(ĐSPL) - TP HCM vừa được xếp hạng vào danh sách thành phố phát triển nhanh nhất thế giới. Danh sách này đánh giá dựa trên các báo cáo định kỳ sáu tháng theo dõi các trung tâm kinh tế mới nổi và đã phát triển trên toàn cầu.
Ngày 7/7, Văn phòng tại TP HCM của Tập đoàn Jones Lang LaSalle (JLL) - tập đoàn cung cấp dịch vụ và quản lý đầu tư về bất động sản công bố báo cáo nghiên cứu Danh sách các thành phố năng động trên thế giới do JLL thực hiện.
Theo JLL, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) tăng cao và chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng đã góp phần làm cho TP HCM trở thành thành phố có biên độ phát triển lớn nhất.
Ông Jeremy Kelly, Giám đốc Nghiên cứu toàn cầu của JLL cho biết TP HCM nổi lên như một trung tâm kinh tế quan trọng và đang phát triển ở châu Á. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng chính như tuyến metro đầu tiên của TP HCM góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Sáu tháng đầu năm nay, TP HCM thu hút được hơn 1,2 tỷ USD vốn đầu tư. Nhà máy mới của Samsung trị giá 1,4 tỷ USD tại Khu Công nghệ cao TP HCM cho thấy sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng lên tại đây.
Danh sách này đánh giá dựa trên các báo cáo định kỳ sáu tháng theo dõi các trung tâm kinh tế mới nổi và đã phát triển trên toàn cầu.
Nó ghi nhận tốc độ phát triển kinh tế-xã hội ngắn hạn và thị trường bất động sản thương mại của một thành phố trong chu kỳ 3 năm kết hợp với các phương pháp "kiểm chứng tương lai,” nghĩa là thành phố đó có hay không yếu tố cần thiết để đảm bảo đà phát triển bền vững lâu dài như giáo dục, sự cải tiến và môi trường.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty JLL Việt Nam cho rằng, TP HCM đã phát triển đáng kể trong 2 năm qua do sự kết hợp của việc cải thiện điều kiện kinh tế và niềm tin trở lại vào thị trường.
Nhiều nhà đầu tư và phát triển dự án nước ngoài cũng như trong nước đang cố gắng để có được một vị trí trong thành phố này.
TP HCM vừa được xếp hạng vào danh sách thành phố phát triển nhanh nhất thế giới. |
Đổi thay nhờ FDI
"Thành phố này đã thay da đổi thịt có phần đóng góp rất lớn từ doanh nghiệp FDI”, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP HCM bày tỏ. Ông nói ngoài tạo ra việc làm cho khoảng 22\% lực lượng lao động nơi đây, các doanh nghiệp FDI còn mang lại công nghệ, kỹ thuật, phương thức và bí quyết kinh doanh và “đây mới là yếu tố quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.
Để có được những con số ấn tượng trên, nhiều chuyên gia và cả lãnh đạo thành phố đều đánh giá, chính là nhờ vào thái độ cởi mở nhưng nghiêm túc của các cơ quan quản lý. “Đây là yếu tố nồng cốt và thiết thực trong việc thu hút khách hàng, mà ở đây là đầu tư nước ngoài”, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP HCM nói trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp FDI tại TP HCM mới đây.
Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết, cải cách các thủ tục hành chính là mục tiêu số một trong thành quả thu hút nguồn FDI. Theo ông, chính sách về đất đai với các dự án FDI được thực hiện thí điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hạ tầng, chuyển nhượng nhà ở gắn liền với đất có hạ tầng tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã thành công, và là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định 84 sau này.
Ông Rê nói thêm rằng, trong nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, TP HCM đã đạt được nhiều kết quả, khi đã giảm được 10 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 26 thủ tục, thay thế 5 thủ tục và bãi bỏ 144 thủ tục.
“Thành phố đã cập nhật 241 thủ tục hành chính vào cơ sở dữ liệu quốc gia, để các doanh nghiệp và người dân có thể dễ dàng tiếp cận. Điểm nhấn nổi bật là dự án “văn phòng không giấy” được triển khai, với hệ thống một cửa điện tử. Điều này ít nhiều làm hài lòng các nhà đầu tư của hơn 3.000 văn phòng đại diện từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đang làm ăn tại địa phương”, ông Rê cho hay.
Với ông Yasuzumi Hirotaka - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM, sự cởi mở trong thu hút đầu tư của thành phố đã khác biệt nhiều so với trước đây. Dù còn một vài vướng mắc nhỏ, ông Võ Quang Huệ, Thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam, thừa nhận sự quyết liệt trong đổi mới cơ chế đầu tư, giúp cho các doanh nghiệp châu Âu càng tin tưởng vào TP HCM.
“Chúng tôi luôn chọn TPHCM làm điểm đến trong đầu tư, và hy vọng sức hút nơi đây không giảm sút”, ông Huệ nói với Tiền Phong.
Ngoài nhờ nguồn vốn từ FDI, sự hồi sinh của nhiều công trình mang dấu ấn tại thành phố 10 triệu dân, còn có sự mạnh dạn triển khai các hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT, BT, BTO. Dự án đường vành đai ngoài Tân Sơn Nhất - Bình Lợi do Tập đoàn GS E&C thực hiện, là dự án BT đầu tiên của nước ngoài thí điểm tại TP HCM đem lại hiệu quả cao.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
[mecloud]GeT1L94qN5[/mecloud]