Để phát huy hiệu quả của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên khi đưa vào hoạt động vào năm 2020, UBND TP.HCM chấp thuận bổ sung chức năng sử dụng đất ở, thương mại - dịch vụ.
Ngày 25/4, UBND TP.HCM duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch khu dân cư Bến xe Miền Đông mới và ga depot (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên), P.Long Bình, quận 9 với quy mô diện tích khu vực điều chỉnh cục bộ quy hoạch gần 3 ha. Theo đó, UBND TP chấp thuận bổ sung chức năng sử dụng đất ở, thương mại - dịch vụ; nhà ở xây dựng tầng cao tối đa 12 tầng.
Cùng ngày, Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình UBND TP phê duyệt, 4 bến xe khách liên tỉnh hiện có trong khu vực đường vành đai 3 được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô như hiện nay.
Công nhân thi công bến xe miền Đông mới. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Về lâu dài, các bến xe này sẽ được chuyển chức năng thành các điểm đầu mối phục vụ giao thông công cộng (bãi đỗ xe, điểm trung chuyển xe buýt...). Các tuyến xe hiện tại ở các bến này sẽ được điều chuyển về các bến xe ở khu vực đường vành đai 4 như bến Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài. Dự kiến, đồ án sẽ được phê duyệt trong quý 2/2018.
Được biết, Bến xe miền Đông mới tại phường Long Bình và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) khởi công đầu năm 2017, rộng 16 ha (gấp 3 lần bến xe hiện nay). Dự án do Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn làm chủ đầu tư với tổng số vốn khoảng 4.000 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017.
Theo quy hoạch, bến xe Miền Đông mới là công trình liên hợp hiện đại đa chức năng gồm 4 khu A, B, C, D. Trong đó khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với tòa nhà cao nhất là 26 tầng; khu B là trạm xe buýt 2 tầng; C là khu trung chuyển và giao dịch hàng hóa 5 tầng; D là khu thương mại dịch vụ 15 tầng.
Bến xe miền Đông mới sẽ kết nối với các tuyến xe buýt, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Vũ Đậu (T/h)