Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra thông điệp "2 tuần sắp tới là 2 tuần có ý nghĩa quyết định đối với Việt Nam" và khuyên người dân nên đóng cửa hàng, hạn chế ra đường.
Tuổi trẻ đưa tin, chiều 19/3, ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang tham dự.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: HCM |
“Điều thực sự gây sốc và khiến chúng tôi gục ngã là sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Nếu sự lây lan không được kiểm soát thì bệnh viện nào cũng phải chịu thua”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nhắc lại lời tâm sự của một bác sĩ ở Ý để cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Giám đốc sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đã có báo cáo về kế hoạch mở rộng các khu cách ly trong thành phố nhằm ứng phó với dịch Covid-19.
Ông Bỉnh nhận định: “Hai tuần sắp tới là hai tuần có ý nghĩa quyết định đối với Việt Nam”. Để sẵn sàng ứng phó, TP.HCM sẽ triển khai thêm 19.900 giường cách ly người nghi nhiễm.
Sở Y tế lên kế hoạch tận dụng các khu cách ly ở ngoại ô trước và để dành bệnh viện trung tâm cho các tình huống khẩn cấp. Sở dự kiến sẽ di chuyển toàn bộ ca nghi nhiễm ở bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM qua viện khác.
"Thời gian tới sẽ giảm số lượng cách ly tại quận, huyện để tránh lây lan cho cộng đồng, chuyển dần ra những khu cách ly tập trung ở 3 cửa ngõ", ông Bỉnh cho hay.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh tại cuộc họp. Ảnh: Tuổi trẻ |
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cũng đề nghị người dân không có việc cần thiết thì không nên ra đường, hàng quán không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ các hàng thuốc, thực phẩm, siêu thị…
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng tiến hành triển khai mở rộng khu cách ly điều trị. Ngoài 3 nơi hiện tại gồm Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện huyện Cần Giờ và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Sở Y tế tính tới chuyển toàn bộ bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM (huyện Bình Chánh) sang Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 để vận hành nơi này như khu chữa trị.
Về trang thiết bị y tế, sở cho biết đã tăng lượng dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, máy thở lên gấp đôi để đảm bảo đáp ứng cho cả nhân viên y tế và nhân viên kiểm dịch tại Cảng hàng không quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất. Định mức cho trang phục phòng hộ của nhân viên y tế cũng được tăng từ 250.000 đồng lên 500.000 đồng/bộ.
Liên quan đến chuyện cách ly có thu phí theo yêu cầu, ông Bỉnh cho hay hiện Sở Du lịch TP.HCM đã có hướng sử dụng các khách sạn. Trước mắt sẽ chọn những khách sạn ở ngoại ô như Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi… Cách ly ở nội ô chỉ là phương án cuối cùng.
Người dân được kiểm tra sức khỏe tại nơi khoanh vùng cách ly. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Về các phòng cách ly áp lực âm, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết hiện có 3 công ty thi công cho TP dưới sự tài trợ của các đơn vị và của nhà nước. Hiện nhiều nhà tài trợ cũng đồng thuận, có thể làm thêm 100 phòng. Cố gắng hết công suất của 3 công ty thì một tuần làm được khoảng 20 phòng.
Người đứng đầu ngành y tế TP cũng cho biết TP đã lập trung tâm vận hành nguồn nhân lực để cung cấp nhân sự cho các khu tập trung mới, sẵn sàng nhân lực ứng phó cho 2 bệnh viện dã chiến.
“Đội cơ động đã đi Củ Chi, xuống Cần Giờ. Lực lượng sẽ luân phiên nhau đi, đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc”, ông Bỉnh nói.
Tính đến sáng 19/3, TP.HCM có tổng cộng 12 trường hợp dương tính với Covid-19. Trong đó, 3 người đã khỏi bệnh, xuất viện. 9 bệnh nhân còn lại được xác định từ ngày 9/3 đến 19/3 gồm các ca: 32, 45, 48, 53, 54, 64, 65, 66, 75.
Tổng số trường hợp tiếp xúc với 9 ca bệnh mới (BN 32, 45, 48, 53, 54, 64, 65, 66, 75) đến ngày 19/3 là 667 trường hợp. Tổng số trường hợp nghi ngờ đến ngày 19/3 là 177 trường hợp (173 người âm tính, 4 trường hợp đang đợi kết quả).
Minh Khôi(T/h)