Theo quy định, thừa phát lại cũng không được lập vi bằng để xác nhận sự kiện, hành vi liên quan đến đất đai, tài sản không có giấy chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu nhằm mục đích chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu.
Sở Tư pháp TP.HCM vừa chỉ đạo các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP không lập vi bằng cho nhà, đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Theo đó, trưởng văn phòng thừa phát lại nhất quán không lập vi bằng việc mua, bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền, lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.
Đồng thời, thừa phát lại cũng không được lập vi bằng để xác nhận sự kiện, hành vi liên quan đến đất đai, tài sản không có giấy chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu nhằm mục đích chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu.
Chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ không được lập vi bằng. Ảnh: Báo Nông nghiệp |
Khi lập vi bằng, thừa phát lại phải giải thích rõ, đầy đủ về giá trị pháp lý của vi bằng do thừa phát lại lập cho người yêu cầu lập vi bằng biết, tránh "ngộ nhận" vi bằng với văn bản được công chứng, chứng thực.
Dưới góc độ thực tiễn, mua nhà không có giấy chứng nhận sở hữu còn có một số hạn chế, rủi ro khác. Ví dụ, khi giá nhà đất tăng cao, chủ cũ có thể kiện ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng và trường hợp này người mua thường thua thiệt. Do nhà không có giấy chứng nhận quyền sở hữu nên không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng, giảm sự linh hoạt, hiệu quả trong việc sử dụng tài sản.
Dưới góc độ khác, để bảo vệ quyền lợi của các bên khi mua bán những loại tài sản có giá trị, luật quy định phải có đăng ký với cơ quan chức năng. Thế nhưng trong thực tế không phải tài sản nào cũng có đủ giấy tờ hợp lệ để thực hiện việc đăng ký. Cụ thể, bất động sản vướng quy hoạch, giấy tờ nhà cũ chưa được cấp đổi theo hiện trạng khi mua bán, người đứng tên sở hữu tài sản và người sử dụng khác nhau...
Theo tin từ Tuổi trẻ, bà Phan Thị Bình Thuận - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, hiện nay trong bốn hoạt động thừa phát lại được thực hiện có hoạt động lập vi bằng.
Vi bằng là văn bản có giá trị nguồn chứng cứ ghi nhận và chứng minh sự kiện, hành vi có diễn ra. Thừa phát lại không ghi nhận các bên có mua bán nhà đất bằng giấy tay hay chứng nhận hành vi, sự việc mua bán đó đúng hay sai.
Khi lập xong vi bằng, thừa phát lại phải lên Sở Tư pháp TP đăng ký vi bằng đó nên Sở Tư pháp luôn kiểm soát chặt nội dung.
Theo bà Thuận, có một thực tế tại nhiều quận, huyện vùng ven, điều kiện diện tích tách thửa để đăng ký quyền sử dụng đất khá lớn. Thu nhập của nhiều người lao động không đủ để mua nhà đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Do vậy, nhiều người dân chọn mua đất bằng giấy tay, sau đó nhờ thừa phát lại lập vi bằng chứng kiến việc giao nhận tiền. Có trường hợp thừa phát lại đã giải thích rõ giá trị vi bằng, nhưng người dân vẫn chấp nhận mua đất bằng giấy tay.
Vũ Đậu (T/h)