Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời đại diện Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng cho biết, Trung tâm sẽ tới một số trường để tuyên truyền, vận động học sinh - sinh viên sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển. Từ đó, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và chi phí xã hội.
Qua đây, Trung tâm cũng thông tin về mạng lưới tuyến xe buýt, thẻ thẻ điện tử. Đồng thời, hướng dẫn sinh viên đảm bảo an toàn, an ninh trật tự khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Chương trình cũng thông tin thêm về các loại hình giao thông công cộng khác như xe buýt trên sông, xe buýt 2 tầng,...và khuyến khích sinh viên trải nghiệm.
Ngoài ra, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng hướng dẫn cài đặt và sử dụng Ứng dụng Go!Bus trên điện thoại nhằm tăng cường chất lượng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết, thời gian qua TP đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành, nâng cao chất lượng dịch vụ hoạt động xe buýt. Đơn cử như ứng dụng công nghệ, triển khai thẻ vé điện tử, đổi mới phương tiện, triển khai thêm tuyến buýt điện mới.
Phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được xác định là một trong những giải pháp căn cơ để kiểm soát, hạn chế phương tiện xe cá nhân; nhờ đó, giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn. TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 vận tải hành khách công cộng trong đó có xe buýt sẽ đảm nhận 30% nhu cầu đi lại của người dân thay vì chỉ đáp ứng khoảng 9% như hiện nay.
Tuy nhiên việc “kéo” người dân sử dụng xe buýt không phải là điều dễ dàng, nhất là khi thói quen sử dụng xe máy vẫn còn phổ biến, phương tiện cá nhân ngày càng bùng nổ, kết cấu hạ tầng giao thông đô thị đang quá tải, ùn tắc giao thông liên tục diễn ra.
Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải thành phố, tính đến tháng 5/2017, thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó chiếm đến gần 7,5 triệu là xe máy. Về xe buýt, thành phố có khoảng 3.000 xe buýt hoạt động trên 141 tuyến; trong đó có 2.500 xe thuộc diện có trợ giá. Hệ thống bến bãi phục vụ vận tải hành khách công cộng (xe buýt và taxi) chỉ đạt gần 30 ha, chiếm 36,95% so với quy hoạch.
Công tác phát triển vận tải hành khách công cộng còn nhiều bất cập do mật độ giao thông quá cao; tình trạng xuống cấp của hệ thống xe buýt và bến bãi giao thông tĩnh còn thiếu nhiều, chưa được đầu tư đúng mức. Thành phố vẫn chưa kiểm soát được xe không đăng ký kinh doanh tham gia hoạt động qua phần mềm Uber, Grab. Đến nay Sở Giao thông vận tải đã cấp phù hiệu xe hợp đồng cho các xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 22.331 xe, qua đó nâng lượng xe ôtô dưới 9 chỗ hoạt động trên địa bàn lên 33.286 xe, đã phá vỡ quy hoạch taxi trên địa bàn. Điều này cũng gây sức ép và ảnh hưởng rất lớn đến năng lực vận tải của xe buýt.
Vietnam Plus dẫn lời ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố cho hay, quan điểm của thành phố là không cấm xe máy mà kiểm soát nhu cầu sử dụng xe máy lưu thông trên đường; khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng. Thành phố sẽ đầu tư xây dựng hệ thống vé điện tử thông minh áp dụng cho xe buýt; tổ chức bố trí làn riêng cho xe buýt, tổ chức đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt có trợ giá; tiếp tục xây dựng đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.”
Theo tiến sỹ Lương Hoài Nam - chuyên gia giao thông, trong khi chờ các tuyến metro và xe buýt nhanh BRT đưa vào khai thác, thành phố vẫn phải tiếp tục xác định xe buýt là loại hình chiến lược và chủ lực trong vận tải hành khách công cộng, đồng thời phải có kế hoạch phát triển xe buýt công suất nhỏ, có tính chất thu gom, phù hợp với đặc điểm thành phố có nhiều hẻm nhỏ.
Về giải pháp phát triển hệ thống xe buýt, Sở Giao thông vận tải đang đẩy nhanh tiến độ đề án thay mới 1.680 xe. Hiện đã đầu tư thay thế được 857 xe, phục vụ trên 49 tuyến. Việc thay thế xe buýt mới đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút người dân sử dụng xe buýt. Trong năm 2017 sẽ tiếp tục đề án thay mới phương tiện, trong đó tập trung đầu tư xe buýt CNG.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng sẽ nhanh chóng sắp xếp mạng lưới tuyến xe buýt khoa học, phù hợp với nhu cầu khách đi lại và gắn với quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng; phát triển mạnh loại hình đưa rước học sinh, sinh viên và công nhân; bố trí quỹ đất và huy động nguồn vốn từ xã hội hóa để nhanh chóng đầu tư các điểm trung chuyển phục vụ cho hệ thống vận tải hành khách công cộng liên thông và thuận tiện đồng thời đầu tư 3 bến xe buýt theo hình thức PPP gồm Bến xe Chợ Lớn, quận 8 và Tân Phú.
Thùy Dung(T/h)