Sau 10 ngày điều trị, nam bệnh nhân dương tính với virus corona tại TP.HCM đang dần hồi phục, không sốt, giảm ho, ăn uống sinh hoạt bình thường.
Chiều 9/2, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có buổi làm việc với bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, UBND TP.HCM về công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới của virus corona (nCoV).
Khu cách ly bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nCoV tại BV Bệnh nhiệt đới. Ảnh: PLO |
Báo cáo tình hình, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV cho biết, hiện BV đang điều trị cho một bệnh nhân dương tính với nCoV. Đó là bệnh nhân T.H.K (sinh năm 1947, quốc tịch Mỹ), lưu trú tại một khách sạn ở quận 3 sau khi quá cảnh ở Vũ Hán và bay về Việt Nam.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân ho khan 6 ngày, không sốt, thở mệt, tổn thương phế nang mô kẽ lan tỏa 2 phế trường... Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ bộ Y tế, hỗ trợ hô hấp. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân khỏe, ăn uống, sinh hoạt bình thường, không sốt, giảm ho, thở khí trời... Kết quả phết mũi họng vẫn còn dương tính với virus corona.
Đặc biệt, bệnh viện cũng tiếp nhận 3 ca ở cùng khách sạn với bệnh nhân, trong đó một em bé có biểu hiện sốt, ho và phát ban, đang chờ kết quả xét nghiệm.
Ngoài ra, BV cũng cách ly và theo dõi 43 ca nghi ngờ nhiễm bệnh, gồm 18 người quốc tịch Việt Nam, 18 người quốc tịch Trung Quốc, 4 người quốc tịch Mỹ, 1 người Ấn Độ, 1 người Đức và 1 người Nga, 1 người đến từ Ý. Trong đó, 13 ca không triệu chứng đang được tiếp tục theo dõi. 29 ca dù có triệu chứng nhưng kết quả xét nghiệm nCoV âm tính.
BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu báo cáo về tình hình cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV tại BV. Ảnh: PLO |
Ở một diễn biến khác, cũng trong ngày 9/2, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chính thức phủ nhận cách thức lây lan qua đường bụi khí của nCoV. Đây là thông tin thiếu cơ sở được phát tán và gây hoang mang trong dư luận những ngày vừa qua.
Theo Thứ trưởng Sơn, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ có 3 con đường cơ bản lây nhiễm của nCoV. Cụ thể là lây truyền qua không khí (qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp), lây trực tiếp (khi tiếp xúc với người bệnh mà không thực hiện biện pháp phòng bệnh) và lây truyền qua bề mặt trung gian đã nhiễm bẩn.
Cách lây qua qua đường phân (trong trường hợp chăm sóc người nhiễm bệnh) thường không xảy ra vì bệnh nhân được chăm sóc cách ly trong cơ sở y tế. Cách lây theo đường "bụi khí" như thông tin đang gây xôn xao dư luận trên một vài kênh thông tin là hoàn toàn không chính xác.
Nguyễn Phượng (T/h)