Theo thông tin ban đầu, khoảng 10h ngày 13/5, ông N.D.K. (62 tuổi, sống tại đường Tam Châu, phường Tam Bình, TP.Thủ Đức, TP.HCM) được chủ tiệm giày dép trên đường Tam Châu thuê đến cắt tỉa cây xanh trước tiệm.
Khi ông K. vừa trèo lên mái nhà thì bị điện giật bất tỉnh trên mái nhà. Vụ việc sau đó được người dân phát hiện, tuy nhiên người dân không dám leo lên sơ cứu bởi nguồn điện chưa ngắt.
Nhận được tin báo, Công an P.Tam Bình phối hợp với lực lượng của công ty điện lực đến nơi, ngắt nguồn điện, sơ cứu, đưa ông K. đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, ông K. đã tử vong trước khi đến bệnh viện.
Đến 12h30 cùng ngày, lực lượng chức năng Công an TP.Thủ Đức và các đơn vị liên quan vẫn đang khám nghiệm hiện trường vụ điện giật chết người, làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Để đề phòng điện giật, cần tuân thủ các quy tắc sử dụng điện an toàn. Phải lưu ý, ngắt nguồn điện khi sửa điện, các ổ cắm điện, thiết bị điện cần để xa tầm với của trẻ em. Trên thực tế, các cơ sở y tế thường tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị điện giật, chủ yếu là thợ sửa điện, thợ sơn, thợ hàn, những người làm những công việc liên quan đến thiết bị điện, kể ca sửa điện ở nhà...
Khi sửa những vật dụng có điện khác, thông thường mọi người ngắt cầu dao rồi mới tiến hành sửa. Còn sửa bồn nước, nhiều người thường quên rằng bồn nước trên mái nhà cũng có gắn điện, quên ngắt cầu dao thì có thể bị giật điện khá nguy hiểm. Ngoài ra, nhiều trường hợp bị điện giật còn do phơi quần áo ướt lên dây sắt có dẫn điện, chạm phải dây điện rơi xuống đường, xuống vùng có nước, nhất là mùa mưa bão... Nhiều trường hợp cấp cứu nạn nhân là trẻ nhỏ, do ổ cắm điện trong gia đình để quá thấp, các thiết bị điện bị nhiễu, trẻ vô tình chạm phải.
Việt Hương (T/h)