TP.HCM kiểm tra gói hỗ trợ: Người dân 'ngộ nhận' ai cũng được nhận, đăng ký tràn lan.
Mở đầu đợt tổng kiểm tra các gói hỗ trợ tại 22 quận, huyện, TP Thủ Đức, ngày 2-11, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì buổi kiểm tra đầu tiên tại quận Phú Nhuận.
Với tổng số nhân khẩu thực tế hơn 168.000 người, đợt 1 quận Phú Nhuận đã hỗ trợ 4,52% tổng số dân với khoảng 7.600 người. Đợt 2 hỗ trợ 14,7% (10.700 lao động tự do và gần 13.000 hộ nghèo, cận nghèo, hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn), đợt 3 hỗ trợ 68% với 120.200 người được phê duyệt nhận hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thị Kiều Nhi - phó chủ tịch UBND quận Phú Nhuận - cho biết với tiêu chí hỗ trợ người dân mất thu nhập, không có việc làm, có hoàn cảnh thực sự khó khăn, tổ dân phố gặp rất nhiều áp lực.
Nhiều nơi phường tổ chức các đoàn để xét duyệt, bình nghị tại chỗ, nếu không đúng diện sẽ kiên quyết không xét cho những trường hợp này ngay từ đầu. Quá trình chi trả phát hiện không đúng diện cũng sẽ ngưng chi trả", bà chia sẻ.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết: "Nhiều quận, huyện phản ảnh nhiều người dân không thuộc diện nhưng vẫn yêu cầu được hỗ trợ. Người dân thì nói người khác cũng như tôi mà sao quận khác cho nhận hỗ trợ, còn tôi không được nhận. Họ truyền tai nhau rồi cả khu vực đồng loạt kéo lên phường yêu cầu hỗ trợ.
Khi nghe quận huyện phản ảnh, chúng tôi chỉ đạo các quận huyện nếu làm đúng thì cứ thẳng thắn, mạnh dạn làm. Sau đó tổ chức các đoàn đi xem xét ngẫu nhiên một số hộ tại các khu vực, giải thích cho người dân".
Ông Hoan cũng đánh giá tiêu chí của đợt 3, hỗ trợ người dân "có hoàn cảnh thực sự khó khăn" là chung chung, định tính, gây khó khăn cho địa phương, các cô chú tổ dân phố, ban điều hành khu phố, không tránh khỏi tình trạng nhiều trường hợp địa phương làm đúng quy định nhưng người dân vẫn cho rằng làm sai.
Phó Thủ tướng: Hà Nội không thể đợi tiêm hết vaccine mới cho trẻ đến lớp.
Phát biểu nêu trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đưa ra tại buổi làm việc với TP Hà Nội vào sáng 2/11.
Về cung cấp vaccine, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế bố trí đủ vaccine để Hà Nội tiêm toàn bộ người trên 18 tuổi, kể cả người từ nơi khác đến. Đối với học sinh, tập trung trước một bước cho những nơi có dịch rất nặng trong thời gian vừa qua, kể cả những nơi liền kề Hà Nội.
Về vấn đề cho học sinh đi học trở lại, ông cho rằng, Hà Nội đã lên kế hoạch cho học sinh ở một số vùng, một số lớp đi học trở lại với một số điều kiện, cần tiếp tục đánh giá rất sát vấn đề này.
Tiếp tục phân tích về vấn đề này, ông Đam nhấn mạnh việc không được đến trường ảnh hưởng rất lớn đến học tập và tâm sinh lý của các cháu. Đây là nhu cầu không chỉ của học sinh, mà còn của gia đình, của lực lượng lao động trên địa bàn.
Hơn nữa, Tổ chức Y tế thế giới mới khuyến nghị tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, chưa có khuyến nghị chính thức tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi, do vậy, không thể đợi tiêm hết vaccine hoặc không có Covid-19 mới cho đi học. Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội căn cứ thực tiễn, tiến hành mở dần, cần linh hoạt, không máy móc.
Mỹ hoãn phê duyệt vaccine Moderna cho nhóm tuổi 12-17.
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã hoãn phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Moderna cho nhóm thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi.
Theo FDA, cần có thêm thời gian để đánh giá chi tiết hơn nguy cơ mắc viêm cơ tim sau khi tiêm chủng. Trong tuyên bố đưa ra, Moderna thông báo việc đánh giá có thể kéo dài cho đến tháng 1/2022.
Hiện tượng viêm cơ tim trước đây đã được xác định liên quan tới việc tiêm vaccine của hãng Pfizer và hãng Moderna, đặc biệt ở các đối tượng thiếu niên và thanh niên nam giới.
Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố hồi tháng 8, nguy cơ xảy ra hiện tượng này cao hơn nhiều sau khi mắc COVID-19.