(ĐSPL) - Khoảng 1 tuần trở lại đây, dư luận TP. HCM và một số tỉnh thành miền Đông Nam Bộ bỗng nhiên xôn xao bàn tán về việc xuất hiện loại gạo chứa thạch tín.
Dù không ai khẳng định được nguồn gốc thông tin này từ đâu nhưng người dân cảm thấy nghi ngại về vấn đề này. Những thông tin này còn khẳng định gạo bị nhiễm thạch tín ở dạng thấp, khi ăn vào lâu ngày sẽ tích tụ trong cơ thể và sẽ khiến người ăn mắc bệnh ung thư… Chính vì những vấn đề như thế này mà cả người tiêu dùng, người kinh doanh đều rất hoang mang vì thực tế cho thấy, người dân Việt nam đều dùng gạo là lương thực chính. Vậy đâu là sự thật?
Ăn cơm nấu từ gạo chứa thạch tín bị ung thư?
Quá trình tìm hiểu thông tin, thu thập từ người dân cho biết, những thông tin về loại gạo có chứa chất thạch tín đã xuát hiện từ lâu và được người dân truyền miệng từ người này qua người kia. Trao đổi với chị Đặng Trâm Tú, một người kinh doanh gạo các loại trên địa bàn quận Tân Bình, TP. HCM được biết, ngoài việc đến mua gạo để sử dụng, thời gian gần đây người mua còn liên tục đặt những câu hỏi theo kiểu chất vấn như: “Gạo này ở đâu?”; “Nguồn gốc rõ ràng không?”; “Khi cấy trồng có phun thuốc trừ sâu không?”. Đáp lại những câu hỏi này, chị Tú đành phải giải thích cặn kẽ và chấp nhận tốn thời gian hơn mỗi khi bán hàng.
Theo như chị Tú thì gạo quầy của chị chủ yếu là gạo Việt Nam, những loại gạo nhập khẩu đều có nguồn gốc từ Thái Lan, Ấn Độ và một số nước chuyên xuất khẩu gạo. Theo như chị Tú, dù đã bán gạo được 10 năm nay nhưng chưa bao giờ nghe thấy thông tin về việc gạo có chứa chất giống như thạch tín và có thể gây ung thư.
Không khó để có thể bắt gặp một người dân đến quầy của chị Tú mua gạo với tâm lý hoang mang nghi ngại gạo có chứa thạch tín. Cầm trên tay túi gạo có xuất xứ từ miền Tây Nam Bộ, bác Trần Thị May, 58 tuổi, trú tại quận Tân Bình cho biết: “Mấy hôm nay tôi cũng nghe phong thanh mấy chị em trong khu phố nói về chuyện gạo có chứa chất độc gì đó. Bản thân tôi cũng không biết những chất độc đó là gì nhưng thực sự tôi không tin lắm vì bao nhiêu đời nay chúng ta ăn gạo rồi mà có làm sao đâu”.
Ảnh minh họa. |
Khảo sát tại một số quầy kinh doanh gạo ở một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, về khối lượng tiêu thụ hoàn toàn không suy giảm nhưng người bán thì thêm việc phải giải thích cho khách hàng biết được rõ nguồn gốc gạo xuất xứ từ đâu. Ghi nhận từ các cửa hàng bán gạo cho thấy số lượng người dân mua gạo nhập khẩu đang có chiều hướng suy giảm, người tiêu dùng hiện tại tập trung nhiều vào gạo được sản xuất trong nước vì chất lượng thì tương đương mà giá thành lại rẻ hơn rất nhiều, trong khi đó những thông tin đồn thổi về gạo làm từ cao su, từ nhựa, nay là chứa thạch tín đã khiến cho mọi người nghĩ rằng, cứ dùng gạo trong nước sản xuất là chắc nhất.Cũng theo bác Mây phản ánh thì không có cách nào để loại trừ thạch tín trong gạo và người tiêu dùng đành phải chấp nhận cảnh “sống chung với lũ” vì không thể nào loại bỏ được loại lương thực lâu đời và phổ biến nhất tại Việt Nam cũng như toàn châu Á.
Mơ màng về chuyện xuất hiện loại gạo chứa chất độc nhưng bác Mây lại cho rằng, nếu trong trường hợp có loại gạo chứa chất độc như vậy thì các cơ quan chức năng cũng như giới khoa học đã phải lên tiếng và giải quyết.Tiếp những câu chuyện diễn giải về thông tin được một số người đồn thổi với nhau, bác Mây cho biết, mấy bà trong khu phố bảo rằng nguồn gốc của gạo chứa thạch tín là xuất phát từ việc trồng lúa ở những vùng đất bị nhiễm asen nặng, cùng với đó là việc lạm dụng thuốc trừ sâu một cách vô tội vạ đã khiến cho cây lúa nhiễm độc ngay từ khi hình thành và sinh trưởng. Chất độc sẽ tích lũy từ thân cho tới hạt thóc và sau này kể cả khi hình thành gạo thành phẩm cũng vẫn còn.
Khó xảy ra
Theo tìm hiểu, thông tin về việc gạo có chứa thạch tín thật sự xuất hiện vào năm 2012 khi mà giới khoa học ở Hoa Kỳ công bố nghiên cứu cho thấy, gạo trắng thật sự có chứa thạch tín với hàm lượng nhỏ. Theo đó, giới khoa học ở Hoa Kỳ đã tiến hành nghiên cứu rất nhiều loại gạo khác nhau lấy từ nhiều nước khác nhau. Điều đáng nói thạch tín có rất nhiều trong hơn 60 loại gạo có xuất xứ khác nhau và nghiên cứu này sau đó đã được báo cáo lên Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Cũng theo kết quả nghiên cứu này thì nguyên nhân thực sự bắt nguồn từ cả hai yếu tố tự nhiên và nhân tạo, vô tình đã tích tụ chất độc trong hạt gạo khi chúng lớn lên. Loại thạch tín có trong gạo là thạch tín vô cơ, một chất trực tiếp gây ra bệnh ung thư. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, thạch tín vô cơ (một dạng đơn giản của thạch tín không liên kết với carbon) có thể tồn tại trong đất hơn 45 năm. Do vậy, dù các loại thuốc trừ sâu chứa thạch tín nguy hiểm bị cấm sử dụng đã lâu, chẳng hạn như thuốc trừ sâu chứa hỗn hợp arsenate chì (lead arsenate) bị cấm vào những năm 80, nhưng nó vẫn tồn tại lâu dài trong đất tới hàng thập kỷ, khiến cây trồng vẫn tiếp tục hấp thụ.
Các nhà khoa học Mỹ còn cho biết, nguyên nhân khiến gạo chứa thạch tín mà các loại ngũ cốc khác không có hoặc có rất ít xuất phát từ phương pháp canh tác, nhiều loại lúa gạo chỉ phát triển trong điều kiện đất ngập nước, thúc đẩy sự hấp thụ thạch tín hòa tan trong nước vào rễ cây. Những hạt gạo của cây lúa trưởng thành sẽ tích lũy phần lớn lượng thạch tín ở lớp bên ngoài và có thể bị tách ra trong quá trình xay xát thành gạo trắng. Đây là lý do tại sao gạo lứt, tuy nhiều lợi thế dinh dưỡng hơn gạo trắng nhưng lại chứa nhiều thạch tín hơn.
Ở Việt Nam, dựa theo thổ nhưỡng cũng như quá trình canh tác của bà con ở nhiều nơi, đặc biệt là hai vùng Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long cho thấy, việc sử dụng thuốc trừ sâu vẫn đang ở mức độ cho phép. Chính quyền, các cơ quan bảo vệ thực vật cũng luôn theo sát vấn đề này, hướng dẫn một cách cụ thể việc bà con sử dụng thuốc trừ sâu như thế nào cho đúng, cho hợp lý. Đúng là những tác động, ảnh hưởng của thuốc trừ sâu là rất lớn nhưng nếu được sử dụng đúng cách thì nó sẽ mang lại những hiệu quả về năng suất mà hoàn toàn không ảnh hưởng tới chất lượng.
Có thể thông tin về việc gạo chứa thạch tín xuất hiện khi một số người dân đọc được từ những nghiên cứu trên. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì việc gạo nhiễm thạch tín là điều rất khó xay ra, cùng với đó là thực tế bao nhiêu đời nay chúng ta đã sử dụng loại lương thực này nên việc tác động ra sao thì mọi người ai cũng có thể tự cảm nhận được.
NHÓM PV
Xem thêm video: [mecloud]YGG6POhcaj[/mecloud]