Sáng 5/1, Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin cho hay, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký công văn khẩn gửi các cơ quan liên quan để tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại test kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.
Theo đó, việc này là dựa trên đề xuất của sở Y tế TP.HCM.
UBND TP.HCM giao Thanh tra thành phố thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra đột xuất việc mua bán, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR xác định COVID-19 tại một hoặc một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Phối hợp, hỗ trợ, theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh các loại kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR đảm bảo chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, tránh trùng lặp, không làm cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra.
UBND TP.HCM cũng giao sở Y tế có văn bản yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc rà soát về quy trình, thủ tục mua sắm, về chất lượng, giá, tư cách pháp nhân... theo đúng quy định.
Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, sở Y tế sẽ tập trung vào giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty cung ứng, các cơ sở sử dụng các loại xét nghiệm. Đồng thời thực hiện sử dụng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện... phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 đảm bảo khoa học, đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát.
Sở Y tế cũng phải tiếp tục xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố trong năm 2022.
Trong đó tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện... phòng chống dịch, đặc biệt là các loại kit xét nghiệm, giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện... phục vụ phòng chống dịch, đặc biệt là kit xét nghiệm.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng giao Công an TP.HCM kiểm tra, xác minh việc đăng tải các thông tin liên quan đến mua, bán thuốc điều trị COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện... phục vụ phòng chống dịch không có nguồn gốc xuất xứ thông qua mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác. Xử lý nghiêm để răn đe các trường hợp vi phạm, phòng ngừa tiềm ẩn phát sinh tội phạm kinh tế và chức vụ.
Đối với UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại địa phương, tránh lãng phí, thất thoát kit xét nghiệm, trang thiết bị y tế. Xử lý, khắc phục ngay các tồn tại liên quan đến việc tổ chức xét nghiệm và tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Trước đó, theo Tri Thức Trực Tuyến, ngày 31/12/2021, bộ Công an cho biết đã khởi tố 12 bị can trong vụ thổi giá kit xét nghiệm SARS-CoV-2 xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á và các đơn vị liên quan.
Kết quả điều tra cho thấy Công ty Việt Á đã thông đồng, câu kết với lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) cùng một số cơ sở y tế ở các địa phương ký hợp đồng cung ứng kit test COVID-19 trái quy định, đưa và nhận hối lộ trái pháp luật, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước.
Sau vụ việc, nhiều tỉnh, thành đã thanh tra mua sắm kit test COVID-19 như Đồng Nai, Đà Nẵng...
Tại TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC) khẳng định không mua kit test của Công ty Việt Á.
Hiện, sở Y tế ghi nhận 2 đơn vị mua kit test của Việt Á là bệnh viện TP.Thủ Đức và bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, chưa phát hiện sai phạm.
Thủy Tiên (T/h)