+Aa-
    Zalo

    TP.HCM: Cảnh báo chiêu lừa đảo giả danh người có "địa vị"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Chỉ vì muốn thực hiện giấc mơ đổi đời, không ít người đã sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.

    (ĐSPL) - Chỉ vì muốn thực hiện giấc mơ đổi đời, không ít người đã sập bẫy của các đối tượng lừa đảo. Sự cả tin khiến cho không ít người lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất. Điều đáng nói, để thực hiện được hành vi lừa đảo của mình một cách dễ dàng, các đối tượng này thường đóng vai là người có địa vị, chức sắc trong xã hội.

    Luật sư "dỏm" ẵm gọn hàng trăm ngàn USD!

    Lợi dụng sự cả tin của nhiều người dân, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có không ít đối tượng giả danh là người có "địa vị, chức vụ" trong xã hội, để dễ dàng lừa đảo những nạn nhân có nhu cầu đi du học, xuất khẩu lao động, thậm chí vay ngân hàng không thế chấp... Với nhiều chiêu trò tinh vi của các đối tượng lừa đảo này, đã khiến cho không ít người dân rơi vào cảnh bần cùng, nợ nần chồng chất.

    Ngày 28/1, Cục Cảnh sát Hình sự (C45) - Bộ Công an cho biết, đơn vị này vừa bắt khẩn cấp đối tượng Huỳnh Thanh Vũ (38 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng).

    Đối tượng Vũ tại Cơ quan điều tra.

    Theo thông tin ban đầu, vào năm 2013, bà B.T.H. (41 tuổi, quê tỉnh Thái Bình) có nhu cầu muốn đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Qua giới thiệu của một số người, bà H. đến gặp Vũ để hỏi thăm về vấn đề này.

    Để tạo lòng tin cho bà H., Vũ tự xưng là một luật sư giỏi tại TP.HCM, lại có kinh nghiệm trong việc đưa lao động sang Hàn Quốc.

    Theo lời Vũ nói, các thủ tục đi xuất khẩu lao động, sẽ được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng nhờ "tài năng" của một người làm trong ngành "luật" như Vũ. Để có thể đi sang Hàn Quốc lao động, bà H. phải bỏ ra số tiền 14.000 USD, và phải đưa trước 4.000 USD. Sau khi mọi thứ hoàn tất thì thanh toán toàn bộ số tiền theo thoả thuận. Vũ còn hứa sẽ gia hạn visa cho một người thân của gia đình bà H. đang làm việc tại Hàn Quốc. Điều đáng nói, với những thủ đoạn tinh vi này, Vũ đã lừa đảo được 18 người tại tỉnh Hà Tĩnh và 2 người ở tỉnh Tây Ninh. Số tiền mà Vũ chiếm đoạt của các nạn nhân lên tới hơn 150.000 USD. Bộ mặt thật của Vũ chỉ được phơi bày, khi gia đình bà H. tá hỏa bị lừa nên đã tìm đến công an tố cáo vào tháng 11/2014.

    Từ những thông tin cung cấp của các nạn nhân, lực lượng cục Cảnh sát hình sự đã âm thầm theo dõi những động thái của Vũ đến ngày 27/1, đơn vị này bất ngờ ập vào căn nhà của hắn tại đường Bông Sao (phường 5, quận 8) bắt khẩn cấp đối tượng lừa đảo. Theo thông tin từ một cán bộ Cục Cảnh sát Hình sự, mặc dù chỉ mới học đến lớp 4, nhưng Vũ tỏ ra khá tinh vi, xảo quyệt. Cùng với tài ăn nói, nhiều nạn nhân lần lượt sập bẫy vị luật sư "dỏm" này.

    Tang vật Cơ quan điều tra thu được tại nơi ở của Vũ.

    Khốn khổ vì lầm tin kẻ lừa đảo

    Thời gian qua, đường dây nóng của báo Đời sống và Pháp luật nhận không ít cuộc gọi của bạn đọc gọi về cầu cứu vì bị mắc bẫy từ giấc mơ du học, làm giàu từ xuất khẩu lao động. Anh P.V.T. (SN 1984, ngụ TP.HCM) cho hay: "Vì muốn cải thiện hoàn cảnh khó khăn của gia đình, tôi tìm đến công ty TNHH MTV H.G. (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) do một người đàn bà tên N. làm giám đốc, để tìm hiểu và nhờ họ làm thủ tục đi xuất khẩu sang Úc".

    Theo lời kể của anh T.: "Lúc đầu, mới tiếp cận những con mồi như tôi, bà N. tìm mọi cách lấy lòng tin và chứng tỏ mình là người "nhân hậu", hết lòng nâng đỡ những người gặp khó khăn. Không những thế, bà N. còn hứa với "khả năng" của mình, tất cả những khách hàng sẽ có công việc nhẹ nhàng, lương cao. Bà ấy còn hứa, nếu như chúng tôi không có công việc ổn định thì bà ấy sẽ trả lại toàn bộ chi phí mà chúng tôi đã bỏ ra".

    Tin tưởng vào "lòng nhân hậu" của bà N., anh T. đã vay mượn khắp nơi với lãi suất cao và đưa cho bà N. tổng số tiền là 143 triệu đồng. Thế nhưng, gần một năm sau, anh T. vẫn không nhận được bất cứ thông tin nào từ bà N. về việc đi xuất khẩu. Nhiều lần, anh T. đến hỏi thì bà N. nói đang chờ hoàn tất hồ sơ. Sự thật về nữ "giám đốc" nói trên đã được phơi bày khi anh T. quyết định đi tìm hiểu về công ty H.G. cũng như sự thật về bà N..

    Anh T. cho hay: "Khi tôi nhờ người thân đi khắp các cơ quan chính quyền để hỏi thì mới biết bà N. là kẻ chuyên lừa đảo những người có ý định đi du học, xuất khẩu lao động. Thời điểm mà tôi phát hiện đã có tới vài chục nạn nhân bị bà ấy qua mặt. Kể từ lúc biết mình bị lừa, ngày nào vợ chồng tôi cũng bồng bế con lên cửa nhà bà ấy để đòi lại tiền nhưng bà N. nhất quyết không chịu mở cửa, cũng không lên tiếng. Thậm chí, công an đến mời lên làm việc bà ấy cũng không đi. Tình cảnh này đã đẩy gia đình tôi hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Tôi phải bán tất cả tài sản trong nhà đi trả nợ, nhưng vẫn không thấm vào đâu".

    Không chỉ vậy, nhiều nạn nhân phải bỏ học giữa chừng vì lầm tin tưởng đối tượng lừa đảo. Trao đổi với PV về vấn đề này, chị N.T.D. (ngụ quận 12) mếu máo: "Cách đây gần một năm, tôi vì muốn cho con đi du học ở Mỹ nên đã tìm đến công ty tên V.C. (quận Bình Thạnh). Lúc đến đóng tiền, làm thủ tục, công ty yêu cầu con tôi phải nghỉ học để đi học ngoại ngữ. Trước lời nói hết sức thuyết phục của nhân viên trong công ty này, tôi quyết định rút học bạ, cho con nghỉ học khi cháu đang bước vào lớp 10. Tuy nhiên, vì quá tin tưởng, tôi đã hại con mình bỏ lỡ việc học tập giữa chừng. Bởi sau khi lấy hơn 50 triệu đồng của tôi, lãnh đạo công ty V.C. đã biệt tăm".

    Không chỉ vậy, khi PV đang thực hiện bài viết này, anh H. (ngụ tại quận Bình Tân) gọi đến chia sẻ: "Cách đây bốn tháng, tôi bị một người tên X. - nhân viên ngân hàng dỏm lừa lấy đi gần 30 triệu đồng tiền đặt cọc. Qua một người quen, tôi gặp người này vì nghe mọi người nói X. là nhân viên ngân hàng, lại có người quen làm lãnh đạo trong một ngân hàng tại TP.HCM. Bất cứ ai có nhu cầu vay vốn không thế chấp đều có thể đến để được sự "giúp đỡ" của X.. Không phải trường hợp ngoại lệ, tôi tìm đến vì muốn nhờ X. vay 200 triệu đồng về lấy vốn làm ăn. Tuy nhiên, X. yêu cầu tôi phải đóng gần 30 triệu đồng làm thủ tục vay. Vì tin tưởng, tôi về vay mượn đưa tiền đến cho X. và chờ đợi ngày nhận tiền. Thế nhưng, 10 ngày sau khi đưa tiền, tôi đến tìm X. như đã hẹn thì cô ta đã biến mất cho đến nay".

    Tội phạm lừa đảo ngày càng gia tăng

    Trao đổi với PV, luật sư Phạm Văn Phúc, văn phòng tư vấn Luật Phúc và Đồng Sự cho hay: "Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn ra phổ biến và có dấu hiệu gia tăng. Các đối tượng phạm tội thường sử dụng nhiều phương thức cũng như thủ đoạn khác nhau để tạo lòng tin, rồi "móc túi" người dân. Trong thời gian gần đây thường xuất hiện tình trạng, nhiều đối tượng lừa đảo mạo nhận là công an, giám đốc công ty hoặc thẩm phán để nhận xin việc hoặc chạy án nhằm chiếm đoạt tài sản. Vụ việc của đối tượng Vũ là một hồi chuông cảnh báo cho tất cả người dân cần nâng cao cảnh giác đối với thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, để tránh tiền mất tật mang. Khi thấy có dấu hiệu bất thường, mọi người nên đến các cơ quan chức năng liên quan hoặc chính quyền địa phương để tìm hiểu kỹ tránh bị "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tphcm-canh-bao-chieu-lua-dao-gia-danh-nguoi-co-dia-vi-a81957.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Giả danh cán bộ ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    Giả danh cán bộ ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    (ĐS&PL) - Một đối tượng tự nhận mình là cán bộ ngân hàng nên nhận lời giúp các nạn nhân mua nhà nợ xấu với giá "phải chăng". Sau đó, đối tượng lấy luôn số tiền đặt cọc để trả nợ và tất nhiên cũng không giao nhà cho các nạn nhân...