong thời gian dài, tia cực tím còn có khả năng gây các chứng bệnh về mắt trầm trọng hơn, như suy hoại võng mạc, cườm mắt, lòa thậm chí mù mắt.
BS Nguyễn Phúc Cẩm Anh - nguyên giảng viên Khoa Da liễu, Trường ĐH Y dược TPHCM cho biết, khi da tiếp xúc trực tiếp dưới nắng có chỉ số UV cao với thời gian lâu sẽ làm cho da đỏ, rát, đau kèm theo ngứa, phù và có thể sốt. Đặc biệt, khi tác động lâu dài với UV ở mức cao còn làm tăng nguy cơ gây ung thư da do bị tổn thương ADN trong nhân tế bào da ở lớp thượng bì.
Ngoài ra, tia UV còn có thể gây ra một số tác hại đối với sức khỏe con người như u ác tính, ung thư mô tế bào cơ bản, ung thư mô tế bào hình vảy, lão hóa nhanh, ức chế miễn dịch.
Cách bảo vệ da khỏi tia cực tím
Bạn cần tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, đặc biệt vào thời điểm mà nhiều ánh nắng nhất trong ngày (từ 10-16h).
Mặc quần áo dài tay, váy dài che kín cơ thể, chọn chất liệu vải dệt khít nhau, màu sáng để tránh bắt nắng. Thường xuyên dùng kem chống nắng, dù di chuyển bằng ô tô.
Đội mũ rộng vành để che mặt và cổ.
Sử dụng chất chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 15 trở lên. Bôi chất chống nắng ít nhất 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau 2 giờ, cả khi trời có mây.
Luôn đeo kính khi ra đường.
Trẻ em chỉ nên tắm nắng trong khoảng thời gian trước 8h và sau 17h. Hạn chế cho trẻ ra ngoài. Khi buộc phải ra ngoài, cần che chắn, bảo hộ, thoa kem chống nắng như người lớn.
Theo Infonet